Đường dẫn truy cập

Trung Quốc bổ nhiệm tân lãnh đạo Tân Cương, dự kiến tập trung hơn vào kinh tế


Ông Mã Hưng Thuỵ, tân lãnh đạo khu vực Tân Cương.
Ông Mã Hưng Thuỵ, tân lãnh đạo khu vực Tân Cương.

Các chuyên gia nói rằng việc Trung Quốc thay đổi lãnh đạo ở Tân Cương có thể cho thấy sự chú trọng nhiều hơn vào phát triển kinh tế trong khu vực, mặc dù cuộc đàn áp an ninh của họ nhắm vào người Hồi giáo thiểu số khó có thể thay đổi đáng kể về đường hướng.

Hôm 25/12, hãng thông tấn chính thức Tân Hoa xã đưa tin rằng Trần Toàn Quốc, người đã thực hiện chiến dịch an ninh mạnh tay ở khu vực miền tây và bị quốc tế trừng phạt, đã bị thay thế sau 5 năm.

Ông Trần, 66 tuổi, ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc, đã được Mã Hưng Thuỵ, Chủ tịch tỉnh Quảng Đông, kế nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Tân Cương. Các nhà phân tích nói việc Mã Hưng Thuỵ quản lý Quảng Đông, nền kinh tế cấp tỉnh lớn nhất Trung Quốc, có thể chỉ ra lý do tại sao ông được chọn.

James Millward, giáo sư lịch sử tại Đại học Georgetown nói: “Tôi ngờ rằng lý do đằng sau việc bổ nhiệm này là để báo hiệu ‘sự bình thường’ ở Tân Cương, mặc dù nó sẽ không bình thường ở đó và để nhấn mạnh đến ‘sự phát triển kinh tế’ của khu vực”.

Hoa Kỳ coi việc Trung Quốc đối xử với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương là tội ác diệt chủng. Mỹ và một số quốc gia khác có kế hoạch tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng Hai vì vấn đề này.

Các chuyên gia và các nhà nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc ước tính có hơn một triệu người thiểu số Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại kể từ năm 2016.

Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc về xâm hại và nói rằng các chính sách của họ ở Tân Cương là cần thiết để tiêu diệt chủ nghĩa cực đoan. Vào cuối năm 2019, Bắc Kinh cho biết tất cả những người từng ở trong các trại mà họ gọi là “trung tâm huấn nghiệp” đã “tốt nghiệp”.

Tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký ban hành luật cấm nhập khẩu từ Tân Cương vì những quan ngại về tình trạng lao động cưỡng bức, khiến Trung Quốc càng thêm chỉ trích.

Khi được Reuters hỏi liệu sự thay đổi lãnh đạo ở Tân Cương có phải là để đối phó với áp lực quốc tế hoặc liệu nó có báo hiệu sự thay đổi chính sách đối với khu vực này hay không, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói “đây là một sự thay đổi nhân sự bình thường ở Trung Quốc”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG