Đường dẫn truy cập

Toà Bạch Ốc đang theo dõi sát nạn lao động cưỡng bức tại Trung Quốc


Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki.

Tòa Bạch Ốc ngày 26/3 chỉ trích Trung Quốc hưởng lợi từ những vi phạm nhân quyền và cho biết đang theo dõi chặt chẽ nạn cưỡng bức lao động tại Trung Quốc. Động thái này diễn ra sau khi các công ty Mỹ và các nhãn hàng quốc tế bị người tiêu dùng Trung Quốc tấn công vì cam kết không sử dụng bông vải từ vùng Tân Cương của Trung Quốc.

“Cộng đồng quốc tế, theo quan điểm của chúng tôi, nên phản đối việc vũ khí hóa sự lệ thuộc của các công ty tư nhân vào thị trường Trung Quốc để đàn áp tự do ngôn luận và ngăn cản các tập tục kinh doanh có đạo đức,” phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói với báo chí.

Bà trả lời một câu hỏi về tin nói rằng Trung Quốc gây áp lực lên các công ty nào cam kết không dùng các sản phẩm do lao động cưỡng bức làm ra.

“Đó là điều chúng ta theo dõi một cách chặt chẽ,” bà nói.

Một số nhà bán lẻ nước ngoài đối mặt với phản kháng từ người tiêu dùng Trung Quốc, những người truyền tay tuyên bố của những nhãn hiệu trên mạng xã hội loan báo sẽ ngưng những nguồn hàng từ Tân Cương.

Các nhãn hiệu New Balance, Under Armour, Tommy Hilfiger và Converse, do Nike làm chủ, nằm trong số những công ty bị Trung Quốc phản pháo vì đã tuyên bố không sử dụng bông vài sản xuất từ vùng viễn tây Trung Quốc, nơi tình nghi sử dụng lao động cưỡng bức.

Mỹ và các nước phương Tây khác đã áp đặt chế tài lên các giới chức Trung Quốc vào ngày 22/3 vì vi phạm nhân quyền tại Tân Cương. Tháng Giêng năm nay, Washington loan báo cấm nhập khẩu tất cả sản phẩm bông vải và cà chua từ Tân Cương trước những cáo buộc là các sản phẩm này được làm ra nhờ cưỡng bức lao động những người Hồi giáo Uighur bị giam cầm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG