Đường dẫn truy cập

NKDB thu thập bằng chứng về những trại tù Bắc Triều Tiên


Một nữ cảnh sát đứng gác tại một trại tù gần quận Chongsong, Bắc Triều Tiên. (Ảnh tư liệu)
Một nữ cảnh sát đứng gác tại một trại tù gần quận Chongsong, Bắc Triều Tiên. (Ảnh tư liệu)

Một tổ chức nhân quyền đang bắt đầu thu thập bằng chứng để cuối cùng truy tố lãnh tụ Kim Jong Un và những nhà lãnh đạo khác của Bắc Triều Tiên vì những tội ác chống nhân loại bằng cách ghi lại chi tiết những thông tin về hàng ngàn người bị đưa vào những trại tù chính trị.

Trung tâm Cơ sở Dữ liệu cho Nhân quyền Bắc Triều Tiên (NKDB) đã công bố một danh sách những người bị giam giữ trong những nhà tù chính trị, nhân viên và nạn nhân của những vụ cưỡng bức mất tích, bao gồm tên, thời điểm bị giam cầm, tội bị cáo buộc và địa điểm của những trại vẫn còn hoạt động.

Kim In-sung, một nhà nghiên cứu tại NKDB, cho biết:

"Bằng cách cung cấp thông tin cụ thể về từng thủ phạm, chúng tôi có thể cho họ thấy rằng họ chịu trách nhiệm về những hành động của mình trong trường hợp có sự khai mở ở Bắc Triều Tiên."

Bằng chứng

Danh sách này dựa trên những cuộc khảo sát và phỏng vấn với hơn 1.000 người đào tị Bắc Triều Tiên. Mục đích của nó là cung cấp thêm bằng chứng để củng cố bản phúc trình năm 2014 của Ủy ban Điều tra Liên Hiệp Quốc ghi lại một mạng lưới những trại tù chính trị ở trong nước và những hành vi tàn bạo tràn lan, tương đương với những gì Đức Quốc xã đã làm trước và trong Thế chiến thứ Hai.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sau đó đã biểu quyết đưa Bắc Triều Tiên ra Tòa án Hình sự Quốc tế về những cáo buộc tội ác chống nhân loại. Tuy nhiên biện pháp này bị đình trệ tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nơi mà hai đồng minh của Bắc Triều Tiên là Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết của họ.

Bắc Triều Tiên đã nhiều lần phủ nhận sự tồn tại của những trại tù ở trong nước.

Sau khi bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc được công bố, Kim Song, một quan chức của phái bộ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc gọi những cáo buộc về hành vi tàn bạo là "vô căn cứ," và gọi những người đào tị khai chứng là "cặn bã loài người."

Những địa điểm

NKDB liệt kê vị trí của bốn trại tù đang hoạt động tại Bắc Triều Tiên, nhưng nói rằng có thể có những trại khác mà họ không biết.

Trại 15 ở Yodeok và trại 14 ở Gaecheon nằm gần thủ đô Bình Nhưỡng. Trại 16 ở Hwaseong và trại 25 ở Cheongjin nằm gần Nga hơn ở vùng đông bắc Bắc Triều Tiên.

NKDB nói rằng sự tồn tại của những trại này, cũng như con số ước tính hơn 100.000 tù nhân chính trị đang bị giam cầm tại những địa điểm này, đã được hình ảnh vệ tinh xác nhận.

Tổ chức này cũng ghi nhận một số trại tù khác không còn hoạt động nữa.

Những tội phạm

Danh sách những tội mà những người bị cáo buộc phạm phải bao gồm chỉ trích nhà nước, hoạt động tôn giáo, tìm cách trốn sang Hàn Quốc, nghe đài phát thanh nước ngoài và tìm cách liên lạc với người Hàn Quốc.

Danh sách dài những tù nhân trong một số trường hợp có từ hàng chục năm trước.

Năm 1970, Kim Gang Cheol được cho là bị đưa vào trại 15 với cáo buộc phạm tội vì quan hệ gia đình liên quan tới người anh trai của ông ta. Người anh bị đưa vào một trại tù vì lên tiếng phàn nàn về chính phủ.

Nạn đói nghiêm trọng trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, giết chết hơn 3 triệu người Bắc Triều Tiên, đã chứng kiến sự gia tăng những vụ bắt giữ những gia đình tìm cách trốn thoát sang Hàn Quốc để tìm kiếm những nhu cầu cơ bản của con người.

Năm 2004, những người con của Kim Jae Hun bị đưa vào trại tù 16 vì họ tìm cách rời khỏi đất nước, theo NKDB.

Nhiều người Bắc Triều Tiên vẫn đang bị bắt giữ vì tìm cách đào thoát, nhưng NKDB nói giờ đây đa phần đang kiếm nhiều cơ hội kinh tế tốt hơn và tự do chính trị.

Lim Soon-hee, giám đốc hoạch định và quản lý của NKDB, nói:

"Gần đây, có những người trốn thoát vì họ không hài lòng với hệ thống chính trị, hoặc họ chống đối hệ thống chính trị, hoặc họ muốn có nhiều tự do hơn trong cuộc sống của họ."

NKDB lưu ý rằng vào năm 2010, Kim Hui Seon bị bắt vì tìm cách vượt biên vào Trung Quốc với toàn bộ gia đình của mình.

Tình cảnh

NKDB nói việc quốc tế săm soi nhiều hơn tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên có thể đã khiến chính quyền Kim Jong Un đóng cửa một số trại tù trong những năm gần đây.

Nhưng những người vận động vì nhân quyền nói rằng tình cảnh bên trong những trại còn hoạt động vẫn chưa cải thiện.

Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc ghi lại sự ngược đãi có hệ thống tại những trại tù của Bắc Triều Tiên bao gồm những vụ giết người ngoài vòng pháp luật, cưỡng bức mất tích, bắt giữ tùy tiện, đánh đập, cưỡng bức bỏ đói, tấn công tình dục, cưỡng bức lao động và tra tấn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG