Đường dẫn truy cập

Thổ Nhĩ Kỳ triệu hồi đại sứ ở Washington về nước


Một nghị quyết khẳng định vụ tàn sát người Armenia thời Thế chiến thứ nhất là một vụ diệt chủng đã đuợc một ủy ban quan trọng của Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua với số phiếu cách biệt xít xao. Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng bằng cách triệu hồi đại sứ từ Washington. Thông tín viên VOA Kent Klein tại Tòa Bạch Ốc ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Mặc dù bị chính quyền Obama phản đối, Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện Hoa Kỳ hôm qua đã thông qua một nghị quyết không có tính cách cưỡng hành với 23 phiếu thuận và 22 phiếu chống.

Nghị quyết tuyên bố vụ sát hại những người Armenia dưới Đế chế Ottoman là một cuộc diệt chủng.

Gần như ngay tức khắc, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh cho đại sứ của họ ở Hoa Kỳ trở về Ankara để hội ý. Thổ Nhĩ Kỳ lên án nghị quyết và nói rằng quyết định hôm qua đã gán cho Thổ Nhĩ Kỳ vào một tội ác mà họ không hề phạm. Thổ Nhĩ Kỳ cũng bầy tỏ mối lo ngại rằng nghị quyết này có thể gây phương hại cho bang giao giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia.

Tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ đã đưa ra một lời hứa lúc tranh cử vào năm 2008 là sẽ công bố những vụ sát hại này là một cuộc diệt chủng. Nhưng Hoa Kỳ đã hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia trong các nỗ lực hòa giải, mà các giới chức Tòa Bạch Ốc cho rằng đã đạt được tiến bộ. Chính quyền đã hối thúc ủy ban chớ nên làm phật lòng Thổ Nhĩ Kỳ bằng hành động thông qua nghị quyết.

Hôm qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói với các phóng viên tại San Jose, Costa Rica rằng việc thông qua nghị quyết có thể gây gián đoạn cho tiến trình hòa giải.

Bà Clinton nói: “Cả Tổng thống Obama và tôi đều xác định rõ, cả hồi năm ngoái và một lần nữa trong năm nay, rằng chúng tôi không tin là bất cứ quyết định nào của Quốc hội đều không thích đáng, và chúng tôi phản đối quyết định đó.”

Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia đã ký một thỏa thuận hồi tháng 10 năm ngoái nhằm bình thường hóa quan hệ, nhưng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chưa phê chuẩn thỏa thuận đó. Ngay trước khi ủy ban Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Robert Gibbs tuyên bố chính quyền muốn hợp tác với hai nước tiến tới hòa giải hơn.

Ông Gibbs nói: “Qua hoạt động ngoại giao ráo riết của Ngoại trưởng Clinton, chúng tôi đã đạt được tiến bộ tới mức chúng tôi đã mấp mé tiến tới chỗ bình thường hóa quan hê. Tổng thống tin rằng việc thông qua những thủ tục này trong quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc đạt được mục tiêu đó.”

Ngoại trưởng Clinton đã nói chuyện với chủ tịch ủy ban là dân biểu Howard Berman của đảng Dân chủ vào hôm thứ tư và đã kêu gọi ông bãi bỏ cuộc điều trần hoặc biểu quyết chống lại nghị quyết.

Ông Berman đã không thực hiện cả hai điều đó. Tại cuộc điều trần hôm thứ năm, ông nói rằng bang giao giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ vững mạnh bất kể kết quả cuộc biểu quyết của ủy ban.

Ông Berman nói: “Tôi tin rằng, cho dù họ có bất mãn cách mấy ngày hôm nay, thì cơ bản họ cũng đồng ý rằng đơn giản là liên minh Hoa Kỳ-Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng đến mức không thể đi chệch hướng chỉ vì một nghị quyết không có tính cưỡng hành được Hạ viện Mỹ thông qua.”

Ông Berman và những người khác ủng hộ nghị quyết nói rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ đạo đức phải lên tiếng chống lại hành động diệt chủng, để ngăn chặn hiện tượng đó tái diễn.

Dân biểu Dan Burton của đảng Cộng hòa chống lại nghị quyết và nêu ra rằng một căn cứ Không quân Hoa Kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ là vô cùng cấp thiết cho các hoạt động quân sự Mỹ ở Iraq và Afghanistan.

Ông Burton nói: “Biết rằng chúng ta có thể phải thực hiện một hình thức hành động quân sự nào đó nay mai để chống lại có thể ngay cả Iran, thì chúng ta cần phải có càng nhiều càng tốt các nước bạn trong khu vực đó trên thế giới.”

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chưa tuyên bố liệu nghị quyết về vụ diệt chủng này có sẽ được đưa ra toàn thể Hạ viện để biểu quyết hay không.

Ủy ban Ngoại vụ đã chấp thuận một nghị quyết tương tự vào năm 2007. Sau áp lực mạnh của tổng thống lúc đó là ông George W. Bush, nghị quyết đã không được đưa ra thảo luận tại Hạ viện.

Armenia ca ngợi nghị quyết này. Ngoại trưởng Eduard Nalbandian nói đó là “bằng chứng” cho sự cam kết của Hoa Kỳ đối với “các giá trị nhân bản toàn cầu” và một bước quan trọng hướng tới việc ngăn chặn các tội ác chống lại loài người. Người Armenia nói rằng việc sát hại tới 1 triệu rưởi người Armenia trong thời gian từ năm 1915 đến năm 1923 là hậu quả của một chiến dịch có phối hợp của đế chế Thổ Nhĩ Kỳ.

Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cực lực phản bác nhãn hiệu diệt chủng. Họ nói rằng số người Armenia chết ít hơn nhiều và họ bỏ mình trong một cuộc nội chiến trong đó cả người Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị mất mạng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG