Đường dẫn truy cập

Ủy ban Nhân quyền LHQ lên án các vụ vi phạm nhân quyền ở Iran


Người đứng đầu về nhân quyền của Iran Mohammad Javad Larijani đã cố gắng nhưng không thành công để đòi bãi bỏ cuộc bỏ phiếu về nghị quyết
Người đứng đầu về nhân quyền của Iran Mohammad Javad Larijani đã cố gắng nhưng không thành công để đòi bãi bỏ cuộc bỏ phiếu về nghị quyết

Ủy ban Đại hội đồng Liên hiệp quốc đặc trách các vấn đề nhân quyền đã thông qua một nghị quyết lên án những vụ vi phạm nhân quyền lan tràn tại Iran. Từ trụ sở Liên hiệp quốc, thông tín viên VOA Margaret Besheer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Hôm qua, Iran hứng chịu lời khiển trách đã trở thành thường niên vì những vụ vi phạm nhân quyền tại ủy ban đặc trách các vấn đề xã hội, nhân đạo và nhân quyền thuộc Đại hội đồng Liên hiệp quốc.

Người đứng đầu về nhân quyền của Iran ông Mohammad Javad Larijani đã cố gắng nhưng không thành công để đòi bãi bỏ cuộc bỏ phiếu về nghị quyết dựa vào một lỗi kỹ thuật, yêu cầu biểu quyết “không hành động” với lý do ủy ban không có quyền tài phán để cứu xét vấn đề. Cố gắng đó đã hoàn toàn thất bại. Ủy ban sau đó tiếp tục phê chuẩn nghị quyết với 80 phiếu thuận, 44 phiếu chống và 57 nước không bỏ phiếu.

Sự ủng hộ tuy khiêm tốn, nhưng đây là khoảng cách biệt lớn nhất kể từ khi ủy ban bắt đầu đưa vấn đề ra cứu xét cách đây 7 năm.

Nghị quyết do Canada soạn thảo và được sự đồng bảo trợ của 42 nước khác. Đại sứ Canada tại Liên hiệp quốc, ông John McNee, tuyên bố Tehran đã không thực hiện nỗ lực nào để cải thiện thành tích nhân quyền bất kể những lời kêu gọi liên tục của quốc tế đề nghị họ tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế.

Ông McNee nói: “Các thành viên của ủy ban này không thể làm lơ trước những vụ vi phạm nhân quyền liên tục của Iran, như ném đá để trừng phạt, tra tấn, đánh bằng roi, cắt xẻo bộ phận cơ thể, hành quyết vị thành niên, hành quyết bằng cách bóp cổ, liên tục phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ vị thành niên, và liên tục không tôn trọng việc xét xử theo luật pháp. Thưa ngài chủ tịch, những vụ vi phạm này tiếp tục và tiếp tục tệ hại hơn.”

Người đứng đầu về nhân quyền của Iran, ông Larijani, đã đọc một bài thuyết trình đầy xúc động và dài dòng trong cố gắng bác bỏ điều ông gọi là những cáo buộc “ác độc.”

Ông Larijani nói: “Tôi xin xác định rõ ràng rằng Hoa Kỳ là chủ mưu và là người khiêu khích chính yếu, và nói về thực chất thì văn bản này không có liên quan gì đến nhân quyền và quảng bá nhân quyền cả. Nó chỉ có ý định ác độc là phục vụ cho chính sách thù địch và bá quyền của Hoa Kỳ chống lại nước Cộng hoà Hồi giáo Iran. Tôi yêu cầu quý vị hãy nhận thức rõ điều ấy.”

Ông Larijani cũng đưa ra lời cáo buộc chống lại thành tích nhân quyền của Canada, và trong một diễn biến lạ lùng và không có liên quan, tố cáo cơ quan tình báo M16 của Anh là sát hại bà Neda Agha-Soltan, người phụ nữ trẻ tuổi Iran đã bị bắn trong một cuộc biểu tình sau bầu cử hồi năm ngoái. Tên của bà đã trở thành lời kêu gọi đoàn kết cho những người chủ trương cải cách sau khi video chiếu cảnh bà chết được phổ biến trên internet.

Trong nghị quyết, ủy ban kêu gọi Tehran loại trừ những tập tục như đánh bằng roi và cắt xẻo bộ phận cơ thể, bãi bỏ những vụ hành quyết công khai và việc sử dụng các hình phạt như ném đá và treo cổ, cũng như chấm dứt việc phân biệt đối xử phụ nữ và trẻ vị thành niên, ngưng xách nhiễu các đối thủ chính trị và những người bảo vệ nhân quyền.

Ủy ban cũng thông qua các nghị quyết khác lên án các vụ vi phạm nhân quyền tràn lan ở Bắc Triều Tiên và Miến Điện.

Nhiều nước bỏ phiếu chống hay không bỏ phiếu trong 3 cuộc biểu quyết nói rằng họ cảm thấy Hội đồng Nhân quyền ở Geneva mới là nơi thích hợp để bàn những vấn đề như vậy. Họ cũng phản đối điều họ gọi là “nhắm mục tiêu” và một số nước cụ thể để chỉ trích thành tích nhân quyền.

Kết quả biểu quyết của ủy ban còn phải được chấp thuận tại một phiên họp khoáng đại của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, là nơi bảo đảm nghị quyết thực sự được phê chuẩn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG