Đường dẫn truy cập

Trung Quốc muốn các nước giúp dọn sạch đại dương


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại khách sạn Soltee ở Kathmandu, Nepal, ngày 12/10/2019.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại khách sạn Soltee ở Kathmandu, Nepal, ngày 12/10/2019.

Rác nổi loang lổ các đại dương trên toàn thế giới, và tại một số vùng biển, sản lượng cá đang cạn kiệt. Giờ đây, Trung Quốc, nguồn gốc của những vấn đề này và cũng là một lực lượng áp đảo trong những cuộc tranh chấp về chủ quyền biển với một số nước châu Á, ngỏ ý sẽ cộng tác với các nước khác để cải thiện những vùng biển ấy.

Các nhà phân tích tin rằng đề nghị vừa kể sẽ giúp Trung Quốc củng cố hình ảnh với các nước, đặc biệt là với các nước yếu hơn tại châu Á. Những quốc gia cảm thấy bị Trung Quốc đe dọa đôi khi nhận giúp đỡ từ Washington, đối thủ của Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/10 đề nghị tăng tốc những sáng kiến trong công nghệ biển và thành lập “các đối tác xanh” giữa các quốc gia, trang China Daily của nhà nước Trung Quốc loan tin. Ông Tập nhấn mạnh đến sự cải thiện trong việc ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển và bảo vệ các loại động thực vật biển-cũng như phát triển các nguồn tài nguyên.

Phát biểu của Chủ tịch Tập được đưa ra trong một thông điệp tại Hội chợ Kinh tế Biển Trung Quốc ở thành phố cảng Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, tiếp sau một loạt các hoạt động nhằm cải thiện hình ảnh Trung Quốc, đặc biệt tại châu Á, các học giả phân tích.

“Trung Quốc tiếp cận mọi chuyện bằng cách dùng tất cả các công cụ và phương tiện có thể, từ quyền lực cứng đến quyền lực mềm đến ngoại giao,” ông Eduardo Araral, phó giáo sư tại trường chính sách công thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói. Các nước Đông Nam Á khó chịu vì những thách thức của Trung Quốc đối với những tuyên bố chủ quyền trên biển của Bắc Kinh sẽ hoan nghênh việc cùng nhau kiểm soát ô nhiễm, ông nói thêm.

“Loan báo mới đây nằm trong khuôn khổ của sự hợp tác, và tôi nghĩ nên được hoan nghênh vì nó công nhận là các nước khác tại Đông Nam Á nằm xung quanh Biển Đông có những lợi ích hợp pháp về nguồn tài nguyên.”

Trung Quốc đánh bắt toàn cầu, gây ô nhiễm

Trung Quốc có hoạt động đánh bắt xa bờ lớn nhất thế giới, 2.500 tàu đánh cá, với tầm hoạt động vươn đến tận Argentina, tổ chức Quan sát Đánh cá Toàn cầu ước lượng. Nhiều tàu thuyền Trung Quốc thường mon men tới các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác để lợi dụng sự yếu kém trong việc thực thi tuần tra của các nước.

Tại châu Á, tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập các vùng biển mà các nước như Indonesia, Malaysia và Philippines tuyên bố có chủ quyền.

Chiến dịch Vành đai-Con đường trị giá 1.000 tỉ đô la có từ 6 năm nay nhằm tăng tiến con đường thương mại Âu-Á bằng cách xây dựng hạ tầng cơ sở, đã dấy lên những lo ngại về tàn phá môi trường, tổ chức nghiên cứu bất vụ lợi mang tên Viện Nghiên cứu Môi trường và Năng lượng cho biết vào năm 2018. Sáng kiến Vòng đai-Con đường bao gồm một thủy lộ từ Trung Quốc tiến về phía Tây, vượt qua Somalia vào Địa Trung Hải.

Chỉ trích này sẽ khiến cho Trung Quốc nỗ lực giữ cho việc bành trướng hàng hải quốc tế được sạch sẽ, bà Yun Sun, một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Stimson ở Washington, nói.

“Chẳng hạn như chúng ta thấy, Trung Quốc bị chỉ trích về đánh bắt tại các vùng biển xa, và họ cũng bị chỉ trích là gây ô nhiễm, thiết lập những dự án không thân thiện với môi trường dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển,” bà nói thêm. Theo bà, biển “là một lãnh vực mà Trung Quốc nâng lên hàng ưu tiên cho việc phát triển Vành đai-Con đường, nên tôi không ngạc nhiên khi thấy họ có thêm nhiều chính sách.”

Áp lực chính trị

Các nước châu Á bất bình với Trung Quốc vì xâm phạm vùng biển của họ hơn là bất cứ mối đe dọa về môi trường nào.

Kể từ năm 2016, Bắc Kinh đã làm 6 chính phủ khác nổi giận bằng cách đắp các đảo nhỏ ở Biển Đông đang tranh chấp cho mục đích quân sự. Những tuyên bố chủ quyền của Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam chồng chéo với Trung Quốc tại hải lộ rộng 3,5 triệu kilômét vuông. Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền trên khoảng 90% Biển Đông.

Tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông

Từ 2016, Trung Quốc bắt đầu nỗ lực cải thiện các mối quan hệ với các nước khác cùng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, sau khi bị thua Philippines trong vụ xử của Tòa án trọng tài thế giới.

“Họ muốn tăng cường việc nghiên cứu khoa học tại Biển Đông,” ông Lin Chong-pin, một giáo sư hồi hưu chuyên nghiên cứu chiến lược ở Đài Loan, cho biết.

Ấn tượng của các nước về Trung Quốc đã cải thiện do sáng kiến Vành đai-Con đường, ông nói. “Tôi chưa thấy Trung Quốc đề cập đến các vùng biển khác, vì lo ngại được diễn giải như chủ nghĩa bành trướng,” ông nói thêm.

Năm ngoái, các giới chức Trung Quốc đề nghị chia sẻ các dữ liệu về thời tiết từ trạm khí tượng tại Quần đảo Trường Sa với các nước. Vào tháng 9, Trung Quốc phái một tàu huấn luyện của hải quân đi qua vùng biển này và xa hơn nữa để thăm thiện chí các cảng.

Các chính phủ châu Á như Đài Loan và Philippines đã quay sang Hoa Kỳ để xin giúp đỡ chống lại quân đội Trung Quốc.

Washington thỉnh thoảng phái các chiến hạm vào Biển Đông để thúc đẩy Trung Quốc mở cửa vùng biển này cho tàu bè quốc tế qua lại.

Trung Quốc có thể làm gì nữa?

Hướng dẫn về “Hệ thống Tài chính Xanh” do 6 Bộ của Trung Quốc soạn thảo vào năm 2016 có thể cung cấp các khoản vay cho dự án Vành đai-Con dường, theo tờ China Daily. Trang tin này gọi kết quả đó là một “mục tiêu lâu dài nhưng có thể thực hiện được.”

Trung Quốc có thể giúp Indonesia dọn sạch rác thải nhựa tại vùng biển của nước này, bà Sun nói đây là loại dự án có thể thực hiện được. Indonesia là nước thải rác nhựa ra biển đứng hàng thứ nhì sau Trung Quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết.

Những mối liên hệ khác giữa Trung Quốc và các nước có thể giúp chấm dứt việc đánh bắt quá mức hay đưa đến các cuộc nghiên cứu chung về phát triển nguồn tài nguyên, nhà nghiên cứu Araral nói. Các nước ven biển Đông Nam Á sẽ hoan nghênh đề nghị của Trung Quốc nếu không kèm theo đòi hỏi từ bỏ chủ quyền, ông nhận định.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG