Đường dẫn truy cập

TQ: Trạm vệ tinh Ấn Độ ở VN khuấy động thêm rắc rối Biển Đông


Ấn Độ chi 23 triệu đôla cho chương trình xây dựng trạm vệ tinh ở Việt Nam
Ấn Độ chi 23 triệu đôla cho chương trình xây dựng trạm vệ tinh ở Việt Nam

Một viện nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc chỉ trích trạm vệ tinh Ấn Độ lắp đặt ở Việt Nam để theo dõi Biển Đông là âm mưu khuấy động thêm rắc rối tại khu vực.

Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) đã thiết lập trạm vệ tinh tại Sài Gòn để thu nhận, theo dõi, và điều khiển dữ liệu từ xa với kinh phí xây dựng khoảng 23 triệu đô la.

Báo chí Ấn Độ trong tuần cho hay trạm này sẽ sớm đi vào hoạt động và kết nối với một trạm khác ở Indonesia để thu thập thông tin, hình ảnh liên quan đến Biển Đông.

Ấn Độ cũng có một trạm theo dõi khác từ vệ tinh đặt tại Brunei.

Nhà nghiên cứu Gu Xiaosong thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quảng Tây được tờ Global Times ngày 7/1 trích thuật nhận định rằng ‘Ấn Độ không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, chỉ muốn khuấy nhiễu rắc rối trong vùng vì mục đích riêng nhằm đối trọng lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc.’

Vẫn theo nhà nghiên cứu Xiaosong, hành động này chứng tỏ mưu đồ của Ấn muốn phức tạp hóa tranh chấp khu vực.

Ấn Độ lâu nay kêu gọi cho quyền tự do hàng không-hàng hải ở Biển Đông và cổ súy một giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, New Dehli đã chọc giận Bắc Kinh khi tiếp tục gia hạn dự án hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông bất chấp sự phản đối gay gắt của Trung Quốc.

Theo giới phân tích, trạm thu tín hiệu vệ tinh đặt tại Việt Nam là cơ sở chiến lược quan trọng của Ấn Độ bên trong và xung quanh Biển Đông, giúp New Dehli mở rộng vai trò ở Đông Nam Á giữa chính sách ‘Hành động Hướng Đông’ trước sự trỗi dậy ‘hung hăng’ của Trung Quốc.

Bắc Kinh một mực đòi giải quyết song phương với từng nước có tranh chấp ở Biển Đông và tố cáo rằng sự can thiệp từ các nước thứ ba làm cho tình hình căng thẳng hơn.

Theo PTI, Deccan Herald

Truyền hình vệ tinh VOA 7/1/2016
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

XS
SM
MD
LG