Đường dẫn truy cập

LHQ: Con số thuyền nhân Miến Điện, Bangladesh gia tăng


Từ tháng 6 năm 2013 đến tháng 6 năm 2014 hơn 53.000 người đã tháo chạy bằng đường biển từ vùng biên giới Bangladesh-Miến Điện.
Từ tháng 6 năm 2013 đến tháng 6 năm 2014 hơn 53.000 người đã tháo chạy bằng đường biển từ vùng biên giới Bangladesh-Miến Điện.

Một bản phúc trình mới của Liên hiệp quốc cho biết số thuyền nhân Miến Điện và Bangladesh đã tăng mạnh trong năm qua. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA ở Bangkok, các nhà hoạt động e rằng số thuyền nhân có thể sẽ tăng vọt, đặc biệt là những người sắc tộc Rohingya muốn thoát khỏi sự bách hại và điều kiện sinh hoạt tồi tệ tại những trại tị nạn ở Miến Điện.

Phúc trình của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 2013 đến tháng 6 năm 2014 hơn 53.000 người đã tháo chạy bằng đường biển từ vùng biên giới Bangladesh-Miến Điện, tăng 60% so với năm trước. Trong 6 tháng đầu năm nay hơn 20.000 thuyền nhân đã chạy tới vùng biên giới Thái Lan-Malaysia hoặc tới Indonesia và Australia.

Bà Chris Lewa là một nhà tranh đấu nhân quyền và là một nhà nghiên cứu về người sắc tộc Rohingya ở tiểu bang Arakine ở miền tây Miến Điện. Bà cho biết có nhiều người đang sẵn sàng liều mình để vượt biên bằng đường biển.

"Tình hình rất đáng lo ngại và sẽ không chấm dứt. Từ ngày 10 tháng 8 chúng tôi lại thấy có nhiều chiếc tàu ra khơi và làn sóng vượt biên có lẽ sẽ lại gia tăng khi mùa đi biển bắt đầu."

Bản phúc trình của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc cho biết hơn 200 người đã bỏ mình trên biển và hơn 7.000 thuyền nhân đang bị giam tại các trung tâm tạm giam trên khắp khu vực. Bên cạnh 20.000 thuyền nhân người Bangladesh và Miến Điện, có hàng trăm người tìm cách tới Australia.

Australia đã áp dụng các chính sách nhằm ngăn không cho tàu của thuyền nhân cập bến nước họ, trong đó có việc ngăn chận các chiếc tàu trên hải phận quốc tế và giam giữ những người xin tị nạn tại các trung tâm ở đảo quốc Nauru.

Trong số những người vượt biên có nhiều người là người sắc tộc Rohingya ở Miến Điện, nơi họ đối mặt với bạo động và kỳ thị. Năm 2012, bạo động giữa người Rohingya theo đạo Hồi và người Miến Điện theo đạo Phật đã gây tử vong cho 280 người và buộc hơn 140.000 người, hầu hết là người Rohingya, phải đến các trại tạm cư.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về nhân quyền ở Miến Điện, bà Yanghee Lee, mô tả điều kiện sinh hoạt ở các trại tạm cư đó là “rất đáng bị lên án.”

Nhà tranh đấu Chris Lewa nói rằng những người tị nạn thường bị những tay đưa lậu người đánh đập và bỏ đói, trong khi các chính phủ trong khu vực đã không có sự ứng phó thỏa đáng đối với vụ khủng hoảng này.

"Đương nhiên, một trong các vấn đề ở đây là không có sự ứng phó khu vực đối với vấn đề này và có rất ít sự bảo vệ cho người tị nạn, như quí vị thấy tình cảnh của hầu hết những người này ở Malaysia và tình cảnh của những người bị bắt ở Thái Lan. Vào lúc này vẫn còn một số người bị giam ở Thái Lan và có lẽ sẽ có thêm nhiều người nữa trong những tuần lễ và những tháng sắp tới."

Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc cho biết họ đang giúp đỡ cho người tị nạn ở Thái Lan và Malaysia, kể cả giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG