Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ không muốn mở cuộc điều tra mới về vụ chìm tàu Cheonan


Hoa Kỳ bác bỏ yêu cầu của Bắc Triều Tiên muốn mở một cuộc điều tra mới về vụ chiếc tàu Cheonan của Nam Triều Tiên bị chìm, vì cho rằng kết quả cuộc điều tra của quốc tế, gán vụ này do Bắc Triều Tiên gây ra, đã đủ “thuyết phục”.

Hôm thứ Tư, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng không có lý do gì để mở lại một cuộc điều tra mới, và cộng đồng thế giới bây giờ nên tập trung chuẩn bị cho một đáp ứng thích đáng trước hành vi gây hấn của Bình Nhưỡng.

Trong một công hàm gửi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư, Bắc Triều Tiên nói rằng họ mong có một cuộc điều tra mới, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và có sự tham gia của người thuộc cả hai miền Nam Bắc.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Tư, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ P.J. Crowley nói rằng Hoa Kỳ “không có điều nghi ngờ nào” về chuyện ai đã đánh chìm chiếc Cheonan, và đã đến lúc Bắc Triều Tiên nên nhận trách nhiệm:

“Đã có một cuộc điều tra thấu đáo về chiếc tàu Cheonan chìm và bằng chứng thu hoạch được đã chỉ rõ Bắc Triều Tiên và thủy lôi của Bắc Triều Tiên. Chúng tôi nghĩ rằng ở vào thời điểm này một cuộc điều tra nữa là không cần thiết. Nam Triều Tiên đã chỉ huy cuộc điều tra và có sự tham gia của các nước khác. Chúng tôi nghĩ kết quả đã rõ và có tính thuyết phục.”

Các nhà ngoại giao của Hoa Kỳ đang tiếp xúc với nhiều nước tại Liên Hiệp Quốc để tìm đồng thuận cho một sự đáp ứng thích hợp và đúng lúc, nhưng họ không nói rõ đáp ứng như thế nào tại Hội Đồng Bảo An sẽ được xem là thích hợp.

Trung Quốc vẫn tỏ vẻ mơ hồ về chuyện đổ lỗi cho ai trong vụ này, và với tư cách là thành viên thường trực của hội đồng này, họ có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào lên án Bắc Triều Tiên.

Tại hội nghị cấp cao G-20 cuối tuần rồi, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng Trung Quốc có vẻ “cố tình làm ngơ” trước tác phong của Bắc Triều Tiên.
Trả lời cho câu nói này, một người phát ngôn của Trung Quốc hôm thứ Tư nói rằng họ cần phải thận trọng và không muốn “đổ dầu thêm vào lửa.”

Trong chốn riêng tư, các giới chức Hoa Kỳ lo ngại nếu bị gặp áp lực quá mạnh, Bắc Triều Tiên có thể tỏ hành động gây hấn khác.

Dường như để làm giảm bớt áp lực đó, hôm thứ Bảy vùa qua, Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên loan báo Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nắm quyền chỉ huy lực lượng vũ trang của hai nước tại bán đảo Triều Tiên tới năm 2015, thay vì giao lại cho Nam Triều Tiên vào năm 2012 như đã lên kế hoạch.

Trong tuần này, ông Wi Sung-lac, Đặc sứ về Hòa bình và An ninh của Tổng thống Nam Triều Tiên đến Washington để họp với ông Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á; và ông Stephen Bosworth, Đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG