Đường dẫn truy cập

Từ chiến trường Iraq tới Ukraine: Cựu di dân Việt mang sứ mệnh giúp người di tản chiến tranh


Quân Nguyễn, một cựu di dân Chiến tranh Việt Nam từng chiến đấu ở chiến trường Iraq và Afghanistan, tại Lviv trước khi tới Kyiv để tìm cách mở rộng công việc cứu trợ người di tản ra khỏi Ukraine.
Quân Nguyễn, một cựu di dân Chiến tranh Việt Nam từng chiến đấu ở chiến trường Iraq và Afghanistan, tại Lviv trước khi tới Kyiv để tìm cách mở rộng công việc cứu trợ người di tản ra khỏi Ukraine.

Từng cầm súng chiến đấu ở chiến trường Iraq và Afghanistan, anh Quân Nguyễn giờ đây lại có mặt ở Ukraine, nơi đang có những giao tranh ác liệt bởi cuộc xâm lược của Nga, nhưng không phải để cầm súng.

“Tôi đến Ukraine để trợ giúp nhân đạo, giúp đưa những người dân ra khỏi đó,” anh Quân nói với VOA giữa những lần báo động xuống hầm trú ẩn để tránh tên lửa của Nga bắn vào Kyiv, nơi anh vừa tới cách đó vài ngày để tìm cách mở rộng việc giúp người dân di tản khỏi Ukraine.

Sứ mệnh cứu trợ

Là một cựu di dân Chiến tranh Việt Nam, anh Quân hiểu hơn ai hết cuộc sống trong trại tị nạn như thế nào và điều đó thôi thúc anh đến Ukraine để giúp những người dân đang chạy nạn có được chỗ trú chân hay những sự trợ giúp cần thiết trên đường đến một nơi an toàn mới.

Dù công việc mới, mà anh gọi là “sứ mệnh nhân đạo”, không phải là vác súng ra vùng chiến sự nhưng đối với anh Quân, nó lại không dễ dàng bởi sự thách thức không phải từ thể chất mà từ cảm xúc.

“Phá vỡ hay làm nổ tung mọi thứ thì dễ hơn nhưng sửa chữa mọi thứ để giúp đỡ mọi người sẽ khó khăn hơn vì bạn phải đầu tư rất nhiều tình cảm vào đó,” anh Quân nói khi so sánh việc cầm súng chiến đấu ở chiến trường với công việc nhân đạo như anh đang làm để giúp người dân di tản khỏi Ukraine.

Bản thân gia đình anh Quân cũng đã phải rời bỏ Việt Nam vào năm 1977 khi anh mới 5 tuổi. Gia đình anh tới Mỹ vào năm 1980 sau 9 tháng sống trong một trại tị nạn ở Malaysia và 2 năm ở Pháp dưới sự bảo trợ của một nhóm từ thiện Công giáo.

Khi Afghanistan sụp đổ, giống như nhiều người Mỹ, anh Quân chứng kiến cuộc khủng hoảng di dân và đóng góp tài chính để trợ giúp những người tị nạn đến đây. Nhưng là một cựu binh Mỹ từng tham gia chiến trường ở Afghanistan, và trước đó là Iraq, anh Quân cảm thấy “có lỗi” khi không đến được Afghanistan để giúp những người dân di tản khi quân Taliban tiếp quản.

Đó là lý do vì sao anh Quân quyết định đến Ukraine. Bay tới Ba Lan, sau đó đi tàu và xe bus qua biên giới, anh Quân tới Lviv, thành phố giáp biên giới Ba Lan, cách đây hơn 2 tuần để cùng một người bạn đang sinh sống ở đây giúp đỡ người di tản.

Ban đầu anh Quân tới để phân phát nhu yếu phẩm cần thiết nhưng sau đó anh cùng với người bạn của mình đã giúp những người chạy nạn chiến tranh có nơi trú ngụ trước khi tiếp tục cuộc hành trình di tản của họ. Hiện anh Quân đã thuê được thêm một ngôi nhà, cùng với căn hộ của người bạn, để dùng làm nơi trú ngụ cho những người đang tìm cách chạy trốn khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Quân Nguyễn khi còn trong quân đội tại Iraq năm 2003.
Quân Nguyễn khi còn trong quân đội tại Iraq năm 2003.

Với sự kết nối qua mạng xã hội và thông tin truyền miệng, những người di tản biết đến nhóm của anh Quân để tìm sự giúp đỡ.

“Họ chủ yếu đi bằng tàu tới Lviv và chúng tôi đón họ ở đó,” anh Quân cho biết. “Chúng tôi cho họ một chỗ để nghỉ, tắm giặt, ăn uống. Trung bình, họ ở lại một vài ngày và khi đã sắp đặt xong mọi việc, chúng tôi đưa họ ra tàu để đi tiếp. Hầu hết trong số họ qua biên giới sang Ba Lan và từ đó họ sẽ tiếp tục đi đến nơi nào đó ở châu Âu.”

Theo thống kê của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, hơn 10 triệu người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa ở Ukraine kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công quân sự tại đây ngày 24/2. Con số này bao gồm hơn 4 triệu người rời khỏi đất nước Ukraine trong gần 1 tháng qua và phần lớn trong số họ, hơn 2,1 triệu người đã tới Ba Lan.

Anh Quân đã giúp hơn 30 gia đình rời khỏi Ukraine, và hầu hết trong số họ là phụ nữ và trẻ em.

...khó hơn cầm súng

Giúp đỡ những người chạy nạn chiến tranh gợi cho anh Quân nhớ đến những gì gia đình anh đã trải qua, với sự buồn vui lẫn lộn.

“Tôi nhớ một phụ nữ nói với tôi rằng cô ấy đang dang dở việc học ở trường nhưng cô ấy cũng nói rằng thay vì lo lắng cho việc học hành và thi cuối kỳ thì tôi phải lo lắng về cuộc sống của mình và của gia đình mình. Điều đó thật là buồn,” anh Quân nói. “Nhưng mặt khác tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì có thể giúp được họ di tản hay khi họ cám ơn chúng tôi.”

Dù từng chỉ huy một trung đội Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ ở Iraq và chiến đấu ở chiến trường Afghanistan, anh Quân lại thấy ‘nhiệm vụ’ mới của anh ở Ukraine khó khăn hơn nhiều.

“Tôi phải mất một thời gian mới lấy lại và duy trì được sự cảm thông mà tôi đã đánh mất khi phục vụ trong quân đội,” anh Quân, người được cử đến chiến trường Iraq năm 2003 và chiến đấu ở Afghanistan 2 năm sau đó, giải thích và cho biết rằng nhiệm vụ chính của anh lúc đó không phải là “gìn giữ hòa bình” mà là “tìm kiếm và tiêu diệt kẻ địch.”

Anh Quân cảm thấy mình đã hoàn thành việc “cầm súng chiến đấu” và giờ đây muốn tạo ra một tác động lớn hơn bằng công việc nhân đạo. Đó là lý do vì sao người cựu binh Mỹ gốc Việt tạm dừng các công việc ở Salt Lake, Utah, nơi anh đang sinh sống, để đến Ukraine với sứ mệnh hỗ trợ người di tản.

“Nó rất đáng làm và là một liệu pháp, vì vậy nó hoàn toàn khác với những gì tôi đã từng làm,” anh Quân nói.

Và anh Quân được sự ủng hộ mà anh nói là “vô cùng to lớn về mặt tinh thần” của vợ anh, Amy Kitzmiller Nguyen, người luôn nhắc nhở anh, mỗi khi anh cảm thấy chán nản về mọi thứ, rằng những gì anh đang làm là điều tốt cho những người khác.

“Tôi rất tự hào về anh ấy vì đã đứng lên chống lại cái ác,” chị Amy nói về người chồng của mình.

Để thực hiện sứ mệnh nhân đạo của mình, anh Quân gây quỹ thông qua một nhóm bất vụ lợi có tên Task Force 824 do anh thành lập với nhiệm vụ “lấp vào các khoảng trống và cung cấp hỗ trợ cần thiết” cho người di tản tại Ukraine.

“Lượng tiền mà chúng tôi gây quỹ được cũng đủ để cho phép chúng tôi mua đồ ăn, nước uống cho những người tị nạn qua đây, mua vé ra ga tàu cho họ hay bất cứ thứ gì mà chúng tôi cần để hỗ trợ họ,” anh Quân nói và giải thích về con số 824 là ngày độc lập của Ukraine khi tách khỏi Liên bang Xô viết vào năm 1991.

Anh Quân không phải là người Mỹ gốc Việt duy nhất tới Ukraine kể từ khi chiến sự xảy ra. Trước đó, Hiếu Lê, cũng là một cựu binh Mỹ, đã tới vùng chiến sự mới nhất này để tham gia cuộc kháng chiến chống quân Nga xâm lược. Còn tại Mỹ, cộng đồng người Việt, từng là di dân tị nạn chiến tranh sau năm 1975, từ cả bờ tây và bờ đông đã quyên góp ủng hộ nhân dân Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Đối với anh Quân, dù sẽ đến một lúc phải rời khỏi vùng chiến sự Ukraine nhưng anh sẽ vẫn có thể tiếp tục sứ mệnh mà anh đang làm.

“Sẽ tới một thời điểm tôi sẽ trở về Mỹ và tôi nghĩ rằng tôi vẫn có thể tiếp tục giúp đỡ bằng tài chính, ít nhất là với việc gây quỹ để trợ giúp người dân Ukraine.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG