Đường dẫn truy cập

Tranh cử tổng thống mà toàn chuyện sàm sỡ, lăng nhăng ái tình


Bà Clinton hay ông Trump, người Mỹ gốc Việt sẽ chọn ai?
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:15 0:00

Nếu quý vị theo dõi sinh hoạt truyền thông Mỹ và tin vào kết quả của các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất thì cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc coi như đã xong: Donald Trump thua Hillary Clinton và khó vượt lên được.

Một số kết quả thăm dò cử tri trong mấy ngày qua:

  • NBC News / Wall Street Journal: Clinton 51%, Trump 41%.
  • ABC News / Washington Post: Clinton 50%, Trump 46%.
  • Los Angeles Times / Đại học Nam California (USC): Clinton 44%, Trump 44%.
  • Fox News: Clinton 48%, Trump 44%.
  • Quinnipiac University: Clinton 45%, Trump 40%
  • Real Clear Politics tổng hợp các kết quả thăm dò: Clinton 48%, Trump 41.8%.

Nhưng đó chỉ là quan điểm của nhiều tờ báo và số liệu của thăm dò dư luận. Kết quả ra sao thì ngày 8/11 tới đây khoảng 135 triệu cử tri Mỹ mới thực sự chọn tổng thống, cùng bầu lại tất cả 435 dân biểu Hạ viện và một phần ba nghị sĩ Thượng viện, và ai lên làm tổng thống sẽ bổ nhiệm để điền khuyết vào ghế của Chánh án Tối cao Pháp viện Antonin Scalia, người cực kỳ bảo thủ, qua đời hồi đầu năm.

Năm nay dân Mỹ nhiều người tỏ ra chán ngán trước hình ảnh hai ứng cử viên mà họ cho là đều không đáng tin tưởng để trao trọng trách lãnh đạo đất nước. Nhưng dù nhìn cuộc bầu chọn dưới góc cạnh nào thì kết quả bầu cử sắp đến cũng sẽ làm thay đổi chính trường Mỹ.

Nếu Donald Trump thắng, chắc chắn ông sẽ đem lại nhiều thay đổi hơn là Hillary Clinton.

Những thay đổi đó ra sao ít ai biết rõ vì Trump là một doanh gia thành công trên thương trường, nhưng chưa bao giờ có kinh nghiệm chính trường, điều này làm cho nhiều cử tri Mỹ và lãnh đạo thế giới, bạn cũng như thù, quan ngại không biết ông sẽ hành động ra sao.

Sự kiện Trump được tiến cử đã đưa đến những chia rẽ trầm trọng trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Nhưng chính sự trỗi dậy của Donald Trump trong các kỳ bầu cử sơ bộ cho thấy cử tri cộng hòa đã chán ngán chính sách của Đảng Dân chủ do Tổng thống Barack Obama khởi xướng từ 8 năm qua. Khối cử tri này cũng muốn đưa nước Mỹ ra khỏi lối mòn chính trị nên đã chọn Trump, thay vì chọn hơn chục ứng viên khác có bề dầy sinh hoạt chính trường như các Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Marco Rubio, Lindsey Graham; các Thống đốc Jeb Bush, Rick Perry, Chris Christie, Rick Santorum v.v…

Lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng hòa không thể thuyết phục được Donald Trump phải ứng xử ra sao cho ra vẻ một ứng cử viên tổng thống. Những tháng ngày vận động vừa qua Trump vẫn biểu hiện như Trump từ trước đến nay, ăn nói văng mạng, dọa nạt người khác, đầy tính miệt thị và kỳ thị.

Ông Trump bị tố “sàm sỡ” 4 phụ nữ
please wait

No media source currently available

0:00 0:00:23 0:00

Hơn một tuần trước, khi một băng hình quay năm 2005 được đưa ra với những lời nói của Trump rất sàm sỡ, tục tĩu, coi thường phụ nữ, Thượng nghị sĩ John McCain lên tiếng rút lại sự ủng hộ Trump. Lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng hòa là Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng tuyên bố không bảo vệ Trump và sẽ không xuất hiện chung với Trump tại các buổi vận động bầu cử. Nhiều dân cử Cộng hòa lên tiếng không ủng hộ Trump, phải lo giữ ghế vì cử tri không thích Trump cũng có thể sẽ bỏ phiếu loại bỏ các ứng viên Cộng hòa để đảng này mất đa số đang nắm giữ tại hai viện Quốc hội. Có đề nghị Trump nên rút lui, nhưng ông không bỏ cuộc và coi những phản đối của người cùng đảng như một động thái giúp ông trút bỏ được gông cùm mà ông đã mang bấy lâu nay.

Phải nhìn nhận rằng Donald Trump rất cô đơn trong cuộc tranh cử này vì ít được lãnh đạo đảng ủng hộ, trong khi phải đương đầu với Hillary Clinton và bị giới truyền thông liên tục tấn công.

Với khuynh hướng chính trị bảo thủ của Đảng Cộng hòa, Donald Trump chủ trương chính phủ giới hạn can thiệp vào việc điều hành kinh tế, giảm thuế cho công ty thương mại từ 35% xuống còn 15% để khuyến khích chủ nhân đầu tư nhiều hơn, mướn thêm nhân công. Ông muốn đem việc làm từ nước ngoài về cho người Mỹ, không ủng hộ Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP và bãi bỏ chính sách y tế Obamacare. Về đối ngoại, ông muốn nước Mỹ có thế đứng mạnh hơn trên chính trường quốc tế nhưng không nói rõ làm thế nào. Chính sách của Trump được những người da trắng không có bằng đại học ủng hộ nhiều nhất.

Chủ trương đó đối nghịch với chính sách của Đảng Dân chủ mà Hillary Clinton là đại diện, một người sẽ tiếp tục chính sách của Tổng thống Barack Obama, là tiếp tục đánh thuế cao các công ty thương mại, những người có thu nhập trên triệu đô mỗi năm, duy trì nhưng cải tiến chương trình bảo hiểm y tế Obamacare. Trước đây Clinton ủng hộ TPP, nay đã tuyên bố không ủng hộ hiệp định thương mại này theo văn bản hiện thời.

Truyền thông Mỹ đa số chống Donald Trump không phải vì chính sách bảo thủ mà vì những tuyên bố mang nặng tính miệt thị và kỳ thị.

Chưa bao giờ trong kỳ bầu cử tổng thống lại có số đông báo chí Mỹ lên tiếng bất tín nhiệm một ứng cử viên như lần này. Đã chính thức nêu quan điểm ủng hộ Hillary Clinton có The New York Times, Los Angeles Times, Baltimore Sun, San Francisco Chronicle, Denver Post, và Houston Chronicle.

Nhật báo The Arizona Republic từ bao năm luôn ủng hộ ứng cử viên Cộng hòa, nay cũng không ủng hộ Donald Trump. Tạp chí The Atlantic, nhật báo USA Today thường không đưa ra quan điểm chọn ai, năm nay ủng hộ Hillary Clinton.

Ở tiểu bang Ohio, nơi kết quả bầu cử có thể quyết định kết quả bầu chọn tổng thống tới đây, hiện có tỉ số cử tri ủng hộ cho hai ứng viên không hơn kém nhau bao nhiêu, Clinton 45%, Trump 43%; tuy nhiên nhật báo The Columbus Dispatch ở thủ phủ của bang này đã lên tiếng ủng hộ Hillary Clinton. Ban biên tập cho biết đó là một quyết định khá dễ dàng và nhận định về bầu chọn tổng thống năm nay như sau: “Làm thế nào mà một quốc gia với hơn 300 triệu dân lại để cho hai nhân vật không được ưa thích, không được tin tưởng trở thành ứng cử viên tổng thống.”

Đúng thế. Donald Trump và Hillary Clinton là những ứng cử viên mà lòng tin của dân đặt vào họ ở mức rất thấp trong các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ trong những thập niên qua.

Donald Trump bị phản đối nhiều vì những phát biểu có tính dọa nạt, như trong tranh luận lần hai vừa qua đã dọa bỏ tù Hillary Clinton nếu ông thắng cử.

Còn Hillary Clinton không được dân tin vì khi làm ngoại trưởng bà đã sử dụng máy chủ riêng khi liên lạc bằng email khiến an ninh quốc gia có thể đã bị xâm nhập. Khi bị điều tra bà đã xoá bỏ trên 3.000 email. Vụ khủng bố tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi khiến đại sứ Mỹ và 3 người khác bị giết cho thấy sự yếu kém của Clinton trong việc bảo vệ nhân viên ngoại giao dưới quyền của bà.

Top 10 scandal nhà Clinton bị WikiLeaks tiết lộ
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:16 0:00

Hillary Clinton cũng là người có quan hệ thân thiết với giới đầu tư, giới chủ ngân hàng và thường gặp gỡ, nói chuyện với họ để gây quỹ cho Clinton Foundation là một sáng hội do vợ chồng Clinton lập ra. Những rò rỉ của WikiLeaks cho thấy Clinton khi thảo luận về chính sách với giới tài chánh nói một điều, còn trước công chúng lại nói khác.

Donald Trump là một doanh nhân rất thành công, nhưng có năm mất gần cả tỉ đôla nên đã khai lỗ để tránh thuế trong nhiều năm. Trump làm chủ nhiều bất động sản đắt tiền ở những nơi nổi tiếng từ New York qua Nevada, Hawaii và từng là bầu sô của những chương trình The Apprentice, Miss America, Miss Universe nên có tiếp xúc với nhiều thiếu nữ đẹp mà nhiều cô giờ đây đang cáo buộc bị ông dòm ngó, sàm sỡ hay sờ mó.

Trong cuộc tranh luận tối hôm 9/10, khi được hỏi về những bằng chứng đưa ra cho thấy ông ăn nói tục tĩu, thích sàm sỡ, bóp ngực và sờ vùng kín của phụ nữ, Trump đã xin lỗi. Nhưng ông nói đó chỉ là lời nói của ông và đã tấn công Hillary Clinton bằng cách đưa ra những sự việc mà chồng bà là cựu Tổng thống Bill Clinton đã làm nhục phụ nữ khi có quan hệ tình dục với một số người có mặt trong thính đường được Trump mời đến theo dõi tranh luận.

Trong buổi tranh luận lần thứ nhì, hai bên tấn công nhau về đời tư nhiều hơn là những khác biệt trong chính sách cho thấy cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay đầy chuyện sàm sỡ, lăng nhăng ái tình và Donald Trump thường bị chế giễu nhiều hơn Hillary Clinton trong các sô hài trên truyền hình Mỹ vào mỗi đêm.

​Nhân cách của Trump khiến nhiều chính trị gia Cộng hòa không ủng hộ. Trong đó có ông Vũ Bảo Kỳ, một người Mỹ gốc Việt và là thành viên nòng cốt của Đảng Cộng hòa ở tiểu bang Georgia. Ông Kỳ là một trong số 538 đại biểu cử tri đoàn. Nhưng trước phát biểu đầy tính miệt thị và thái độ thiếu tôn trọng của Trump đối với bố mẹ của một sĩ quan Mỹ đã hy sinh trên chiến trường Iraq, ông Kỳ tuyên bố sẽ không bầu cho Trump vào tháng 11 tới đây.

Vì sao người cao tuổi gốc Việt nghiêng về Đảng Cộng hòa?
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:44 0:00

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi, một nhà hoạt động chính trị và văn hóa ở San Jose cho biết sẽ chọn Donald Trump.

Ông phát biểu: “Tôi chọn Donald Trump vì Hoa Kỳ sau 8 năm với Obama đã quá yếu kém. Về kinh tế nợ 19 nghìn 500 tỉ đôla, ngoại giao quá yếu làm Hoa Kỳ thất lợi với Iran, China, Europe… còn ISIS đang bành trướng mạnh mẽ. Trong nước thì mất an ninh, người da đen nổi loạn. Obamacare là một chính sách sai lầm. Bà Hillary Clinton chỉ là người nối tiếp chính sách thất bại của Obama. Donald Trump cũng có nhiều vấn đề do cá tính, nhưng nhìn chung với kinh nghiệm và sự mạnh dạn, ông sẽ mang lại sức mạnh về kinh tế, ngoại giao và an ninh cho nước Mỹ.”

Một lý do khác nữa để bác sĩ Ngãi chọn Donald Trump là quan ngại về sức khoẻ của Hillary Clinton và người có thể kế vị tổng thống tương lai.

Ông đưa ra nhận xét: “Công việc của tổng thống Hoa Kỳ rất khó khăn, nhiều áp lực, bà sẽ không đủ sức khỏe để đương đầu với chức vụ này. Chưa kể là nếu có chuyện gì xảy ra, ông Tim Kaine là người thiếu khả năng, thiếu tín nhiệm sẽ không đủ sức thay thế cho bà. Trong khi đó Mike Pence là người có bản lãnh xuất sắc có thể thay thế Trump được nếu cần. Sự lựa chọn Mike Pence làm phó tổng thống chứng tỏ Trump biết lựa và dùng người.”

Ông David Dương, Tổng giám đốc công ty xử lý rác và chất liệu phế thải California Waste Solutions, có trụ sở chính ở Thành phố Oakland, lại ủng hộ Hillary Clinton vì: “Clinton có quá trình làm việc từ thượng nghị sĩ, rồi bộ trưởng ngoại giao thì mình đã biết đường hướng, công việc bà ấy làm. Còn Trump nay nói thế này, mai nói khác, lập trường không vững chắc thì sẽ làm cho đất nước này đảo lộn hết.”

Có dự án đầu tư vào Việt Nam từ hơn một thập niên qua, ông David ủng hộ Hillary Clinton một phần vì Hiệp định Thương mại TPP: “Về đối ngoại thì TPP là sáng kiến của Tổng thống Barack Obama để cân đối lại với Trung Quốc trong vùng Đông nam Á. Clinton không muốn bỏ TPP mà muốn thay đổi một số điều, còn Trump với chủ trương đem việc làm về lại Hoa Kỳ nên muốn xoá bỏ TPP, nhưng trước nay Hoa Kỳ đã và cũng sẽ vẫn đưa hãng xưởng ra nước ngoài, vì ở đâu giá nhân công rẻ là công ti Mỹ sẽ có mặt ở đó.”

Theo một khảo sát của National Asian American Survey mới đây, số người Việt theo Đảng Cộng hòa là 23%, Dân chủ 29%, còn lại 47% không theo đảng nào. Số cử tri gốc Việt theo Đảng Cộng hòa như thế đã giảm đáng kể so với năm 2008 là 42%.

Cũng theo thăm dò của tổ chức này, 41% cử tri Việt sẽ chọn Hillary Clinton, 16% chọn Donald Trump và 34% chưa biết chọn ai.

Hiện nay có khoảng 9 triệu 300 nghìn người gốc Á đủ điều kiện để tham gia bầu cử, nhưng lá phiếu của cử tri gốc châu Á không ảnh hưởng nhiều đến bầu chọn tổng thống, vì ở những nơi có đông người châu Á như California (15%), New Jersey (9%), New York (8%), Virginia (7%) thì không phải là những tiểu bang mà sự ủng hộ cho hai ứng viên tổng thống ở mức ngang nhau để vài phần trăm số phiếu có thể ảnh hưởng đến kết quả.

Hơn nữa, theo Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, năm 2012 số cử tri châu Á tham gia bầu cử ở mức thấp nhất trong số các sắc dân, chỉ có 47.3%, so với 48% gốc Hispanic, 64.1% da trắng và 66.2% da đen.

Khối cử tri gốc Á nói chung và gốc Việt nói riêng, tuy được quan tâm đến trong những vận động tranh cử ở cấp tiểu bang hay quận hạt, nhưng trên bình diện toàn quốc khối cử tri này vẫn chưa được các ứng viên tổng thống chú ý đến nhiều.

Dù kết quả bầu cử 8/11 tới đây ra sao, cử tri Mỹ, trong đó có cử tri gốc Việt cũng sẽ làm nên lịch sử. Chọn Hillary Clinton làm nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ; hay chọn Donald Trump, một doanh nhân tỉ phú chưa hề có kinh nghiệm chính trường làm lãnh đạo. Lịch sử đó đang nằm trong từng lá phiếu của chúng ta.

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG