Đường dẫn truy cập

Hội nghị Liên Hiệp Quốc xem xét tiến bộ về quyền của phụ nữ


Phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, vào chính trường, tham gia ứng cử, bầu cử
Phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, vào chính trường, tham gia ứng cử, bầu cử

Hơn 2.000 phụ nữ họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York trong tuần qua để duyệt xét những tiến bộ về quyền phụ nữ kể từ khi Tuyên ngôn Bắc Kinh được ký kết cách đây 15 năm. Văn kiện này đưa ra một khung làm việc để tăng tiến sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ trên thế giới.

Phụ nữ đòi được hưởng những quyền như nam giới từ nhiều thế kỷ nay, trong đó có cả quyền được đi bầu, quyền được trả lương như nam giới và quyền được sinh sản.

Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhận định tại hội nghị của Liên Hiệp Quốc về phụ nữ là kể từ Tuyên ngôn Bắc Kinh cho đến nay đã có nhiều tiến bộ.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon nói: “Một số ngày càng tăng các quốc gia đã có những chính sách và luật lệ hỗ trợ cho việc bình đẳng giới tính và sức khỏe để sinh sản. Nhiều em gái ngày nay nhận được giáo dục, đặc biệt ở bậc tiểu học. Phụ nữ càng ngày càng điều hành hoạt động doanh thương nhiều hơn và nhận được các khoản vay. Phụ nữ ngày nay cũng tham gia nhiều hơn vào chính phủ.”

Điển hình như Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf và Thủ tướng Bangladesh Sheik Hasina.

Tuy nhiên dù có một vài tiến bộ và ngày càng có nhiều đòi hỏi về quyền bình đẳng, Liên Hiệp Quốc cho biết là phụ nữ vẫn vượt quá nam giới về con số những người nghèo nhất thế giới.

Phụ nữ thường được trả ít lương hơn nam giới trong cùng một công việc. Con số tử vong khi sanh nở vẫn còn ở mức độ cao không chấp nhận được. Và 2/3 phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành không biết đọc biết viết, một con số thống kê không thay đổi trong vòng 20 năm qua.

Tuyên ngôn Bắc Kinh kêu gọi xóa bỏ những luật lệ kỳ thị làm cho phụ nữ bị bỏ rơi phía sau. Tuy nhiên nhiều chính phủ vẫn còn thi hành những luật lệ kỳ thị này.

Bà Taina Bien-Ame, Giám đốc điều hành của một nhóm phụ nữ Mỹ có tên là “Equality Now” nói:

“Khi phụ nữ không được bình đẳng trước pháp luật, họ không thể trông cậy vào một hình thức nào khi phải đối mặt với kỳ thị và bạo động. Chẳng hạn như tại Singapore, luật cho phép một người đàn ông hãm hiếp vợ mình khi người vợ ở lứa tuổi 13 hay lớn hơn nữa. Tại Iraq, luật đòi hỏi phụ nữ phải được phép của người giám hộ phái nam hoặc của chồng mới được có hộ chiếu. Tại Israel, luật cấm người đàn bà được ly dị trừ phi người chồng trao cho một giấy phép tôn giáo cho phép ly dị. Và tại Ả Rập Xê Út, phụ nữ vẫn còn bị cấm lái xe.”

Tháng 9 năm ngoái, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thành lập một cơ quan mới để trông coi các vấn đề phụ nữ. Những đại diện tại hội nghị bày tỏ hy vọng là cơ quan này sẽ hỗ trợ cho phụ nữ trên thế giới trong nỗ lực thực hiện quyền bình đẳng giới tính.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG