Đường dẫn truy cập

Vai trò của Hoa Kỳ và tiến trình hòa bình Trung Đông


Trong nhiều thập niên, Hoa Kỳ đã tìm cách đóng vai trò trung gian, làm cầu nối giữa Israel và người Ả Rập. Theo chân các vị Tổng thống tiền nhiệm, Tổng thống Barack Obama đang tìm những phương cách để chấm dứt thù nghịch và mang lại hòa bình, một mục tiêu vẫn còn khá xa vời. Thông tín viên Paula Wolfson của đài VOA tường trình rằng Tổng thống Obama đang nhận được nhiều lời khuyên, từ cả trong nước lẫn trong khu vực.

Lẽ ra đây là thời điểm khi Hoa Kỳ đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao tại Trung Đông.

Với đặc sứ Mỹ George Mitchell được chỉ định làm trung gian hòa giải trong các cuộc thảo luận gián tiếp giữa Israel và người Palestine.

Và Phó Tổng thống Joe Biden thực hiện chuyến công du gây nhiều chú ý đến Jerusalem trong tuần này.

Phó Tổng thống Biden nói: “Không có sự ngăn cách giữa Hoa Kỳ và Israel khi nói tới nền an ninh của Israel.”

Dịp này, ông Biden cũng đến thăm trụ sở chính của Thẩm quyền Palestine trên vùng bờ Tây.

Tại đây, ông nói: “Hoa Kỳ sẽ luôn luôn sát cánh với những người chấp nhận những rủi ro mà hòa bình đòi hỏi.”

Phó Tổng thống Biden là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Tổng thống Obama đến thăm Trung Đông.

Tuy nhiên trong khi ông Biden còn hiện diện trong khu vực, chính phủ Israel loan báo kế hoạch xây thêm nhiều khu gia cư mới tại Đông Jerusalem, và như thế hoàn toàn gạt sang bên những lời kêu gọi của Hoa Kỳ, yêu cầu Israel đình chỉ mọi công trình xây cất.

Phó Tổng Thống Biden bày tỏ sự phẫn nộ của ông: “Theo quan điểm của tôi, quyết định ấy đã phương hại đến niềm tin cần thiết để mở những cuộc thương thuyết khả dĩ có thể dẫn đến kết quả. Theo lệnh Tổng thống Obama, tôi đã lập tức lên án một cách rõ rệt quyết định của Israel.”

Trên các đường phố Jerusalem, người Israel và người Palestine đều đặt nghi vấn về vai trò của Hoa Kỳ trong các nỗ lực mưu tìm hòa bình.

Một người đàn ông Palestine nói: “Người Mỹ đã chứng tỏ từ nhiều năm rồi, rằng họ không thực sự đóng một vai trò đáng kể nào trong khu vực. Bởi vì họ chỉ lo lắng về một điều duy nhất, đó là nền an ninh của Israel, chứ họ không lo gì đến sự an ninh của những người khác.”

Một phụ nữ Israel nhận định: “Nếu ông Obama ra sức để răn đe tất cả những kẻ hoạt động chống Israel, họ sẽ tôn trọng người Israel và tăng cơ may có thể kiến tạo hòa bình.”

Tại thủ đô Washington, Quốc hội Hoa Kỳ cũng nhảy vào cuộc tranh luận. Ủy ban Chính sách Đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ kêu gọi các chuyên gia mở thảo luận về các nỗ lực hòa giải của Hoa Kỳ.

Ông Daniel Kurtzer là một nhà ngoại giao lão thành người Mỹ. Ông nói với ủy ban rằng đây là một trách nhiệm hết sức nặng nề.

Ông nói: “Khi người Mỹ nói lên quan điểm của mình, thì mọi người sẽ lắng nghe.”

Ông Kurtzer từng nắm chức vụ đại sứ Mỹ tại Ai cập và Israel. Ông nói ông muốn thấy chính phủ của Tổng thống Obama tỏ ra mạnh dạn hơn trong nỗ lực này.

Ông nói: “Trong năm qua, tôi cảm thấy thất vọng về sự thiếu táo bạo, thiếu sáng tạo và thiếu sức mạnh của nền ngoại giao của chúng ta liên quan tới tiến trình hòa bình Trung Đông.”

Nhiều người khác đề cập đến tình hình ngày càng phức tạp trong khu vực.

Ông Robert Malley từng phục vụ Tòa Bạch Ốc dưới chính quyền của Tổng thống Clinton, và giờ đang làm việc cho Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu chính sách tư nhân tại Washington.

Ông nhận định: “Tôi không nhớ bất cứ thời gian nào mà tình hình lại phức tạp, mâu thuẫn, và rối rắm như bây giờ.”

Nếu người Israel và người Palestine đồng ý với nhau về một điểm, thì đó là: sự thành công hoặc thất bại của tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ có những hậu quả quá quan trọng, để người Mỹ có thể bỏ rơi tiến trình này.

Ông Ziad Asali đang vận động cho các quyền lợi của người Palestine tại Hoa Kỳ. Ông cũng ra điều trần trước Ủy ban Thượng viện Mỹ.

Ông nói: “Hoa Kỳ là nước đối tác không thể không có, có thể đưa các bên thương thuyết lại gần nhau để đi đến thỏa thuận.”

Từ những năm của thập niên 1970, các nỗ lực hòa giải của Hoa Kỳ đã đưa đến những bước tiến lớn cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Năm 1978, các nỗ lực của Hoa Kỳ đã dẫn đến thỏa thuận giữa Ai cập và Israel tại Trại David. Và năm 1993, cái bắt tay giữa các nhà lãnh đạo Israel và Palestine trên sân cỏ của Tòa Bạch Ốc là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm của họ đi đến hòa bình.

Nhưng ngày nay, bất chấp các nỗ lực mới, các bên vẫn chưa đạt được tiến bộ đáng kể, và mục tiêu chủ yếu bây giờ chỉ là làm thế nào để các cuộc thương thuyết có thể tiếp tục.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG