Đường dẫn truy cập

Triều Tiên dời hài cốt 14 phi công chết tại VN đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia  


Cựu chiến binh Dương Văn Dậu đi giữa hai hàng mộ nơi từng chôn cất các phi công Triều Tiên tử trận trong chiến tranh VN, ở tỉnh Bắc Giang, Vietnam, ngày 16/2/2019.
Cựu chiến binh Dương Văn Dậu đi giữa hai hàng mộ nơi từng chôn cất các phi công Triều Tiên tử trận trong chiến tranh VN, ở tỉnh Bắc Giang, Vietnam, ngày 16/2/2019.

Một nhật báo thân Triều Tiên có trụ sở đặt tại Nhật Bản hôm thứ Ba 26/3 tường thuật rằng hài cốt của các binh sĩ Triều Tiên chết ở nước ngoài đã được vinh dự chôn cất tại nghĩa trang quốc gia ở Bình Nhưỡng.

Hãng tin UPI dẫn bản tin của Choson Sinbo, tường thuật rằng 27 quân nhân Triều Tiên tử trận trong chiến tranh Việt Nam đã được chôn cất tại Nghĩa trang Liệt sĩ Giải phóng Tổ quốc ở thủ đô của Triều Tiên. Trong số này có 14 phi công Triều Tiên chết trong chiến tranh Việt Nam, Báo Choson Sinbo nói “14 chiến sĩ quân đội nhân dân Triều Tiên” tử trận trên chiến trường Việt Nam, được an táng tại Nghĩa trang Chiến sĩ Trận vong của Quân đội Nhân dân Triều Tiên ở Mangyongdae vào tháng 9 năm 2002.

Trong nhiều thập niên, 14 phi công Triều Tiên đã được chôn cất tại Bắc Giang, Việt Nam, cho tới khi chính quyền ông Kim Jong Il, thân phụ của đương kim lãnh tụ Kim Jong Un, cất bốc hài cốt của họ để đưa về nước vào năm 2002.

Để tưởng niệm 60 năm từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 2013, ông Kim Jong Un đã cho dời di cốt của các binh sĩ chết trên chiến trường Việt Nam tới Nghĩa trang liệt sĩ Giải phóng Tổ quốc ở Bình Nhưỡng.

Tờ báo Choson Sinbo viết rằng các binh sĩ Triều Tiên đã đổ máu để giúp nhân dân Việt Nam, và những sự giúp đỡ hỗ tương từ đó tới nay đã “xây dựng quan hệ và thiện chí giữa hai nước quốc gia Triều Tiên và Việt Nam.”

Theo bài báo trên tờ Choson Sinbo, chiến tranh Việt Nam chính thức khởi sự vào năm 1964 và kết thúc vào năm 1973, trong khi Hoa Kỳ và các sử gia đều cho rằng chiến tranh Việt Nam chấm dứt 2 năm sau đó, tức là năm 1975.

Các quan hệ giữa Triều Tiên và Việt Nam đã được thế giới chú ý trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà nội mới đây.

Hãng tin UPI trích dẫn các tài liệu của Việt Nam và thông tin từ Hàn Quốc, tường thuật rằng Triều Tiên và Việt Nam đã đạt thỏa thuận vào tháng 9 năm 1966, để Triều Tiên gửi quân sang chiến đấu bên cạnh các lực lượng miền Bắc.

Theo nguồn tin này thì Triều Tiên có thể đã triển khai 10 chiến đấu cơ MiG-17, đồng thời gửi quân sang Việt Nam sát cánh chiến đấu với quân đội Bắc Việt trong những năm 1966 và 1967.

Trong thời gian diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà nội, báo Bắc Giang xác nhận 14 quân nhân Triều Tiên đã từng sang Việt Nam học tập, chiến đấu và “anh dũng hy sinh”.

Theo nguồn tin này thì các phi công Triều Tiên tham gia chiến đấu chủ yếu trên vùng trời ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hưng Yên.

Hãng tin AP cũng khai thác tin này vào lúc diễn ra thượng đỉnh Trump-Kim. Hãng tin này trích các tài liệu lịch sử Việt Nam được học giả Merle Pribblenow lược dịch, viết rằng vào tháng 9 năm 1966, Hà nội chấp thuận đề nghị của Bình Nhưỡng gửi 3 liên phi đội hợp lại thành một trung đoàn không quân trang bị với 30 máy bay. Các phi công Triều Tiên mặc quân phục của phi công Bắc Việt, được Việt Nam cung cấp máy bay và thiết bị quân sự. Học giả Pribblenow trước đây là một nhà phân tích của CIA.

Ở Bắc Giang hiện nay, vẫn còn tấm bia đá khắc nội dung "Nơi đã từng yên nghỉ của 14 cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Triều Tiên". Phía sau bia đá là 14 ngôi mộ xếp thành hai hàng ngay ngắn, trên mỗi ngôi mộ có khắc tên tuổi, năm sinh, năm tử của những người quá cố.

Theo thông tin ghi trên bia mộ, 14 quân nhân Triều Tiên từng được an táng tại khu tưởng niệm ở Bắc Giang, gồm có 2 sĩ quan và 12 binh sĩ. Người lớn tuổi nhất gần 40, người trẻ nhất mới 19 tuổi, mà tờ báo Chosun Sinbo cho biết là tử trận vào tháng 9 năm 1965, trong khi đánh chặn một cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ.

Sự hiện diện của các phi công Triều Tiên trên chiến trường Việt Nam không hề được công nhận trong thời chiến tranh Việt Nam. Cho tới năm 2000, khi xuất hiện một bài báo gây tò mò trên tờ báo Asahi Shinbun của Nhật Bản.

Trang mạng Politico.com dẫn bài báo của tờ Asahi Shinbun tường thuật rằng Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên lúc bấy giờ là ông Paek Nam-sun, đã tới viếng một nghĩa điạ ở Việt Nam nơi chôn cất 14 phi công Triều Tiên, tử trận trong chiến tranh Việt Nam. Bài báo còn tường thuật rằng chính quyền Triều Tiên đã mở một cuộc triển lãm trưng bày các tài liệu liên quan tới vai trò của Triều Tiên trong chiến tranh Việt Nam, tại một tòa nhà trực thuộc Quân đội Nhân dân Triều Tiên ở Bình Nhưỡng.

Theo Politico, thì đó là lần đầu tiên Triều Tiên chính thức thừa nhận họ đã từng gửi quân sang tham chiến tại Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG