Đường dẫn truy cập

Tòa Trung Quốc ra chỉ thị cấm tra tấn


Tù nhân tại trại giam Chongzhou ở tây nam Tứ Xuyên.
Tù nhân tại trại giam Chongzhou ở tây nam Tứ Xuyên.
Tòa án cấp cao nhất của Trung Quốc đã loại bỏ những vụ cưỡng bách thú tội và cam kết sẽ giảm bớt những thiếu sót trong việc thi hành công lý, trong một quyết định nêu bật chính sách nhấn mạnh vào cải cách pháp lý.

Chỉ thị do Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đưa ra hôm thứ năm, nhắm mục đích tăng cường pháp trị trong một chế độ mà nhiều chuyên gia đồng ý rằng còn thiếu các yếu tố cơ bản của sự độc lập tư pháp.

Toà nói rằng tất cả các cấp trong ngành tư pháp bắt buộc phải thi hành nhiệm vụ một cách nghiêm ngặt theo luật định, dựa các phán quyết của mình vào các sự kiện, và bảo vệ nhân quyền. Tòa liệt kê 27 điều khoản, kể cả việc bảo vệ quyền của bị can được có luật sư, sự cần thiết các phiên tòa phải cởi mở, và dựa trên bằng chứng thu thập một cách hợp pháp, và loại bỏ những vụ thú tội bằng cách tra tấn.

Các nhà hoạt động nhân quyền gọi những cải cách này là “đáng khích lệ”

Ông Nicholas Bequelin thuộc tổ chức Human Rights Watch nói phán quyết vừa kể là một dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy chính phủ đang đáp lại trước áp lực từ phía xã hội đòi bảo vệ quyền lợi tốt hơn trong những vụ án hình sự.

Ông nói: “Nó đem lại cơ sở cho các luật sư và các nhà cải cách pháp lý ở Trung Quốc, giúp họ gây sức ép với cảnh sát, với tòa án, với hệ thống tư pháp bất cứ khi nào các cơ quan này hành động bất xứng.”

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đề ra các cơ chế thủ tục để bảo đảm các bị cáo được xét xử công bằng, kể cả một tu chính án hồi năm ngoái đòi hỏi cảnh sát phải để cho các luật sư gặp thân chủ trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau khi nộp đơn yêu cầu. Theo các chuyên gia phân tích, phán quyết của tòa hôm thứ năm là một bước tiến theo cùng hướng đó, trong một hệ thống đầy những vấn đề tràn lan những vụ thú tội vì bị tra tấn, kết án sai trái và sách nhiễu luật sư.

Cảnh sát vẫn còn đầy quyền lực ở Trung Quốc

Nhưng những người tranh đấu cho nhân quyền nói bất chấp các cải cách của tòa án, cảnh sát đầy quyền lực ở Trung Quốc vẫn còn làm cho hệ thống tư pháp bất công. Trong một vụ mới đây, một giới chức Trung Quốc bị điều ta về tội tham nhũng đã bị tra tấn đến chết và bị trấn nước trong một bồn tắm trong khi nhân viên điều tra của cảnh sát tìm cách buộc ông ta phải thú tội.

Ông Becquelin của Tổ chức Human Rights Watch nói trong bối cảnh các tòa án ở Trung Quốc thường nhượng bộ cơ quan cảnh sát, có những hạn chế về những gì các toà án có thể làm được, như trong trường hợp các điều khoản hôm thứ năm. Ông nói: “Việc các tòa án nói rằng “chúng tôi sẽ đoan chắc là sẽ giảm thiểu những vụ kết án sai trái và tra tấn” là điều rất tốt, nhưng thực tế là các tòa án có rất ít thế mạnh để làm như vậy bởi vì cơ bản là cảnh sát mới là lực thúc đẩy hệ thống hình sự ở Trung Quốc.”

Tổ chức Nhân quyền nói phải duyệt lại các vụ án trước đây

Ông Lý Trang, một luật sư về hình sự làm việc ở Bắc Kinh, nói rằng để chứng minh họ nghiêm túc trong việc thực thi các văn kiện, các toà án nên bắt đầu duyệt lại những vụ án trước đây mà các luật sư đã trưng bày bằng chứng là cưỡng bức cung khai.

Ông Lý Trang là một trong các luật sư bị nhắm làm mục tiêu trong một chiến dịch chống lại băng đảng ở Trùng Khánh, lúc đó là cứ địa của chính trị gia Bạc Hy Lai đã bị bãi chức. Ông Lý bị buộc là khai man sau khi tìm cách bênh vực một doanh gia địa phương đã thú tội vì bị tra tấn.

Ông Lý thú nhận đã làm sai và bị kết án 18 tháng tù. Ông nói:

“Bằng chứng ngược lại đã được cung cấp và có đủ tác dụng lật ngược phán quyết đó, nhưng đã 2 năm rồi mà vụ này vẫn chưa được xét lại. Chúng tôi phải chờ xem liệu các điều khoản này có được thực thi trên thực tế hay không. Ðó là bước kế tiếp.”

Ông Lý nói có rất ít động cơ để các viên chức tòa án xét lại những vụ án bởi vì trong nhiều trưởng hợp họ đã dựa vào những vụ kết án sai trái để thăng tiến nghề nghiệp.

Tại Trùng Khánh, một trong số các doanh gia giầu có nhất đã bị bỏ tù dựa vào những lời thú tội lấy được qua những phương tiện phi pháp, và tài sản của họ đã bị chính quyền thành phố tịch thu.

Ông Lý nói: “Nhiều tài sản bị tịch thu trong chiến dịch đã được chi tiêu. Họ dùng tiền để trồng cây và tổ chức những vụ phục hồi các bài ca đỏ. Làm thế nào có thể trả lại những khoản tiền đã chi tiêu?”

Cuộc họp đảng dẫn đến một số cải cách tòa án mới nhất

Thông cáo của Tòa án Tối cao được đưa ra ít ngày sau khi Trung Quốc kết thúc một cuộc họp quan trọng của đảng và thông báo những cải cách chủ chốt trong một số lãnh vực, kể cả hệ thống pháp lý.

Sau nhiều áp lực của công chúng, các nhà lãnh đạo đảng đã cam kết bãi bỏ hệ thống lao cải - một tập tục giam giữ hành chính dành cho cảnh sát quyền qua mặt các tòa án và giam giữ tới 3 năm các nghi phạm mà không xét xử.

Những khoản tu chính như thế đã được các học giả ngành luật và các chuyên gia hoan nghênh ở Trung Quốc, nhưng một số người tin rằng các biện pháp riêng lẻ sẽ không có ý nghĩa nếu chúng không bảo đảm tính độc lập của hệ thống pháp lý – mà tại Trung Quốc phần lớn vẫn còn nằm dưới ách của đảng và guồng máy công an.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG