Đường dẫn truy cập

Đọc thơ: “Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ”


Đọc thơ: “Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ”
Đọc thơ: “Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ”

Có lần, trên Tạp chí Thơ tại California, năm 1994, Thanh Tâm Tuyền gọi Bùi Giáng là “một thiên tài tự huỷ ghê gớm nhất của thi ca Việt Nam hiện đại” và là “một hồn thơ bị vây khốn”.

Bị vây khốn bởi cái gì?

Theo tôi, Bùi Giáng bị vây khốn, trước hết, bởi những hoài nghi, những dằn vặt. Thì một số khá đông các nhà thơ khác ở miền Nam thời kỳ 1954-75 cũng hoài nghi, cũng dằn vặt. Song, có điều, không ai sống đến tận cùng sự hoài nghi, sự dằn vặt như là Bùi Giáng. Thơ Bùi Giáng là những phún thạch phun lên từ hoả diệm sơn của hồn ông. Nhưng khác các nhà thơ khác, Bùi Giáng lại nguỵ trang thảm kịch của mình bằng một giọng cợt nhã, bông đùa. Trong một bài viết về Hàn Mặc Tử, sau khi ghi nhận thơ Hàn Mặc Tử là “một tiếng thét và một lời than. Tiếng thét đầy máu, tiếng than tràn ngập hư vô. Lúc hãi hùng khiếp đảm, lúc quạnh quẽ lạc phách xiêu hồn”, Bùi Giáng nhắc đến thơ của chính ông, như một sự so sánh:

“Thơ tôi làm... là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm bão giông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn, đem phó thác thảm hoạ trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cánh mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu. Làm mục tử chăn trâu không xong bỏ trâu bò chạy lạc, phá phách mùa màng khoai sắn, thì tôi chạy về bẩm báo với ni cô cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một phút giây trong linh hồn bao dung phương trượng. Ni cô xua đuổi tôi thì tôi ra bờ sông nằm ngủ khóc một mình thơ dại giữa chiêm bao. Trong chiêm bao, thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao.” (Thi ca tư tưởng, 1969, tr. 102-3).

Có dìu ba đào về chân trời nào khác thì ba đào vẫn cứ là ba đào, động biển vẫn cứ là động biển. Bay đi đâu cánh chuồn chuồn của Bùi Giáng cũng gặp giông bão. Giông bão dậy lên, trước hết, từ đôi cánh của nó: ngôn ngữ.

Đã đành, làm thơ, ai cũng chú trọng đến ngôn ngữ. Song tôi có cảm tưởng ít có ai bị ám ảnh bởi vấn đề ngôn ngữ một cách nặng nề, triền miên như Bùi Giáng.

Chữ “ngôn ngữ” thường xuyên xuất hiện trong thơ ông, đặc biệt trong hai tập thơ mới xuất bản ở hải ngoại sau 1975, ở đó, câu “Đường qua ngôn ngữ tuyệt trù”, hay “Đường qua ngôn ngữ điệp trùng” và “Đường qua ngôn ngữ cuối cùng” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều bài thơ khác nhau. Hãy để ý đến nhóm từ “đường qua ngôn ngữ”: với Bùi Giáng, dường như công việc làm thơ chủ yếu là một cuộc hành trình vượt qua ngọn đèo cheo leo của ngôn ngữ trước khi là bất cứ một cái gì khác. Ngọn đèo ấy không những cheo leo mà còn mù mịt, thăm thẳm. Phần lớn các câu thơ kế tiếp mấy câu vừa dẫn đều là bóng đêm (Mừng xuân viễn vọng đêm bù cho đêm; Mừng xuân viễn vọng đêm lừng lẫy đêm; Mừng xuân viễn tuyệt đêm từng từng đêm). Xuân, ừ, thì xuân. Nhưng đêm vẫn mịt mùng đêm. Đêm vô tận. Ngôn ngữ không làm cho bóng đêm ấy tan biến. Trái lại.

Chấm ngòi bút sắt se vào mực
Viết ra câu thúc giục sương mù

(Mùa xuân chiêm bao)

Trong lúc hầu hết các nhà thơ khác, mặc dù nhận chân được vị thế hẩm hiu của nhà thơ trong xã hội, vẫn tin tưởng vào ngôn ngữ và vẫn tự hào về công việc sáng tạo của mình, nói như mấy lời thơ của Thanh Tâm Tuyền, “cuộc hành trình hoàn toàn cô độc” trên một “con đường chưa ai tới”, Bùi Giáng, ngược lại, tuy vẫn làm thơ, hơn nữa, còn làm thơ cực kỳ nhiều, nhiều hơn bất cứ một người nào khác, lại có vẻ rất coi thường cái việc làm thơ ấy và chắc chắn là không mấy tin tưởng vào khả năng thể hiện của ngôn ngữ:

Người điên ngôn ngữ điệp trùng
Dở chừng như mộng dở chừng như mê
Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói hết nghiệp nghề người điên

(Người điên)

Trong quyển “Mùa thu trong thi ca”, Bùi Giáng viết:

“một hôm mai thảo bảo rằng
làm thơ bê bối sao bằng đi rong
phố phường mọc cỏ quanh năm

(Sa mạc phát tiết)

Có người đọc câu thơ thấy đâm ra bực mình hỏi: “Phố phường đâu có cỏ nào mọc! Thằng thi sĩ ăn nói tầm phào, sai sự thật!” Ấy thế là người ta cưỡng bức thi ca một cách không chính đáng. Và trầm trọng hơn nữa, người ta tưởng chừng như tin rằng ngôn ngữ có thể nói ra được sự thật. Tưởng chừng như người ta chẳng bao giờ suy gẫm về Kim Cương Kinh. Thế gian ngôn ngữ phi chân kinh.”

Ngôn ngữ không những quặt què, không những không nói ra được sự thật mà, hơn nữa, trong thời hiện đại, đặc biệt, khi cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Tư bản - Cộng sản đang gay gắt, khi cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam đang ác liệt, khi vấn đề thắng bại không những được quyết định ngoài chiến trường mà còn trên các bàn hội nghị quốc tế, ngôn ngữ còn có tác dụng ngược lại: nó che giấu sự thật và, thay vì đem lại sự cảm thông giữa loài người, nó lại làm cho con người ngộ nhận lẫn nhau, thù ghét lẫn nhau, say sưa chém giết lẫn nhau. Đó là lý do tại sao Bùi Giáng lại

Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ
Mỹ Thọ muôn đời là Lục Tỉnh hôm nay
Tôi gọi Sóc Trăng là Sóc Trắng
Gọi người sương phụ gái thơ ngây

(Lẫn lộn lung tung)

Bùi Giáng xáo trộn chữ nghĩa để nói lên một sự thật: ngôn ngữ đang bị xáo trộn, đang bị tha hoá. Bùi Giáng gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ, Mỹ Thọ, người ta cho là hài hước hoặc điên khùng, nhưng chẳng phải là trong cuộc sống người ta đã không từng gọi một kẻ bán nước là yêu nước, một kẻ giết người như ngoé là nhân đạo, một kẻ bắn súng vào anh em vào đồng bào vào đồng loại vì một thiên đường không tưởng nào đó là cách mạng đó ư? Chẳng phải là người ta đã không từng gọi nhà tù là trại học tập, độc tài là tập trung dân chủ, sự ngu đần là đỉnh cao trí tuệ, khố xanh khố đỏ là quốc gia, thái độ khom lưng trước ngoại bang là biểu hiện của tinh thần dân tộc đó ư? Thử thế chữ “Mỹ Tho” bằng bất cứ chữ nào trong từ điển chính trị Việt Nam hiện đại người ta sẽ thấy ngay cái điều mà Ionesco từng nói: “một nền văn minh của ngôn ngữ là một nền văn minh quẩn trí, hỗn độn”. Ngôn ngữ mất linh hồn. Ngôn ngữ xác xơ, rách mướp, tơi tả. Nhiều người thuộc loại nhạy cảm nhất trong thời đại chúng ta đã thất vọng não nề. Sự thất vọng ấy, ở Tây phương, dẫn đến sự im lặng của một số người cầm bút, sự ra đời của loại kịch không lời; ở Bùi Giáng, tạo ra những vần thơ đại loại thế này:

- ... Một hai hai một di hài
Dài hy hữu mộng an bài chẩm ma
Chả xin? Chả hỏi? Vịt gà?
Và thân thể máu me và thịt xương...

- Ma đên ỳ nẽ ô mà
Xơ tin ô đố đâu là đến đây
Xền nô đô thí xi đầy
Xè rê tê nến ngọn lầy lội cơn
A tin a tỷ oan hồn
Vong lưu lỳ lẫy cung đờn cợt trêu
Người ôi ô ướt dấu bèo
Ồ thôi thế vậy thu vèo sang thu
Lừng bay thân thế pha mù
Sương mây tuyết dậy thân bù cho thân

(Đạm Tiên)

Thời 1954-75, ở miền Nam có nhiều người viết về chiến tranh và những đổ vỡ do chiến tranh gây ra, nhưng có lẽ không có nhà thơ nào đụng chạm đến được vết thương sâu sắc nhất của con người thời ấy: sự mất tin tưởng đối với ngôn ngữ và từ đó, sự thông cảm giữa người và người.

Chính vì lẽ đó, tôi cho Bùi Giáng là nhà thơ tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hư vô ở Việt Nam.

Thích ông, tôi thích nhất là ở khía cạnh đó.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG