Đường dẫn truy cập

Trung Quốc chuẩn bị đóng vai trò lớn hơn ở Trung Đông


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp kiến Hoàng thân Mohammed bin Zayed Al Nayhan của Các tiểu vương Quốc Ả Rập Thống nhất ngày 14/12/2015.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp kiến Hoàng thân Mohammed bin Zayed Al Nayhan của Các tiểu vương Quốc Ả Rập Thống nhất ngày 14/12/2015.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên đến Trung Đông vào tuần sau. Theo tường thuật của thông tín viên Saibal Dasgupta của đài VOA tại Bắc Kinh, các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn nắm giữ một vai trò quan trọng ở khu vực có nhiều biến động này.

Chính phủ Trung Quốc chưa loan báo những chi tiết cụ thể của chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình tới Trung Đông. Nhưng các hãng thông tấn chính thức ở Iran và Ai Cập nói rằng người đứng đầu Trung Nam Hải sẽ bắt đầu chuyến công du khu vực vào ngày 20 tháng 1. Đây sẽ lần đầu tiên trong vòng 12 năm một vị chủ tịch nước Trung Quốc đến thăm Iran và Ai Cập. Theo dự liệu, ông Tập cũng sẽ đến thăm Ả rập Xê-út.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã bày tỏ ý định tham gia nhiều hơn vào những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề gai góc ở Trung Đông. Hôm thứ Tư vừa qua, Bắc Kinh công bố văn kiện chính sách về Trung Đông đầu tiên, với lời hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho các chính phủ Trung Đông trong cuộc chiến chống khủng bố thông qua sự hợp tác dài hạn về an ninh, chia sẻ tình báo và hợp tác kỹ thuật. Tháng trước, Bắc Kinh đã tiếp đón Phó Thủ tướng Syria Walid al-Moallem, cũng như các đại diện của phe chống đối ở Syria.

Mới đây, Trung Quốc đã phái Thứ trưởng Ngoại giao Trương Minh đến Ả rập Xê-út và Iran để tìm cách góp phần giảm thiểu mối căng thẳng phát sinh từ việc Ả rập Xê-út xử tử một giáo sĩ Hồi giáo Shia nổi tiếng và vụ tấn công sứ quán Ả rập Xê-út ở Tehran.

Những hành động đó của Trung Quốc làm bùng ra những lời đồn đoán là Trung Quốc có thể đưa quân sang Syria để chiến đấu bên cạnh các binh sĩ Nga.

Nhiều nhà phân tích đang thắc mắc tại sao Trung Quốc muốn tiến vào một nơi mà họ gọi là “một bãi mìn ngoại giao” như vậy.

Ông Lý Thiệu Tiên, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại ở Bắc Kinh, nói: “Nếu quí vị có thể tạo ra một sự khác biệt ở Trung Đông, quí vị sẽ được xem là một đại cường. Tuy phải đối mặt với những sự hạn chế ở Trung Đông, nhưng Trung Quốc sẵn sàng nắm giữ vai trò của mình”.

Nhà nghiên cứu của tổ chức do nhà nước điều hành này nói thêm: “Không giống như Nga, Trung Quốc không có nhu cầu hoặc mong muốn cho một vai trò quân sự. Chúng tôi có thể chấp nhận bất cứ những gì phù hợp với nguyện vọng của người dân của nước khác”.

Ông Lý cũng cho biết giới hữu trách Bắc Kinh lo ngại là những sự kiện gây biến động ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng tới sự suy nghĩ của khối dân Hồi giáo đông đảo ở Trung Quốc. Người ta tin rằng hàng ngàn người Trung Quốc theo đạo Hồi đã đến Syria để chiến đấu cho những nhóm khác nhau.

Quản lý mâu thuẫn

Các nhà phân tích nói rằng có những dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn nếm thử mùi vị của việc quản lý những vụ tranh chấp ở Trung Đông, một việc mà Bắc Kinh đã né tránh từ nhiều thập niên nay. Một nỗ lực nổi bật mà họ thực hiện là muốn làm bạn cùng lúc với các nhà lãnh đạo của Israel và Palestine.

Ông Daud Abdullah, Giám đốc tổ chức Theo dõi Trung Đông ở London, nói với đài VOA rằng: “Trung Quốc đang đu dây. Họ muốn ủng hộ cho cuộc tranh đấu của người Palestine vì điều đó giúp họ tranh thủ sự kính nể và thiện cảm ở Trung Đông. Nhưng họ không thể quay lưng với những kỹ thuật hữu ích mà Israel có thể cung cấp”.

Ông Abdullah cho biết Israel đã lén lút cung cấp cho Trung Quốc những kỹ thuật vũ khí mà họ thủ đắc từ Hoa Kỳ.

Hầu hết các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ hành xử một cách thận trọng, vì việc nghiêng về một bên trong vùng Trung Đông đầy xáo trộn có thể có những ảnh hưởng tiêu cực ở vùng Tân Cương, cái nôi của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở Trung Quốc. Họ cho biết Trung Quốc không muốn theo đuổi những chủ trương có thể làm phật lòng Thổ Nhĩ Kỳ vì người Uighur theo đạo Hồi ở Tân Cương là người nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Francseco Sisci, giáo sư Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang ra sức tìm kiếm một vai trò chính trị cho chính mình ở Trung Đông. Trung Quốc khó có thể giữ vị trí trung lập, nhưng họ sẽ cố gắng để đạt mục tiêu đó”.

Động cơ kinh tế

Giáo sư Sisci cho biết Trung Đông là một khu vực quan trọng vì là một trong ba tuyến đường được chọn cho chương trình Con đường Tơ lụa của Trung Quốc, một chương trình dự kiến sẽ góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Ông Hichem Karoui, một nhà tư vấn chính trị của Viện Ngoại giao ở Qatar, nói: “Bắc Kinh sẽ tìm cách giữ vị thế trung lập trong những sự căng thẳng giữa Iran, Ả rập Xê-út và Syria. Nhưng những nước này lại muốn Trung Quốc có một lập trường dứt khoát hơn”.

Giáo sư Lý Thiệu Tiên còn nêu ra ba lý do khiến Trung Quốc muốn nắm giữ một vai trò quan trọng ở Trung Đông: hơn một nửa lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc là nhập từ Trung Đông. Vùng này là một bộ phận quan trọng của chương trình Con đường Tơ lụa, trong đó có những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn tại nhiều nước, và Trung Quốc chỉ đạt được vị thế đại cường khi nào có một vai trò lớn ở Trung Đông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG