Đường dẫn truy cập

Tranh chấp Biển Đông: Việt Nam không phản đối đàm phán song phương Philippines-TQ 


Các nhà hoạt động môi trường biểu tình trước sứ quán Trung Quốc ở Manila, Philippines, chống lại việc xây dựng quân sự của Trung Quốc trên các đảo tranh chấp ở biển Đông.
Các nhà hoạt động môi trường biểu tình trước sứ quán Trung Quốc ở Manila, Philippines, chống lại việc xây dựng quân sự của Trung Quốc trên các đảo tranh chấp ở biển Đông.

Chính phủ Việt Nam đưa ra quan điểm trung lập trước tin Philippines và Trung Quốc sắp tổ chức đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông. Lên tiếng trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao hôm 30/3, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình nói “Quan điểm nhất quán của Việt Nam là hoan nghênh các bên tranh chấp ở Biển Đông giải quyết các bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, hữu nghị, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.

Trước đó, Tân Hoa Xã trích lời người phát ngôn bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh xác nhận Trung Quốc sẽ mở cuộc họp song phương đầu tiên với Philippines vào tháng 5 tới đây để bàn về các vấn đề biển Đông.

Tại cuộc họp hôm 30/3 ở Hà Nội, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh rằng đối với các tranh chấp liên quan đến 2 bên thì giải quyết song phương, còn đối với các tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì “phải có sự tham gia của các bên liên quan.”

Trước đây khi Malaysia đàm phán biển Đông song phương với Trung Quốc, phản ứng của Việt Nam là khẳng định việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông cần dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và bằng biện pháp hòa bình.

Hình ảnh của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS đưa ra hôm 9/3 cho thấy các công trình xây dựng trên đảo đá chữ thập của Trung Quốc thuộc quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp trên biển Đông.
Hình ảnh của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS đưa ra hôm 9/3 cho thấy các công trình xây dựng trên đảo đá chữ thập của Trung Quốc thuộc quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp trên biển Đông.


Đầu tuần này, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ có trụ sở ở Washington công bố thông tin cho rằng Trung Quốc sắp hoàn tất các công trình quân sự lớn trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng tại quần đảo Trường Sa.

Trả lời câu hỏi liên quan đến thông tin này tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam nói “Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin này. Tuy nhiên, một lần nữa Việt Nam khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

Ông Bình nhấn mạnh rằng các bên liên quan cần tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm và không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, đe dọa đến an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và Việt Nam đã gặp nhau vào tháng trước để thảo luận về hợp tác hàng hải có thể bao gồm việc thăm dò dầu khí dưới biển. Đó là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm hối thúc các cuộc đối thoại riêng với các nước tranh chấp sau khi Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye ra phán quyết vào tháng Bảy năm ngoái nói rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với 95% diện tích biển Đông là thiếu cơ sở pháp lý.

Malaysia và Philippines là 2 nước đầu tiên đối thoại với Trung Quốc về Biển Đông, nơi có nguồn hải sản và trữ lượng dầu khí dồi dào, và là một hải lộ quốc tế trọng yếu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG