Đường dẫn truy cập

Trung Quốc xem xét gia nhập CPTPP, chuyển thủ sang công hậu Trump


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trực tuyến trên diễn đàn APEC, 20/11/2020.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trực tuyến trên diễn đàn APEC, 20/11/2020.

Hôm 20/11, tại Diễn đàn APEC, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc đang xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tái khẳng định theo đuổi mục tiêu toàn cầu hóa nền kinh tế và tự do thương mại đa phương. Giới chuyên gia cho rằng CPTPP có một số ràng buộc nhất định mà Bắc Kinh khó nhượng bộ, và các thành viên khác cũng khó đạt đồng thuận để cho Trung Quốc gia nhập.

CPTPP là phiên bản cải tiến của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama xúc tiến, nhưng bị Tổng thống Donald Trump làm chao đảo sau khi ông rút Mỹ ra khỏi Hiệp định này vào tháng 1/2017, một trong những hành động đầu tiên của ông sau khi nhậm chức. Nhưng nay, đúng như kịch bản Bắc Kinh đưa ra trước đó - chính phủ của Tổng thống Trump sắp mãn nhiệm và Hoa Kỳ sắp có tân tổng thống – Trung Quốc chính thức tuyên bố “xem xét gia nhập CPTPP.”

Thừa thắng xông lên

Tân Hoa Xã dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 20/11 tuyên bố: “Trung Quốc hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và sẽ tích cực xem xét việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).”

Kể từ sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc đã quyết tâm hơn trong việc hoàn thành hiệp định cạnh tranh RCEP và cuối cùng hiệp định này vừa được Trung Quốc cùng 14 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, ký kết hôm 15/11/2020. Các chuyên gia cho VOA biết RCEP không chỉ bất lợi cho Việt Nam mà còn bất lợi cho Mỹ, khi mà chuỗi cung ứng và đầu tư của Trung Quốc tiếp tục nhận được ưu đãi về thuế quan và lao động giá rẻ từ RCEP.

Tuyên bố của ông Tập về việc “tích cực xem xét gia nhập CPTTP” được đưa ra chỉ vài ngày sau khi RCEP được ký kết.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại G20, Nhật, 2019.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại G20, Nhật, 2019.

Đài CGTN của Trung Quốc nói rằng lý do Chủ tịch Tập tuyên bố xem xét tham gia CPTPP - một hiệp định với mục đích ban đầu là chống Trung Quốc - là chỉ đơn thuần thể hiện cam kết “nghiêm túc của Bắc Kinh về việc việc mở rộng thương mại tự do đa phương,” chứ không có hàm ý đáp trả cuộc chiến thương mại Mỹ - Trumg do Tổng thống Donald Trump khởi sự.

Truyền thông Trung Quốc mô tả rằng tuyên bố của ông Tập nhằm “gửi đi thông điệp hòa giải” chứ không phải bày tỏ “tham vọng.”

Tuy nhiên, nhiều người không thể phủ nhận một thực tế rằng cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng qua giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh càng cảm thấy cấp bách phải tìm kiếm những đối tác mới để cạnh tranh với Hoa Kỳ, và chính việc ký kết RCEP vừa qua được xem là một thành công đối với Bắc Kinh.

Chuyển từ thế thủ sang thế công

Hiện tại, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không phải là thành viên của CPTPP, nhưng tuyên bố của ông Tập “thể hiện cam kết mạnh mẽ của nước này trong việc thúc đẩy sự mở cửa, chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa thương mại,” tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc nhận định.

Trang xã luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết hôm 22/11 kỳ vọng: “Nếu Chính quyền tiếp theo của Mỹ đảo ngược chính sách đối với CPTPP, thì sẽ tạo nên một nền tảng mới cho đối thoại kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.”

Trước đó, vào tháng 1/2019, ông Vương Huy Diệu, nguyên cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc, nói rằng việc Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ là một cách “hay” để xây dựng sự đồng thuận trong lòng Trung Quốc và giảm xung đột với Mỹ.

Do đó, gia nhập CPTPP sẽ là “một cách tương đối dễ dàng để cho Bắc Kinh giành được lợi thế trước Mỹ,” ông Vương nhận định.

Ông Vương nói sẽ tốt hơn cho Trung Quốc một khi nước Mỹ có tổng thống mới thay thế ông Trump trong Nhà Trắng, lý giải rằng “do lãnh đạo mới của nước Mỹ có thể có quan điểm khác về việc Trung Quốc gia nhập CPTPP.”

Các quan chức khác của Trung Quốc cũng bày tỏ khả năng Bắc Kinh sẵn sàng tham gia CPTPP để đáp lại lời kêu gọi của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hôm 19/11 về việc “mở rộng” hiệp định CPTPP mà Tokyo sẽ giữ chức chủ tịch vào năm 2021.

Hôm 20/11, khi được hỏi về quan điểm của Bắc Kinh trong việc trở thành một phần của CPTPP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) trả lời rằng một động thái như vậy là có thể xảy ra miễn là thỏa thuận này phù hợp với các mục tiêu quốc gia, khu vực và quốc tế, bao gồm cả những mục tiêu đặt ra bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ngày 24/11, Ủy viên quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dự kiến sẽ tới Tokyo trong một chuyến thăm cấp cao và sẽ hội kiến Thủ tướng Nhật Suga.

Hiệp định RCEP và nỗi lo về Trung Quốc
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:10 0:00

Trung Quốc sẽ lùi 1 bước để tiến 2 bước?

CPTPP, hiện có 11 nước tham gia, có những tiêu chuẩn cao hơn RCEP, và có thể sẽ là những thách thức đối với Trung Quốc như các chuẩn mực của khối về lao động, doanh nghiệp nhà nước, trao đổi dịch vụ và sở hữu trí tuệ.

Tiến sĩ kinh tế Vũ Quang Việt, một cựu chuyên gia làm việc nhiều năm cho Liên Hiệp Quốc, nói với VOA rằng để gia nhập CPTTP, Trung Quốc phải đáp ứng một số điều kiện:

“Hiệp định CPTPP có một vài đòi hỏi mà tôi không biết liệu Trung Quốc có chấp nhận hay không hay là liệu các nước khác sẽ hạ giảm yêu cầu để nhận Trung Quốc vào? CPTPP đòi hỏi các nước thành viên phải chấp nhận quyền của người lao động trong việc thành lập nghiệp đoàn và tổ chức đình công. Hai việc này từ xưa đến giờ gần như Trung Quốc không cho phép hay giã vờ cho phép.

“Một đòi hỏi nữa CPTPP là các nước phải mở rộng cho cạnh tranh của nước khác, cạnh tranh bán hàng của chính phủ, chấp nhận quyền mua sắm chính phủ.”

Ngoài ra, CPTPP còn có một số yêu cầu khác về bảo vệ môi trường, quyền sở hữu trí tuệ, và yêu cầu đối với các doanh nghiệp quốc doanh.

Một khi Trung Quốc chấp nhận các yêu cầu này và được gia nhập CPTPP, thì nước này sẽ được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan.

“Đương nhiên, Mỹ sẽ bị gạt ra bên ngoài và Mỹ sẽ không được hưởng những lợi thế đó, nhất là không được tiếp cận thị trường rất lớn của Trung Quốc.”

Viết trên Twitter hôm 18/11, bà Wendy Cutler, Phó Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Asia Society, nhận định rằng RCEP là “một hồi chuông thức tỉnh nữa cho nước Mỹ.”

Nay với thêm ngỏ ý gia nhập CPTPP, Trung Quốc một lần nữa “chứng tỏ” vị thế cường quốc kinh tế của mình, trong khi các nhà bình luận đưa ra nhận xét rằng dường như Mỹ “bị đơn độc” giữa lúc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng các biện pháp bảo vệ thị trường và lấy lại việc làm cho người dân Mỹ.

Ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden, tháng 9/2015.
Ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden, tháng 9/2015.

Ông Joe Biden, Tổng thống Đắc cử của Hoa Kỳ, cả trong chiến dịch tranh cử và trong các cuộc tranh luận tổng thống, cho biết ông để ngỏ việc Mỹ tham gia CPTPP, nhưng ông nhấn mạnh rằng ông muốn thương lượng lại các điều khoản.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt nêu nhận định với VOA:

“Bây giờ với tình trạng kinh tế Mỹ mất việc làm, nhất là tầng lớp trung lưu, chính quyền Trump được nhiều người ủng hộ vì ông muốn lấy lại việc làm cho người Mỹ. Thời gian vừa qua, Mỹ muốn bảo vệ thị trường.

“Vấn đề trong tương lai của Mỹ là phải giải quyết vấn đề này như thế nào.

“Khi ông Biden lên chưa chắc ông dám mở rộng toang thị trường ra, và cũng chưa chắc chắn dám trở lại CPTPP một cách dễ dàng vì dư luận của người Mỹ hiện tại là muốn bảo vệ thị trường.

“Dĩ nhiên, bảo vệ thị trường thì người Mỹ sẽ phải mua hàng hóa với giá đắc hơn, nhưng họ bảo vệ được lao động. Và về mặt chính trị, Mỹ cũng khó lòng hay gặp những khó khăn trong việc lãnh đạo thế giới.”

Trang SCMP hôm 23/11 đăng bài của tác giả Zhou Xin nhận định rằng với tuyên bố nỗ lực gia nhập CPTPP sau thời gian dài dứng bên ngoài quan sát, rõ rằng Bắc Kinh muốn vượt qua mặt Washington.

Viện Brookings, cơ quan nghiên cứu chính sách công có trụ sở ở Washington, vừa đưa ra khuyến cáo rằng các chính sách của Hoa Kỳ ở châu Á cần phải điều chỉnh để phù hợp trước một thực tế đang thay đổi của Đông Á: vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc, thời kỳ hội nhập ASEAN đang phát triển, và mức ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở khu vực này đang giảm dần.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG