Đường dẫn truy cập

TQ sẽ trưng tàu chiến mới nhân kỉ niệm 70 năm thành lập hải quân


Khâu Diên Bằng, Phó Tư lệnh Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đến cuộc họp báo trước ngày kỉ niệm 70 năm lực lượng này được thành lập, ở Thanh Đảo, Trung Quốc, ngày 20 tháng 4, 2019.
Khâu Diên Bằng, Phó Tư lệnh Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đến cuộc họp báo trước ngày kỉ niệm 70 năm lực lượng này được thành lập, ở Thanh Đảo, Trung Quốc, ngày 20 tháng 4, 2019.

Trung Quốc sẽ trưng ra các tàu chiến mới bao gồm tàu ngầm hạt nhân và tàu khu trục tại một cuộc diễu hành vào tuần sau đánh dấu 70 năm ngày thành lập hải quân nước này, một chỉ huy cao cấp cho biết hôm thứ Bảy.

Phó tư lệnh hải quân Khâu Diên Bằng nói với các phóng viên ở thành phố Thanh Đảo ở phía đông rằng cuộc diễu hành hải quân vào ngày thứ Ba - có thể được chính Chủ tịch Tập Cận Bình giám sát dù Trung Quốc chưa chính thức xác nhận - sẽ có 32 tàu và 39 máy bay.

“Những tàu và máy bay của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân sẽ được tiết lộ là hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, các loại tàu ngầm hạt nhân mới, các loại tàu khu trục mới, cũng như các máy bay chiến đấu,” ông Khâu nói mà không đưa ra chi tiết. “Một số tàu sẽ được tiết lộ lần đầu tiên.”

Tàu Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, được mua lại từ Ukraine vào năm 1998 và được tân trang tại Trung Quốc.

Không rõ hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc, chưa được đặt tên và được đóng hoàn toàn ở Trung Quốc, cũng sẽ tham gia hay không, nhưng mấy ngày qua, truyền thông nhà nước đã ca ngợi các cuộc chạy thử trên biển hồi gần đây.

Khoảng một chục hải quân nước ngoài cũng tham gia. Dù ông Khâu không đưa ra con số chính xác, Trung Quốc đã thông báo cuộc diễu hành sẽ bao gồm các tàu từ Nga, Singapore, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam – nước vẫn thường xuyên phàn nàn về hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông có tranh chấp.

Những trận chiến hải quân gần đây nhất của Trung Quốc là với Việt Nam ở Biển Đông, vào năm 1974 và 1988, mặc dù đó những cuộc giao tranh tương đối nhỏ.

Ông Khâu nhắc lại lập trường của Trung Quốc là các lực lượng vũ trang của nước này không phải là mối đe dọa cho bất cứ ai và dù có chuyện gì xảy ra thì Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ “theo đuổi bá quyền.”

“Công bằng mà nói thì Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân đã không mang chiến tranh hay loạn lạc đến bất cứ nơi nào,” ông Khâu nói.

Nhưng ông Khâu nói Trung Quốc từng bị nhiều cường quốc nước ngoài xâm lăng và do vậy Trung Quốc cần phải xây dựng hải quân hùng mạnh.

Hải quân là binh chủng hưởng lợi chính trong kế hoạch hiện đại hóa trong khi Trung Quốc tìm cách thể hiện quyền lực cách xa bờ biển nước này và bảo vệ các tuyến đường giao thương và công dân của họ ở nước ngoài.

Tháng trước, Bắc Kinh đã công bố mục tiêu tăng 7,5 phần trăm chi tiêu quốc phòng cho năm nay, chậm hơn tốc độ vào năm ngoái nhưng vẫn vượt xa mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG