Đường dẫn truy cập

Trung Quốc áp lực các nước chớ lên án nhân quyền Bắc Kinh


Người Uyghur trong các trại tập trung của Trung Quốc
Người Uyghur trong các trại tập trung của Trung Quốc

Các nhà ngoại giao và các nhà hoạt động nhân quyền hôm 1/4 lên án việc Trung Quốc vận động, gây áp lực quyết liệt và thậm chí đe dọa để bóp nghẹt những tiếng nói chỉ trích Bắc Kinh tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cáo buộc rằng phái đoàn Trung Quốc ở Geneva đã gửi thư đến đại diện các nước ở Liên Hiệp Quốc để kêu gọi họ tránh xa một sự kiện do Mỹ tổ chức hôm 13/3 để bàn về cách Trung Quốc đối xử với người Uyghur và các sắc dân Hồi giáo thiểu số ở vùng Tân Cương.

Theo nội dung lá thư do Đại sứ Trung Quốc Du Kiến Hoa ký tên mà hãng tin AFP có được thì Bắc Kinh yêu cầu các nước ‘không được tài trợ, tham gia hay có mặt tại sự kiện bên lề này… vì lợi ích của quan hệ song phương của chúng ta và sự hợp tác đa phương’.

HRW đã lên án lời đe dọa này của Trung Quốc. Giám đốc của HRW ở Geneva, ông John Fisher, cảnh báo rằng sự lên án của dư luận đối với cách Bắc Kinh đối xử với người Hồi giáo thiểu số đã ‘đặt Trung Quốc vào chế độ sợ hãi’. Theo lời ông thì giờ đây các quan chức Trung Quốc đang sử dụng ‘áp lực công khai lẫn kín đáo để ngăn trở những hành động phối hợp của quốc tế’.

Phái bộ Trung Quốc không phản hồi ngay trước yêu cầu xác nhận và bình luận của AFP, nhưng một số nhà ngoại giao xác nhận rằng phái bộ của họ đã nhận được lá thư này ngay trước khi xảy ra sự kiện.

Sự kiện này diễn ra bên lề phiên họp kéo dài ba tuần của Hội đồng Nhân quyền và tập trung vào những cáo buộc rằng có trên một triệu người Uyghur và các sắc dân thiểu số Hồi giáo khác đang bị giam giữ ở các trại tập trung ở Tân Cương.

Trung Quốc lập luận rằng những người Uyghur này được đưa tới ‘cơ sở đào tạo hướng nghiệp’ được lập ra nhằm chống lại nạn cực đoan hóa.

Khu tự trị Tân Cương, có chung đường biên giới với một vài nước bao gồm Pakistan và Afghanistan, từ lâu đã chứng kiến các cuộc nổi dậy bạo lực mà Bắc Kinh cáo buộc là do các phong trào ‘khủng bố’ có tổ chức đòi độc lập cho Tân Cương đạo diễn.

Tuy nhiên, nhiều người Uyghur và các chuyên gia Tân Cương nói rằng tình trạng bạo lực ở đây chủ yếu bắt nguồn từ phẫn nộ bộc phát của người dân đối với sự đàn áp văn hóa và tôn giáo của Bắc Kinh và rằng Bắc Kinh chơi lá bài ‘chống khủng bố’ chỉ để biện hộ cho việc họ tăng cường kiểm soát khu vực giàu tài nguyên này.

Hôm 1/4, một số nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng ủng hộ cáo buộc của HRW rằng Trung Quốc đã gây sức ép mạnh mẽ buộc các nước phải lên tiếng bảo vệ Trung Quốc trong phiên bế mạc buổi kiểm điểm thành tích nhân quyền của họ trước Hội đồng nhân quyền hôm 15/3.

“Họ đang cố hết sức để kiểm soát mọi thứ ở cấp độ nhà nước,” một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói với AFP.

Khi anh thấy có ít nước lên tiếng về Tân Cương như thế nào thì tôi chắc rằng việc Trung Quốc gây áp lực đã có tác dụng,” nhà ngoại giao này nói thêm.

Theo HRW, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã áp lực buộc gỡ bỏ những nội dung do các chuyên gia Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ cung cấp ra khỏi báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) và tìm cách chặn quá trình cấp giấy thông hành đến Liên Hiệp Quốc cho nhà hoạt động Uyghur, Dolkun Isa.

Một quan chức Liên Hiệp Quốc nói với AFP rằng ‘việc các chính phủ gây áp lực để bóp nghẹt tiếng nói chỉ trích họ điều rất thường xuyên, nhưng Trung Quốc đưa ra một số lượng cao bất thường những lời than phiền về mức độ tin cậy của những người tham gia’.

HRW cũng cáo buộc rằng Trung Quốc đã cố tình đẩy những nước thân thiện của họ ra chiếm diễn đàn trong phiên kết luận kéo dài 20 phút.

Có gần 100 nước xin lên phát biểu - nhiều hơn gấp ba lần bình thường trong tình huống như thế này – nhưng chỉ có đại diện 13 nước được lên bục phát biểu.

Trước đó, Hội đồng Nhân quyền đã rút thăm tên quốc gia đầu tiên được lên phát biểu – Mali – và từ đó các nước sẽ lần lượt được gọi lên theo thứ tự bảng chữ cái Latin cho đến Philippines.

Điều này có nghĩa là những tiếng nói chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất từ châu Âu và Bắc Mỹ không được gọi lên và trong số các nước phát biểu, chỉ có Na Uy lên tiếng chống lại các chính sách Tân Cương của Trung Quốc.

Các tổ chức phi chính phủ cũng được cho lên phát biểu trên diễn đàn nhưng, tương tự, các tổ chức ca ngợi Trung Quốc chiếm đến 6 trong 10 lượt phát biểu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG