Đường dẫn truy cập

TQ trừng phạt các chính khách Anh, tố cáo họ “dối trá về vấn đề Tân Cương”


Tư liệu: Người biểu tình mang theo cờ Anh, phản đối chính quyền trước lãnh sự quán Anh ở Hong Kong, ngày 23/10/2019. REUTERS/Umit Bektas
Tư liệu: Người biểu tình mang theo cờ Anh, phản đối chính quyền trước lãnh sự quán Anh ở Hong Kong, ngày 23/10/2019. REUTERS/Umit Bektas

Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 9 người Anh, kể cả các nhà lập pháp thuộc đảng Bảo thủ đương quyền vì lan truyền những "dối trá và thông tin sai lạc" tố cáo các hành động vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Động thái này đã gây phản ứng mạnh mẽ tức thời từ London.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây đang xấu đi nhanh chóng, trong bối cảnh Bắc Kinh mạnh mẽ phản bác các biện pháp chế tài do Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada áp đặt vì các chính sách đàn áp người Hồi giáo Uighur ở Tân Cương.

Trung Quốc đã trừng phạt bốn thực thể và chín cá nhân, gồm các nhà lập pháp như cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith, và Ủy hội Nhân quyền Đảng Bảo thủ, vì đã “truyền bá thông tin dối trá và xuyên tạc một cách ác ý”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các cá nhân bị nhắm mục tiêu và các thành viên trong gia đình của họ bị cấm nhập cảnh Trung Quốc, đồng thời các công dân và tổ chức của Trung Quốc cũng bị cấm làm ăn với họ.

Chính phủ Anh lên án động thái này là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bịt miệng giới phê bình, trong khi Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố sát cánh với những người bị trừng phạt, và ngoại trưởng Dominic Raab cho biết ông sẽ triệu tập đại sứ Trung Quốc tại London để phản đối.

Thủ tướng Johnson viết trên Twitter:

“Những người bị trừng phạt “đang đóng một vai trò quan trọng, là làm sáng tỏ những hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà Trung Quốc gây ra đối với người Hồi giáo Uighur.”

Nhà lập pháp Duncan Smith nói ông coi các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc như một "huân chương danh dự".

Trong tháng này, Anh công bố một phúc trình tái thẩm định các chính sách đối ngoại, tài liệu này đề ra cao vọng tăng cường ảnh hưởng của Anh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như một cách để kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn cầu, tuy nhiên tài liệu này thừa nhận rằng nước Anh phải hợp tác với Bắc Kinh về mặt thương mại và các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.

“Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các lợi ích phát triển của mình, đồng thời cảnh báo Vương quốc Anh không nên tiếp tục đi sâu hơn trên con đường sai lầm, nếu không, Trung Quốc kiên quyết đưa ra các phản ứng tiếp theo.”

London và Bắc Kinh đã “lời qua tiếng lại” về một loạt vấn đề, kể cả những biện pháp cải cách của Trung Quốc ở Hong Kong, thuộc địa cũ của Anh, và chính sách thương mại của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG