Đường dẫn truy cập

Những người Kampuchea vô tổ quốc trở thành công dân Việt Nam


Những người Kampuchea vô tổ quốc trở thành công dân Việt Nam
Những người Kampuchea vô tổ quốc trở thành công dân Việt Nam

Cơ quan Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba cho hay chính phủ Việt nam đã đưa ra những biện pháp mang tính đột phá để giúp chấm dứt tình trạng vô tổ quốc của hàng ngàn người Kampuchea tỵ nạn trước đây. Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 2.000 người tỵ nạn sẽ được trở thành công dân Việt vào cuối năm nay.

Cơ quan Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết 2.357 nạn nhân người Kampuchea của chế độ độc tài Khmer đỏ Pol Pot vẫn sống trong tình trạng vô tổ quốc tại Việt Nam từ hơn 30 năm nay.

Phát ngôn viên của Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn Adrian Edwards nói rằng tình trạng bất trắc của 287 người tỵ nạn trong số này đã chấm dứt. Ông cho biết vào thứ Sáu tuần trước, họ đã nhận được chứng chỉ công dân tại một buổi lễ của Bộ Tư pháp tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.

Phát ngôn viên Edwards nói rằng đây là cao điểm của 5 năm làm việc giữa Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc với chính phủ Việt Nam. Ông cho biết tất cả những người Kampuchea này đều nói được tiếng Việt và họ hội nhập hoàn toàn vào xã hội. Ông nói:

"Giờ đây họ được hưởng tất cả mọi quyền công dân. Tại Việt Nam, điều này có nghĩa là họ sẽ được cấp sổ hộ khẩu cũng như chứng minh nhân dân. Với 2 thứ giấy tờ này, các công dân mới có quyền được mua nhà, theo học đại học, được bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm hưu bổng, và làm những chuyện đơn giản khác mà họ đã không được phép làm trước khi trở thành công dân, như sở hữu một chiếc xe gắn máy chẳng hạn.”

Phát ngôn viên Edwards nêu lên rằng vào cuối năm nay, con số 2.070 trước đây là tỵ nạn Khmer đỏ còn lại sẽ được nhập tịch, trở thành công dân Việt Nam.

Ông ca ngợi những bước quan trọng mà Việt Nam đã áp dụng để chấm dứt và ngăn ngừa tình trạng vô tổ quốc cho những người tỵ nạn. Ông thuật lại như sau:

"Năm ngoái, Việt Nam đã ban hành một đạo luật để sửa chữa những lỗ hổng của luật pháp từng khiến hàng ngàn phụ nữ Việt kết hôn với người nước ngoài và rồi ly dị phải trở thành những người vô tổ quốc. Hầu hết tình trạng này giờ đây đã được điều chỉnh lại, và hầu hết các phụ nữ và con cái họ đang có được qui chế công dân."

Tranh đấu để chống lại tình trạng vô tổ quốc là một ưu tiên hàng đầu của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc. Cơ quan này cho hay trên toàn thế giới, 12 triệu người lâm vào tình trạng vô tổ quốc không có được một thứ quyền gì. Họ sống trong tình cảnh vật vờ, bị tước bỏ quyền tự do đi lại và những quyền lợi bình thường trong xã hội mà các công dân của một quốc gia coi như là chuyện đương nhiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG