Đường dẫn truy cập

Burberry: hàng hiệu cao cấp đầu tiên bị tẩy chay liên quan tới Tân Cương


Một phụ nữ đi ngang qua cửa tiệm hàng hiệu cao cấp Burberry tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung quốc, ngày 26/3/2021. REUTERS/Tingshu Wang
Một phụ nữ đi ngang qua cửa tiệm hàng hiệu cao cấp Burberry tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung quốc, ngày 26/3/2021. REUTERS/Tingshu Wang

Burberry đã đánh mất một đại sứ giới thiệu hàng hiệu Trung Quốc, và họa tiết tartan đặc trưng của thương hiệu này đã bị xóa khỏi một trò chơi video phổ biến, khiến Burberry trở thành nạn nhân hàng hiệu cao cấp đầu tiên phải trả giá vì những cáo buộc của phương Tây, rằng Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Hôm thứ Sáu 26/3, Trung Quốc trừng phạt các tổ chức hay cá nhân ở vương quốc Anh về “những lời dối trá và thông tin sai lệch” về Tân Cương, nhiều ngày sau khi nước Anh áp đặt các biện pháp chế tài vì những hành động vi phạm nhân quyền mà Trung Quốc bị cáo buộc đã phạm ở Tân Cương.

Burberry là thành viên của Better Cotton Initiative, một nhóm cổ vũ cho việc sản xuất bông sợi theo phương pháp bền vững. Nhóm này hồi tháng 10 nói họ ngưng chấp thuận vải sợi cotton đến từ Tân Cương trong mùa 2020-2021, đơn cử các quan tâm về nhân quyền.

Nữ diễn viên đoạt giải Châu Đông Vũ (Zhou Dongyu) chấm dứt hợp đồng với Burberry trong tư cách đại sứ của thương hiệu, vì Burberry “không tuyên bố lập trường rõ ràng và công khai về cotton ở Tân Cương”, đại diện của cô nói hôm thứ Năm.

Họa tiết Tartan đặc trưng của thương hiệu Burberry cũng bị xóa khỏi trang phục của các nhân vật trong video game “Honor of Kings”, theo chia sẻ trên Weibo của một giới chức của công ty làm ra video này, thu hút sự tán thành của nhiều dân mạng Trung Quốc.

Chi nhánh Burberry tại Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Theo trang mạng của Burberry, thì cotton mà Burberry sử dụng xuất phát từ Hoa Kỳ, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Ai Cập.

Cũng bị tác động ngược, đặc biệt trên mạng xã hội và truyền thông truyền thống Trung Quốc, có các thương hiệu H&M, Adidas AG và Nike, là những thương hiệu từng lên tiếng chỉ trích các điều kiện lao động ở vùng Tân Cương, khu vực sản xuất bông sợi lớn nhất Trung Quốc.

Giới hoạt động và các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc tố cáo Trung Quốc ngược đãi người Hồi giáo Uighur ở Tân Cương, gồm giam cầm hàng loạt, tra tấn, cưỡng bức lao động và buộc họ phải triệt sản ngoài ý muốn.

Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc đó, nói rằng những hành động của họ ở Tân Cương là cần thiết để chống chủ nghĩa cực đoan.

Trong một bức thư gửi cho các nhà lập pháp Anh hồi tháng 11 năm ngoái, Burberry nói họ không có hoạt động nào ở Tân Cương, và cũng không hợp tác với bất cứ nhà cung cấp nào có trụ sở tại Tân Cương. Burberry nói thêm rằng họ không chấp nhận nạn nô lệ thời hiện đại dưới bất cứ hình thức nào, kể cả lao động cưỡng bức, hay buộc tù nhân lao động ngoài ý muốn.

Hội đồng Vải sợi và Hàng May Mặc Trung Quốc ra tuyên bố hôm thứ Sáu, hối thúc các thương hiệu quốc tế hãy ngưng các “hành vi sai trái”, kể cả loại cotton từ Tân Cương ra khỏi chuỗi cung cấp của họ, vì tôn trọng khách hàng Trung Quốc.

Nhà lập pháp Hong Kong Regina Ip cũng nói bà sẽ ngưng mua các sản phẩm của Burberry, dù rằng đây là thương hiệu mà bà yêu thích nhất.

Bà Ip viết trên trang Twitter cá nhân:

“Tôi sát cánh với đất nước tôi, tẩy chay các công ty lan truyền những lời dối trá về Tân Cương.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG