Đường dẫn truy cập

Tiệm ăn Bắc Kinh cho gỡ bảng kỳ thị khách Việt


Bức ảnh do bà Rose Tang, một người Mỹ gốc Hoa chụp hôm 22/2 nhân dịp ghé thăm Bắc Kinh, được đăng lên trang Facebook cá nhân
Bức ảnh do bà Rose Tang, một người Mỹ gốc Hoa chụp hôm 22/2 nhân dịp ghé thăm Bắc Kinh, được đăng lên trang Facebook cá nhân
please wait

No media source currently available

0:00 0:04:13 0:00
Tải xuống

Bản chất của người Trung Quốc từ trước tới nay họ vẫn thế. Làm việc với người Trung Quốc nhiều và đi nhiều nơi ở Trung Quốc, tôi đã từng gặp rất nhiều lần chứ không riêng vụ việc của người chủ quán kia.

Chủ nhà hàng thức ăn nhanh Beijing Snacks ở Bắc Kinh ngày 28/2 gỡ bỏ tấm bảng trước cửa tiệm kỳ thị khách Việt sau khi gặp phải sự phẫn nộ và phản đối mạnh mẽ từ công luận quốc tế.

Tấm bảng bằng hai thứ tiếng Anh và Hoa ngữ ghi rằng “Nhà hàng không tiếp khách người Việt, Nhật, Philippines, và chó” đã khiến mọi người bất bình về hành động xúc phạm của người chủ quán, nói riêng, và chủ nghĩa dân tộc cực đoan được chính quyền Trung Quốc dung dưỡng, nói chung.

Hình ảnh của tấm bảng này do một người Mỹ gốc Hoa đưa lên Facebook được cộng đồng mạng lan truyền nhanh chóng với vô số lời bình luận căm phẫn và phản đối Trung Quốc, đặc biệt từ các cư dân mạng Việt Nam và Philippines.

Tuy nhiên, chủ quán họ Vương của nhà hàng Bắc Kinh nói ông không hề hối hận về việc làm của mình và nhất mực không xin lỗi về sự xúc phạm đã gây ra. Ông cho biết ông ngạc nhiên khi thấy tấm bảng ấy lại gây chú ý công luận đến mức như vậy.

Hãng thông tấn AFP dẫn lời chủ tiệm cho biết sở dĩ ông phải bỏ tấm bảng xuống là vì những phiền toái do các cú điện thoại dồn dập chất vấn về việc này.

Ông Vương nói có lẽ mọi người đã hiểu lầm khi cho rằng ông so sánh, miệt thị khách Việt, Philippines, và Nhật ngang hàng với chó.

Vẫn theo lời chủ tiệm, thật ra nhà hàng của ông chỉ không muốn tiếp các khách hàng từ ba nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Việc tấm bảng gây tranh cãi này được tháo bỏ trước áp lực của công luận có làm cho người Việt nguôi giận hay chăng? Một bạn trẻ tên Linh tại Sài Gòn cho rằng:

“Người Việt Nam không nguôi giận đâu vì trong lịch sử hàng ngàn năm qua và nhất là trong thời điểm gần đây, người Việt rất ghét Trung Quốc. Họ nghe việc này họ chửi thêm thôi, chứ không có nguôi giận đâu.”

Anh Trọng Thắng, một cư dân Hà Nội thường xuyên làm việc và qua lại Trung Quốc, thông thạo ngôn ngữ cũng như am hiểu văn hóa của nước láng giềng phương Bắc, cho biết:

“Bản chất của người Trung Quốc từ trước tới nay họ vẫn thế. Làm việc với người Trung Quốc nhiều và đi nhiều nơi ở Trung Quốc, tôi đã từng gặp rất nhiều lần chứ không riêng vụ việc của người chủ quán kia. Tôi đi rất nhiều nơi kể cả Tây An, Hàn Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải. Những nơi văn hóa người dân càng kém thì quan điểm và cách thể hiện của người ta càng thô bỉ, càng bần tiện, tức sự ảnh hưởng và nhồi sọ của nhà nước đối với họ càng lớn. Chẳng hạn những người bán hàng ở Tây An, khi nghe mình là người Việt Nam thì lập tức họ quay ra họ chửi. Đầu tiên là chửi xéo, sau đó là chửi thẳng khi mình không mua. Họ bảo đại loại kiểu ‘Ngày trước chúng tao đã giúp đỡ chúng mày, nhưng sau đó chúng mày lại quay lại bắn chúng tao’. Hay chẳng hạn những người ở các vùng như Hàn Châu, khi nghe thấy mình là người Việt Nam, có nhiều người họ nhổ nước bọt. Ở các kênh truyền thông Trung Quốc, không một ngày nào, giờ nào không nói đến Hoàng Sa-Trường Sa. Đấy là cách tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc. Tôi cho rằng việc chủ quán tiệm ăn Bắc Kinh có gỡ bảng xuống hay chăng không quan trọng lắm, vì trên thực tế, trong lòng người ta vẫn là như thế.”

Anh Thắng cho rằng dù bất bình trước những thái độ hay hành động khiêu khích, xúc phạm từ Trung Quốc, nhưng người Việt nên tự chế và khôn khéo hành xử để bảo vệ tinh thần dân tộc và chủ quyền dân tộc của mình với vị thế là nước nhỏ bên cạnh Trung Quốc, chịu nhiều ảnh hưởng từ quốc gia “cộng sản anh em” khổng lồ này:

“Đại bộ phận người Hán vẫn có tư tưởng bành trướng, tư tưởng nước lớn. Đấy là tư tưởng bành trướng đại Hán. Việc đó mình phải chấp nhận. Trung Quốc từ trước đến nay người ta đều thế cả. Mình biết cách để cư xử sao cho khéo vì mình ở cạnh người ta, mình bắt buộc phải làm việc và chung sống hòa bình với họ. Mình phải lựa chọn cách hành xử thế nào cho khéo nhất. Đối với những người đấy, mình biết cách thể hiện của họ hơi thô bỉ, nhưng bản chất văn hóa người ta thế rồi thì mình vẫn phải tìm cách thôi.”

Tấm bảng gây tranh cãi của tiệm ăn Bắc Kinh khiến người ta nhớ lại thời kỳ trước đây khi Trung Quốc bị phương Tây đô hộ. Lúc bấy giờ, các ông chủ người Anh treo bảng cấm cửa người Trung Quốc và chó.

VOA Express

XS
SM
MD
LG