Đường dẫn truy cập

TQ siết chặt kiểm soát ứng dụng di động và tin tức trên mạng


Một quán cafe Internet tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh tư liệu)
Một quán cafe Internet tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh tư liệu)

Trung Quốc tiếp tục siết chặt sự kiểm soát đối với những phát biểu trên mạng và môi trường Internet, trong khi Cục Không gian Mạng Trung Quốc (CAC) chuẩn bị thực thi một loạt quy định mới hôm thứ hai, nhằm hạn chế các ứng dụng di động đang phát triển mau chóng trong nước.

Các chuyên gia phân tích nói các biện pháp mới theo đúng các chính sách truyền thông của Chủ tịch Tập Cận Bình và những lời kêu gọi trước đó yêu cầu truyền thông địa phương phục vụ cho các lợi ích của Đảng Cộng sản, nhưng đi ngược lại với lời cam kết của nhà lãnh đạo cấp cao nhất hồi tháng 12 rằng những người sử dụng Internet trong nước phải được tự do phát biểu ý kiến của mình.

Ông Kiều Mộc, một giáo sư tại trường Đại học Ngoại giao Bắc Kinh, nói: “Sự kiểm soát toàn diện quyền tự do phát biểu sẽ tiếp tục gay gắt hơn. Điều xấu nhất sẽ xảy ra, và chúng ta có thể nhìn thấy trong vài năm sắp tới. Nhưng liệu một sự kiểm soát như thế có hữu hiệu hay không lại là một chuyện khác.”

Vị giáo sư này nói thêm rằng giới hữu trách ở Trung Quốc sẽ tiếp tục theo dõi sát những phát biểu nhạy cảm trên mạng, để dọn đường cho ông Tập củng cố việc nắm quyền trước đại hội đảng lần thứ 19 vào năm tới.

Kiểm soát Ứng dụng Di động

Các quy định mới nhất của CAC nói rằng, kể từ ngày 1 tháng 8, tất cả các công ty cung cấp ứng dụng di động ở Trung Quốc phải xác nhận lai lịch thực sự của những người sử dụng trong phần cuối của chương trình ứng dụng bằng cách sử dụng số điện thoại đã đăng ký của họ.

Những hãng điều hành ứng dụng ở địa phương, mà tổng số hiện lên tới 4 triệu, sẽ bị buộc phải thiết lập một hệ thống an ninh thông tin và kiểm duyệt nội dung, để lọc lựa nội dung phi pháp trong khi theo dõi thông tin truy cập của người sử dụng, sẽ được giữ ít nhất 60 ngày trong hồ sơ.

Nỗ lực này được thực hiện ngay sau khi diễn ra vụ trấn át của cơ quan theo dõi nhắm vào 6 công ty trên mạng trong nước, kể cả Sina Corps và Tencent Holdings, mà các cổng thông tin hôm 24/7 đã được lệnh đình chỉ tường thuật tin tức đặc biệt. Theo luật định, các công ty này chỉ được phép đưa tin do các tổ chức tin tức có giấy phép phổ biến.

Các giới chức ở Bắc Kinh được các cơ quan truyền thông nhà nước trích thuật nói rằng như thế, các hình phạt sẽ được áp đặt với các công ty mạng vì việc họ phạm luật đã gây ra một ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng.

Một người đàn ông Trung Quốc chăm chú vào chiếc điện thoại, kế bên là nhân viên công vụ, ngày 28/5/2014.
Một người đàn ông Trung Quốc chăm chú vào chiếc điện thoại, kế bên là nhân viên công vụ, ngày 28/5/2014.

Kiểm soát sẽ chặt chẽ hơn

Ông Kiều nêu ra rằng, ngoài ra, tiến độ kiểm soát truyền thông trên mạng dự kiến sẽ tăng tốc sau việc thăng chức cho ông Từ Lân làm trưởng cơ quan CAC.

Cuối tháng trước, ông Từ, nguyên phó giám đốc CAC, đã được bổ nhiệm lên thay người tiền nhiệm, ông Lỗ Vĩ, làm chủ tịch cơ quan thanh tra và kiểm soát Internet.

Ông Từ được nhiều người cho là một người thân cận được tín cẩn của ông Tập Cận Bình, sau khi ông đã hợp tác rất chặt chẽ với chủ tịch nước trong thời gian ông Tập làm bí thư thành ủy Thượng Hải.

Ông Kiều nói: “Ông Từ Lân đã thay thế ông Lỗ Vĩ. Một trong những trách nhiệm chính của ông là thực thi các chính sách Internet dưới trướng của sếp lớn là ông Tập. Vì thế, một sự xoay chuyển hành động kiên quyết về kiểm soát Internet chắc chắn sẽ tiếp theo.”

Vẫn theo vị giáo sư này, trong khi siết chặt quyền kiểm soát mạng và các công nghiệp thông tin, ông Tập cũng cho thấy bớt sự khoan dung đối với các phần tử cấp tiến ngay cả trong trường hợp họ ở bên trong đảng, ám chỉ việc một tạp chí cấp tiến hàng đầu của Trung Quốc là tờ Viêm Hoàng Xuân Thu vừa bị đóng cửa.

Ra đời vào năm 1991, tạp chí này nổi tiếng là thách thức các quan điểm của đảng về những vấn đề nhạy cảm, như cải cách chính trị và cuộc Cách mạng Văn hóa. Với số phát hành khoảng 200 ngàn tờ, tạp chí này còn được coi là một diễn đàn của các giới chức có đầu óc cải cách.

Ngay sau kỷ niệm 25 năm, ban lãnh đạo tạp chí, kể cả nhà phát hành 92 tuổi, ông Đỗ Đạo Chánh đã bị cải tổ - một biện pháp mà giới chỉ trích nói là một hành vi rõ ràng vi phạm tự do báo chí.

Sau cuộc cải tổ ban quản lý do chính phủ khởi động, với sự đề xuất của Hàn lâm viện Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc, ông Đỗ đã loan báo đình chỉ việc phát hành tạp chí như một dấu hiệu phản đối sự kiểm duyệt của chính phủ.

Ông Cao Văn Khiêm, một cố vấn chính sách cấp cao của tổ chức Nhân Quyền ở Trung Quốc, nói với ban tiếng Quan Thoại của đài VOA: “Hàn lâm viện có thể là người công khai bật nút hoạt động cho tạp chí và đưa đến việc đóng cửa tạp chí. Nhưng ông Tập Cận Bình là người đứng sau hậu trường, đã hy vọng không những truyền thông phải phục vụ cho quyền lợi của đảng, mà còn muốn bất cứ việc diễn dịch lịch sử Trung Quốc nào đều phải theo đúng diễn dịch của đảng.”

Ngoài ra, nghe nói là chính phủ đang cứu xét các biện pháp áp đặt một hình thức ảnh hưởng trực tiếp hơn đối với các cơ quan truyền thông trên mạng, bao gồm việc giữ các chức vụ trong ban quản trị hay cổ phần, hoặc ít nhất 1 phần trăm cổ phần trong các công ty đó.

Nhưng ông Kiều tỏ ý nghi ngờ về việc chính phủ kiểm soát Internet, và nói rằng các phương tiện truyền thông mới vẫn đem lại rất nhiều sự linh động cho hàng triệu công dân mạng để tự do bày tỏ ý kiến, làm cạn kiệt các nỗ lực bóp nghẹt của chính phủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG