Đường dẫn truy cập

Titanic 3D trở thành bộ phim Hollywood đầu tiên công chiếu tại Miến Điện


Đi xem phim là một trải nghiệm mới mẻ nhất trong một loạt những thay đổi đang diễn ra ở Rangoon, Miến Điện. Hãng 20th Century Fox của Mỹ sẽ trở thành hãng phim Hollywood đầu tiên phát hành phim ở nước này trong nhiều thập kỷ qua.

Phiên bản 3D bộ phim ‘Titanic’ của đạo diễn James Cameron sẽ được công chiếu tại quốc gia Đông Nam Á này vào ngày 17/8 thông qua công ty Mingalar, hãng phát hành phim tư nhân lớn nhất của Miến Điện, hiện kiểm soát 80% thị trường trong nước với 8 rạp chiếu phim.

20th Century Fox cho biết công ty này ‘tự hào trở thành hãng đi tiên phong tại các thị trường mới nổi, và sẽ hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để tăng cường các dự án như vậy’.

Công ty cũng cho rằng bộ phim Titanic là một lựa chọn phù hợp để mang chiếu ở Miến Điện. Cả phiên bản phim gốc năm 1997 và phiên bản 3D mới phát hành đều là các bộ phim ăn khách trên thị trường quốc tế với doanh thu lên tới 2.19 tỷ đôla.

Ông Sunder Kimatrai, phó chủ tịch của hãng phim Mỹ, cho biết hãng này rút khỏi Miến Điện sau cuộc đảo chính năm 1962.

Trong những năm sau đó, các bản sao của các bộ phim Hollywood thường xuyên được nhập lậu vào Miến Điện từ Thái Lan, và được chiếu trong các rạp, gồm cả những rạp thuộc sở hữu của Mingalar. Ông Kimatrai cho biết công ty hy vọng sẽ đảo ngược xu hướng đó.

‘Chúng tôi quan tâm đến việc bảo vệ sở hữu trí tuệ của chúng tôi, vì suy cho cùng, đó là tài sản có giá trị nhất của chúng tôi. Khi chúng tôi hoạt động tại các nơi khác, chúng tôi làm hết sức mình để bảo vệ bản quyền của chúng tôi. Và dĩ nhiên trong thời gian tới, đó là điều chúng tôi sẽ cân nhắc thực hiện ở Miến Điện. Việc chiếu trái phép trên Internet cũng như tại các rạp là một vấn đề chúng tôi phải đối mặt trên khắp thế giới. Vì thế, Miến Điện không phải là ngoại lệ’.

20th Century Fox gần đây đã xâm nhập vào một số thị trường mới nổi như Việt Nam, Campuchia, và Papua New Guinea. Hãng này nói rằng những cải cách chính trị diễn ra gần đây ở Miến Điện là lý do hãng quyết định cho phép chiếu phim của hãng tại đây.

Ông Kimatrai cho biết việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt gần đây cho thấy rằng đây là một thời điểm tốt để tận dụng những thay đổi tại Miến Điện.

Vé xem bộ phim ‘Titanic’ sẽ được bán với giá 3.000 kyat, khoảng 3.50 đôla Mỹ, tức là gấp 6 lần so với mức giá thông thường, nhưng ông Kimatrai nói ông tin rằng người dân sẵn sàng trả tiền để xem các bộ phim chất lượng cao.

Công ty Mingalar gần đây cũng đã đầu tư tới 300 nghìn đôla vào các thiết bị chiếu phim kỹ thuật số hiện đại, nên ông Kimatrai cho rằng điều đó giúp việc kiểm soát bản quyền dễ dàng hơn.

Hiện đại hóa các thiết bị chiếu phim cũ kỹ trong các rạp chiếu phim ở Miến Điện cũng sẽ có tác động quan trọng đối với ngành công nghiệp phim ảnh của nước này.

Ông William Bowling thuộc Mạng lưới Ủy ban Phim ảnh châu Á nói rằng Miến Điện từng có ngành công nghiệp phim ảnh sôi động trong khu vực, nhưng các đoàn làm phim địa phương hiện bị tụt hậu về mặt công nghệ.

Trong quá khứ, Miến Điện từng sản xuất hơn 100 bộ phim mỗi năm. Hiện nay, ngân sách trung bình cho một bộ phim ở nước này là khoảng 100 nghìn đôla và được hoàn thành trong vòng một vài tuần hoặc thậm chí vài ngày. Ông Bowling nói rằng chất lượng của những bộ phim đang được cải thiện, mà bằng chứng là dự án được nhiều người chờ đợi và đang được tiến hành, là một bộ phim tiểu sử về Tướng Aung San.

Ở trung tâm thành phố Rangoon, vẫn còn các rạp chiếu phim xây từ những năm 1920. Nhưng Philip Jablon, người từng viết blog về ngành điện ảnh ở Đông Nam Á, cho rằng sự tồn tại của những rạp chiếu phim đó đang bị các hệ thống rạp chiếu phim hiện đại trong các trung tâm mua sắm mới của Miến Điện đe dọa.

‘Chúng ta đang đánh mất đi văn hóa đường phố. Trong suốt thế kỷ 20, đó là cách người dân sử dụng thời gian rảnh rỗi của họ. Chúng (các rạp chiếu phim) nằm tại các đường phố trong cộng đồng nên người dân có cơ hội tới xem, chứ không như Bangkok, nơi hiện bị chi phối bởi các hệ thống rạp trong các trung tâm mua sắm’.

Ông Jablon nói rằng trong thời kỳ hoàng kim, các rạp chiếu phim ở trung tâm thành phố Rangoon có đẳng cấp thế giới, và chiếu các bộ phim quốc tế từ khắp nơi trên thế giới cũng như các buổi biểu diễn trực tiếp. Hiện có các kế hoạch đập bỏ phần lớn những rạp chiếu phim kiểu này.

Bộ phim ‘Titanic’ chưa từng được công chiếu ở Miến Điện, vì nước này từng cấm chiếu các bộ phim nước ngoài, khi phim về câu chuyện tình trên chiếc tàu yểu mệnh, do hai diễn viên Leonardo DiCaprio và Kate Winslet thủ vai chính, phát hành lần đầu tiên năm 1997.

Miến Điện từng nằm dưới sự cai trị của phe quân nhân, nhưng sau các cuộc bầu cử năm 2010, quyền lực đã được chuyển giao cho các giới chức được bầu lên một cách dân chủ, dù nhiều người vẫn có quan hệ với giới quân nhân.

Phiên bản 3D của bộ phim ‘Titanic’ được phát hành hồi tháng Tư và đã thu về 287 triệu đôla, trong đó hơn một nửa là từ Trung Quốc, nước láng giềng của Miến Điện.

(Nguồn: The Hollywood Reporter, Film Business Asia, VOA, Los Angeles Times, Deadline, 20th Century Fox, Reuters)

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG