Đường dẫn truy cập

Trung Quốc quảng bá phiên bản dân chủ riêng giữa lúc Mỹ chuẩn bị thượng đỉnh


Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (trái) họp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 15/11/2015. Nhiều người cho rằng Trung Quốc ngày càng trở nên độc tài dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (trái) họp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 15/11/2015. Nhiều người cho rằng Trung Quốc ngày càng trở nên độc tài dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.

Giữa bối cảnh Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang chuẩn bị chủ trì “Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ” với hơn 100 nước tham gia, Trung Quốc – quốc gia không được mời – đã tăng cường khen ngợi nền “dân chủ toàn diện” của riêng mình.

Trong những tuần gần đây, truyền thông nhà nước và các nhà ngoại giao Trung Quốc gia tăng chỉ trích nền dân chủ ở Hoa Kỳ và quảng bá cho điều mà họ mô tả là kết quả tốt hơn trong hệ thống “dân chủ xã hội chủ nghĩa với các đặc trưng Trung Quốc” trên các lĩnh vực, từ xử lý COVID-19 cho đến sự linh động xã hội.

Trong khi đó, nhiều người cho rằng Trung Quốc, do Đảng Cộng sản cầm quyền, ngày càng trở nên độc tài dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng cụm từ “dân chủ toàn diện” vào năm 2019 và khái niệm này đã được đưa vào luật vào tháng 3 vừa qua.

Trung Quốc không được mời tham gia sự kiện ngày từ ngày 9/12 – 10/12 do Tổng thống Biden đăng cai, nhưng Đài Loan, nơi được Bắc Kinh luôn tuyên bố thuộc chủ quyền của mình, lại được mời.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Lạc Ngọc Thành, mô tả sự kiện ở Washington là “rất đối lập với dân chủ” vì theo ông, nó gây chia rẽ và “kể tội” các nước khác.

Ông Lạc nói với báo chí nước ngoài tại một sự kiện ở Bắc Kinh hôm 2/12 rằng: “Nền dân chủ nhân dân toàn diện của Trung Quốc không phải là loại dân chủ chỉ thức dậy lúc bỏ phiếu và ngủ quên sau đó”.

Trung Quốc sẽ phát hành sách trắng về dân chủ vào ngày 4/12, xác định phiên bản của họ có tính tham vấn, với việc cho phép bỏ phiếu ở mọi cấp ở địa phương và thu thập phản hồi của công chúng trước khi bất kỳ luật nào được thực thi.

Khái niệm không bao gồm cơ quan tư pháp độc lập, truyền thông tự do hay quyền phổ thông đầu phiếu.

Một số nhà phân tích nước ngoài nói việc Trung Quốc quảng bá cho mô hình chính trị của mình là nhằm củng cố tính hợp pháp chính trị trong nước, đồng thời mở rộng sức hấp dẫn đối với các nước đang phát triển, giữa lúc Bắc Kinh đang chuẩn bị tổ chức Thế vận hội Mùa đông vào tháng Hai trong bối cảnh phương Tây chỉ trích thành tích nhân quyền của nước này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG