Đường dẫn truy cập

Trẻ em không có giấy khai sinh ở Indonesia chịu thiệt thòi cả đời


Bà Santi bế đứa con trai 4 tháng ở Jakarta, Indoniesia. Bà cho biết không đủ tiền để đi làm giấy khai sinh cho các con của bà
Bà Santi bế đứa con trai 4 tháng ở Jakarta, Indoniesia. Bà cho biết không đủ tiền để đi làm giấy khai sinh cho các con của bà
Chi phí cao và nạn quan liêu cửa quyền làm cho việc lấy được giấy khai sinh ở Indonesia trở thành một việc khá rối rắm tại các cơ quan hành chánh. Đối với hàng triệu người tại các cộng đồng nghèo khó của quốc gia Đông Nam Á này, việc thiếu giấy khai sinh đồng nghĩa với việc không thể nhận được những dịch vụ về giáo dục và y tế.

Sau khi nhặt nhạnh những chai nhựa và tìm kiếm những thứ khác trong các đống rác, cô Santi, 26 tuổi, quay về căn nhà gỗ nhỏ bé của mình.

Người con trai của người phụ nữ này gãy đàn banjo trên xe buýt để kiếm bạc lẻ, và hai mẹ con chỉ kiếm đủ tiền để sống qua ngày.

Những cư dân trong khu nhà ổ chuột này của thủ đô Jakarta không có nhiều cơ hội, và điều này còn thấy rõ hơn ở các em bé, trong đó có nhiều em mà trên lý thuyết là không hề có mặt ở đời này.

Cô Santi cho biết cô không có tiền để trả lệ phí xin giấy khai sinh cho ba đứa con của mình.

Nhưng không có giấy khai sinh, các em không thể đến trường và như vậy cơ hội kiếm việc làm của các em trong tương lai sẽ bị hạn chế rất nhiều. Cô Santi cho biết dĩ nhiên là cô rất lo âu, nhưng vì tình hình tài chánh quá đỗi khó khăn, nên cô chỉ có cách là sống được ngày nào là biết ngày đó mà thôi.

Ba đứa con của cô Santi nằm trong số chừng 35 triệu trẻ em mà các nhân vật tranh đấu ước tính là không có giấy khai sinh, hầu hết là những em ở các cộng đồng nghèo khó và những nhóm người bị gạt ngoài lề xã hội.

Ông Amrullah Soyfan, một viên giám đốc của tổ chức Plan Indonesia, cho biết giấy khai sanh vô cùng quan trọng. Ông nói:

"Đăng ký khai sinh là một phần của lý lịch đầu tiên để đứa bé trở thành công dân vì nó liên hệ với các quyền khác. Quyền có căn cước, quốc tịch, quyền được giáo dục, quyền được chăm sóc sức khỏe."

Khi không có giấy tờ chứng minh các em bé không được nhận vào học ở các trường và không nhận được những dịch vụ y tế căn bản. Khi lớn lên các em đó cũng không thể đăng ký kết hôn, không được cấp hộ chiếu và không có quyền đi bầu.

Tổ chức Plan, một tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của trẻ em, đã khởi động các chương trình toàn cầu để thúc đẩy cho việc đăng ký khai sanh của tất cả mọi người trên thế giới.

Năm ngoái, tổ chức này thực hiện một cuộc nghiên cứu tại 5 khu nhà ổ chuột ở Jakarta và phát giác là có hơn 60% các bậc cha mẹ không hề đăng ký khai sinh cho con của mình.

Nhưng đó chỉ là kết quả của một cuộc nghiên cứu có qui mô nhỏ. Theo ước tính của tổ chức Plan, trên khắp Indonesia có từ 30 triệu tới 35 triệu người không có giấy khai sinh và mỗi năm lại có thêm khoảng 3 triệu em bé gia nhập hàng ngũ.

Những con số đó cho thấy Indonesia là một trong những nước có tỉ lệ đăng ký khai sinh thấp nhất trong khối ASEAN. Tại Campuchia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam, hơn 90% dân số có đăng ký khai sinh.

Ông Sofyan của tổ chức Plan Indonesia nói rằng chính phủ đã không nghiêm túc giải quyết vấn đề này mà chỉ cho rằng đó là một vấn đề hành chánh thuộc lãnh vực quản lý dân số. Ông nhận định:

"Đây là vấn đề quyền công dân. Họ là công dân của nước này. Nếu chúng ta chỉ quan tâm tới vấn đề quản lý dân số, chúng ta sẽ chỉ bác bỏ họ và đưa họ trở về làng quê. Chúng tôi yêu cầu chính phủ là khi họ làm ra chính sách họ không được làm ngơ trước tình cảnh của người dân vì đây là một thực tế. Trẻ bụi đời và những đúa trẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội là một thực tế. Chính sách cần có tính chất cởi mở."

Tại một trường học dành cho các trẻ em đường phố được điều hành bởi một người ở địa phương, sống gần khu nhà ổ chuột của cô Santi, mỗi ngày có chừng 30 em bé đến học những bài học căn bản. Vào buổi chiều, các em phụ giúp cha mẹ đi lượm rác, hoặc đi hát dạo hay đi ăn xin.

Ông Ferdy, một viên chức của Bộ Xã hội, đã theo dõi tình hình của trường học này và đang thu thập các dữ liệu trong khu vực.

Ông Ferdy cho biết chính phủ mới đây đã phát động một chương trình toàn quốc về phúc lợi cho trẻ em.
Ông nói rằng mục tiêu của chương trình là cấp cho mỗi em bé một tài khoản tiết kiệm với khoản ký thác một lần chừng 150 đô la để chi trả cho chi phí giáo dục cơ bản và chi phí y tế.

Tuy nhiên, vì không có giấy khai sinh, nên những em bé này, cùng với ít nhất 30 triệu em bé khác, có phần chắc sẽ không đủ điều kiện để được cấp tài khoản tiết kiệm.

Ông Pipit, 50 tuổi, là người lập ra trường học này cách nay 3 năm. Ông nói rằng các em ở đây rất thông minh, có nhiều tiềm năng và xứng đáng để có cơ hội phát triển.
Các em bé này đã làm một bài hát để nói về việc này.

Điệp khúc của bài hát nói về ước mơ của các em là có thể cắp sách đi học ở một ngôi trường thật sự.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG