Đường dẫn truy cập

Tái cơ cấu kinh tế - khả thi hay không? (tiếp theo và hết)


Tiếc là số giải pháp kiểu này không nhiều. Trên thực tế, hầu như không tồn tại. Khi nói về các giải pháp tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (mà chủ yếu là các ngân hàng thương mại) và thị trường chứng khoán và các định chế tài chính (nội dung 1 và 2 trong đề án), báo cáo chỉ nói về việc phải triển khai quyết định 254/2012-TTg của Thủ tướng Chính phủ chứ không có bất cứ thảo luận nào khác.

Đối với nội dung tái cơ cấu thứ 3 – tức là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước – đề án nêu ra một loạt giải pháp khá cũ kỹ và có thể nói là không đi vào thực chất. Thí dụ, báo cáo nhắc đến việc phải cổ phần hóa những doanh nghiệp nhà nước không cho là quan trọng cần nắm, phải thu hẹp đầu tư ngoài ngành đối với các tổng công ty và tập đoàn nhà nước, phải tăng tính minh bạch về báo cáo và công bố thông tin, và phải hoàn thiện cơ chế quản trị theo mô hình doanh nghiệp hiện đại.

Không thực chất vì doanh nghiệp chỉ lành mạnh khi hoạt động trong môi trường cạnh tranh thực sự. Không có cạnh tranh thì không thể có phát triển. Vì thế, mấu chốt của cải cách DNNN là đẩy họ vào thế buộc phải cạnh tranh chứ không phải gom lại thành các đơn vị chủ lực trong mỗi ngành và từ đó chây ỳ hưởng độc quyền, gây hại cho nền kinh tế, bất kể hoạt động đa ngành hay đơn ngành. Việt Nam đã có một số bài học thành công trong việc này nhưng do lợi ích nhóm vẫn không thể nhân rộng ra được.

Thêm nữa, nó cũng không thực chất vì đề án không nêu ra bất cứ giải pháp nào cho việc tuyển trọn bộ máy lãnh đạo – những người có trách nhiệm lèo lái các DNNN trên thị trường. Trường hợp ông Phạm Thanh Bình, cựu chủ tịch Vinashin, là một điển hình của một quan chức không có kinh nghiệm làm ăn được đẩy vào vị trí lãnh đạo một DNNN lớn, phải cạnh tranh toàn cầu trên một thị trường khó khăn. Để nâng cao hiệu quả của DNNN, cơ chế xét tuyển nhân sự cấp cao phải thay đổi, lãnh đạo các DNNN không thể là các quan chức mà phải tuyển từ những doanh nhân và/hoặc các CEO có kinh nghiệm và lịch sử thành công trên thương trường. Khi tuyển dụng những người này, thì Đại diện chủ sở hữu của nhà nước cũng cần phải tạo ra các cơ chế tạo động lực phải thích hợp. Các lãnh đạo DNNN khi lên nhận trọng trách phải có kế hoạch và cam kết về mục tiêu rõ ràng, doanh nghiệp đạt được các mục tiêu này thì lãnh đạo DNNN phải được hưởng một phần xứng đáng, còn nếu không đạt được thì phải chịu bị bãi nhiệm, nếu lạm quyền trục lợi thì phải bị xử lý hình sự.

Đối với nội dung số 4 - tái cơ cấu đầu tư công – đề án cũng nói đến một số giải pháp, tuy nhiên không có bất cứ điểm mới nào so với các quy chế hiện nay.Vì thế hầu như chắc chắn sẽ là giả giải pháp – tức là không đem lại bất cứ thay đổi đáng kể nào. Trên thực tế, các giải pháp này, kể từ hồi Nghị quyết 11 ra đời, đầu tư công không những không giảm mà còn tăng. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay tổng chi ngân sách Nhà nước vẫn có xu hướng tăng lớn (100.167 tỷ đồng), vượt 13,8% so với dự toán, trong đó, khoảng 23% số tăng chi ngân sách Nhà nước là tăng cho đầu tư phát triển.

Ai cũng biết nâng cao hiệu quả của đầu tư công là việc rất, rất khó, và việc đề ra một cơ chế mới (có thể thực hiện được) nhằm cải thiện hiệu quả của đầu tư công không phải là việc ngày một ngày hai có thể nghĩ ra. Nó liên quan đến kỷ luật tài chính của chính quyền trung ương và địa phương, và vì thế, để nâng cao hiệu quả nó đòi hỏi phải có cơ chế áp đặt kỷ luật tài chính nghiêm ngặt hơn lên chính quyền. Tuy nhiên, nhiều giải pháp tiềm năng theo hướng này sẽ vướng phải bức tường thể chế, thí dụ vấn đề quyền lực giám sát của quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, vấn đề chất lượng đại biểu của các cơ quan đại diện này, cũng như vấn đề tự do ứng cử. Vì thế, dễ hiểu là báo cáo này, theo cách nói của Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh trong một bài viết gần đây, là “né tránh vấn đề thể chế”.

Đối với nội dung thứ 5, và là nội dung cuối cùng, các giải pháp hướng vào tái cơ cấu ngành và vùng thì chủ yếu là nói cho có. Lý do là cơ cấu kinh tế theo ngành và vùng lãnh thổ bị chi phối bởi các yếu tố lợi thế tự nhiên và lợi thế so sánh của các ngành và các vùng khác nhau. Dù có muốn, và dù duy ý chí thế nào, Việt Nam cũng không thể nhanh chóng hình thành các ngành công nghệ cao hay công nghiệp nặng “mũi nhọn” bằng bất cứ con đường tắt nào. Việc cần làm của nhà nước là tạo ra một môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng, minh bạch, và cung cấp thông tin tốt nhất cho các chủ thể kinh tế để họ quyết định ngành nào, vùng nào có tiềm năng tốt nhất để đầu tư và phát triển. Các định hướng, ưu đãi, dẫn dắt, của nhà nước, dựa trên ý muốn chủ quan của một số cá nhân, sẽ chỉ tạo thêm các méo mó trầm trọng hơn về cơ cấu kinh tế theo ngành và vùng lãnh thổ, chứ không làm cho chúng tốt lên.

Tóm lại, đề án tái cấu trúc kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 17 tháng 4 vừa qua lẽ ra phải là một kế hoạch chi tiết và cụ thể, dựa trên những phân tích sâu sắc và giải pháp thông minh, để thực hiện được chương trình tái cơ cấu nền kinh tế vốn đang là một nhu cầu cấp bách ở Việt Nam hiện nay. Đáng tiếc, đề án này đã được chuẩn bị vội vàng và không có chiều sâu.Có lẽ Quốc hội cần Bộ Kế hoạch và Đầu tư có một đề án khác, có thể sẽ mất thời gian, nhưng thà chậm mà chắc còn hơn là nhanh nhưng không khả thi.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG