Đường dẫn truy cập

Trump không dự thượng đỉnh, các nước Châu Á xích lại gần hơn


Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trò chuyện với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi các nhà lãnh đạo ASEAN chụp hình chung tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc ở Singapore, ngày 14 tháng 11, 2018.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trò chuyện với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi các nhà lãnh đạo ASEAN chụp hình chung tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc ở Singapore, ngày 14 tháng 11, 2018.

Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump không đến dự hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Châu Á ở Singapore trong tuần này, song các nước vẫn tiếp tục thiết lập các mối quan hệ đa phương về thương mại và đầu tư với nhau, kể cả Trung Quốc.

Đại diện của Trung Quốc tại các cuộc họp, Thủ tướng Lý Khắc Cường, kêu gọi các nước đương đầu với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang gia tăng, có ý nhắc tới chủ trương “Nước Mỹ Trước tiên” của ông Trump và cuộc chiến tranh thương mại ngày càng xấu đi giữa Bắc Kinh và Washington.

“Điều càng quan trọng hơn là chúng ta đoàn kết ứng phó với tình hình thế giới phức tạp để duy trì chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại,” ông Lý phát biểu hôm thứ Năm.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người đại diện ông Trump tại Singapore, nói với hội nghị rằng cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là "kiên định và bền bỉ."

Ông Trump từng tham dự cả hai hội nghị ASEAN và APEC trong năm 2017, và quyết định của ông không tới trong năm nay đã khơi ra những câu hỏi về cam kết của Washington đối với chiến lược khu vực nhằm chống lại Trung Quốc.

Sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ ở Châu Á diễn ra chỉ vài ngày sau một chuyến đi đến Pháp kỉ niệm ngày Thế chiến thứ nhất kết thúc. Tại đó ông dường như cô lập với các nước đồng minh NATO.

Simon Tay, Chủ tịch Viện nghiên cứu Sự vụ Quốc tế Singapore, nói với hãng tin Reuters rằng ông Trump đã vô tình đưa các nước Châu Á lại với nhau.

"Không nhất thiết là có chủ ý, nhưng bởi vì ông ấy không phải là một sự hiện diện nhất quán và khiến người ta yên tâm, và bởi vì các chính sách của ông ấy có khuynh hướng phá vỡ trật tự tự nhiên mà Châu Á lệ thuộc vào," ông nói. "Người Châu Á đang cố xác định xem họ có thể làm được gì mà không dựa dẫm quá nhiều vào Mỹ."

Reuters cho biết Nhà Trắng không trả lời yêu cầu bình luận của họ.

Châu Á đề ra một số thách thức chính sách đối ngoại cấp bách nhất cho chính quyền Trump, bao gồm sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và nỗ lực thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Washington đã quảng bá điều mà họ gọi là chiến lược "Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương" nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ, Úc và Nhật Bản để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, bao gồm ở Biển Đông có tranh chấp, nơi mà Mỹ thường hay thực hiện các cuộc tuần tra hải quân để thách thức những tuyên bố chủ quyền thái quá của Bắc Kinh.

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tại Cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 5 tháng 3, 2018.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tại Cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 5 tháng 3, 2018.

Ông Pence hôm thứ Năm phát biểu - mà không nêu đích danh Trung Quốc - rằng không có chỗ cho "đế quốc và sự gây hấn" ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Pence nói với các phóng viên ở Singapore rằng ấn tượng của ông từ các cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới là "mối liên hệ mà Tổng thống Trump đã tạo dựng" với họ thông qua viễn kiến của ông cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói với Reuters rằng các nước khắp Châu Á đang chờ đợi Mỹ có những hành động có thực chất đằng sau những luận điệu về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và sự vắng mặt của ông Trump tại các hội nghị chỉ càng làm tăng thêm lo ngại nơi các quốc gia Đông Nam Á.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm thứ Năm nói rằng ASEAN "rất mong muốn" không phải đứng về phía cường quốc thế giới nào, nhưng có thể sẽ đến lúc mà họ "phải chọn phe này hoặc phe kia."

Một số nước Đông Nam Á có thể có ấn tượng thầm lặng với đối sách mạnh mẽ của Mỹ với Bắc Kinh về các vấn đề thương mại, tài sản trí tuệ và Biển Đông, nhưng những nước khác đã nêu rõ rằng họ đã thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc là điều tất yếu.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, khi được hỏi hôm thứ Năm về các cuộc tập trận của Hải quân Mỹ, lưu ý rằng Trung Quốc đã chiếm các đảo có tranh chấp ở Biển Đông và nói thêm: "Tại sao phải khơi ra xích mích ... mà sẽ khiến Trung Quốc phản ứng?"

Nhưng Malcolm Cook, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, nói rằng việc các nước Đông Nam Á tránh và ngần ngại chỉ trích sự gây hấn của Trung Quốc một cách công khai đã góp phần đưa tới sự chuyển dịch tư thế của Washington ở Châu Á.

"Sự thay đổi này chắc chắn không hẳn là vì Trump," ông nói. "Những lựa chọn của các nước Đông Nam Á cuối cùng chịu phần nào trách nhiệm."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG