Đường dẫn truy cập

Ông Trump: TQ chiếm việc làm của người Mỹ, không kiềm chế Bắc Hàn


Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc tranh luận tổng thống tại Đại học Hofstra ở Hempstead, New York, 26/9/2016.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc tranh luận tổng thống tại Đại học Hofstra ở Hempstead, New York, 26/9/2016.

Trung Quốc vô hình chung trở thành tâm điểm bị chú ý trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ hôm thứ Hai, khi ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump tố cáo Bắc Kinh là đánh cắp việc làm của người Mỹ, và đã không làm đủ để kiềm chế mối đe doạ hạt nhân từ Bắc Hàn.

Trong cuộc tranh luận, Trung Quốc được nêu tên hơn chục lần, nhiều nhất là do ông Trump nhắc đến.

Trong phần mở đầu phát biểu, ông Trump quy lỗi cho Trung Quốc là đã thao túng đơn vị tiền tệ của mình để tăng sức cạnh tranh thương mại. Ông nói: “Họ đang lạm dụng đất nước chúng ta như một ngân hàng để tái thiết Trung Quốc.” Ông nói thêm rằng “Về phương diện hạ giá đơn vị tiền tệ, thì Trung Quốc giỏi nhất, giỏi nhất từ trước tới nay.”

Ông Trump còn tố cáo Trung Quốc và các nước khác là chiếm đoạt công việc làm ăn của người Mỹ.

Lời tố cáo Trung Quốc đánh cắp công ăn việc làm không phải là mới, nhưng sau cuộc tranh luận có nhiều người trên mạng và trên các đường phố ở Trung Quốc không đồng tình, ngay cả những người cảm thấy ông Trump là ứng cử viên mà họ thích hơn:

"Trung Quốc mạnh về kinh tế, nhưng điều này không tồn tại lâu, không phải tất cả công ăn việc làm đều đã chạy sang vùng Đông Nam Á và Ấn Độ hay sao?"

Đó là nhận định của Jana, một nhà thiết kế ở Bắc Kinh. Cô ngưỡng mộ phong cách vận động tranh cử của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton và khả năng khẳng định bản thân của bà.

Cô nói tiếp: "Nguồn lao động trước đây khá rẻ ở Trung Quốc, nhưng bây giờ thì nguồn lao động dồi dào hơn và đắt đỏ hơn. Nhiều công xưởng đã phải đóng cửa và đang chuyển hoạt động sang những nơi khác."

Lucy, một người làm việc trong lĩnh vực tài chính, nói theo cô, ông Trump là sự lựa chọn tốt hơn so với bà Clinton, nhưng cô không đồng ý với lập trường của ông về vấn đề việc làm.

Cô nói: "Mỗi quốc gia đều phải đối mặt với vấn đề thất nghiệp. Không phải là nền kinh tế toàn cầu đang bị thiên lệch và chính phủ không có khả năng điều chỉnh bởi vì một số nước gây áp lực lên việc tuyển dụng."

Đổ lỗi cho Trung Quốc

Truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn hạn chế việc đưa tin về cuộc tranh luận tổng thống Mỹ, và có vẻ như có một nỗ lực phối hợp nhằm giữ, không để cho tin về cuộc tranh luận này gây chú ý. Nhưng điều đó không ngăn được nhiều người bàn tán và mổ xẻ phần trình bày và phát biểu của hai ứng cử viên.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, chủ đề này đứng thứ tư trong số các chủ đề được tìm kiếm ngay sau khi cuộc tranh luận kết thúc. Nhưng nhiều người có cảm tưởng rằng những lời tố cáo nhắm vào Trung Quốc là nhằm mục đích giành được lá phiếu của cử tri và không nhất thiết phản ánh ý định thực sự của các ứng cử viên.

Một người viết trên Weibo: "Các ứng cử viên phải đổ lỗi cho Trung Quốc để thu hút sự ủng hộ của cử tri. Thực tế là bạn không tưởng tượng được những người nắm quyền ở Mỹ thích Trung Quốc tới mức nào."

Kiềm chế Bình Nhưỡng

Nhiều người nhận thấy phát biểu của ông Trump về Bắc Triều Tiên là không thực tế.

Trong cuộc tranh luận, ông Trump nói rằng ông trông cậy vào Trung Quốc giải quyết mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng ở Bắc Triều Tiên. Ông nói: "Trung Quốc nên giải quyết vấn đề đó cho chúng ta. Trung Quốc nên can thiệp ở Bắc Triều Tiên. Trung Quốc có sức ảnh hưởng cực lớn vì họ hiểu được Bắc Triều Tiên."

Tuy nhiên ít người ở Trung Quốc tin rằng nước họ có khả năng để làm điều đó do bản chất không thể tiên liệu được của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, và do lịch sử phức tạp lâu nay giữa hai nước láng giềng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG