Đường dẫn truy cập

Thứ trưởng Mỹ Sherman nêu vấn đề nhân quyền với phái đoàn Việt Nam


Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc. Photo: state.gov, VNA.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc. Photo: state.gov, VNA.

Bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 12/5 nêu vấn đề nhân quyền với Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc, hối thúc Hà Nội tuân thủ các cam kết quốc tế về quyền con người.

Nhân quyền, từ lâu đã là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và hai bên thường có các phát biểu bất đồng do tồn tại các khác biệt, dù đã qua hơn 25 lượt đối thoại thường niên về nhân quyền.

Thứ trưởng Ngoại giao Sherman đã nêu lên vấn đề nhân quyền và “tầm quan trọng của việc Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết vào tối ngày 12/5, giờ miền đông Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu vấn đề nhân quyền với Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, người đang tháp tùng Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến công du tại thủ đô Washington tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN từ ngày 12-13/5.

Dự kiến vào sáng ngày 13/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Không rõ liệu ông Blinken sẽ đề cập vấn đề nhân quyền với ông Chính hay không.

Giới tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam tin rằng chính phủ Hoa Kỳ luôn đặt vấn đề nhân quyền là một trong những ưu tiên trong quan hệ đối ngoại với Việt Nam, với việc Washington liên tục thúc ép Hà Nội thả tù nhân chính trị.

Từ Đức, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nói với VOA rằng việc Hà Nội vừa phóng thích tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa, cho phép ông và cựu tù nhân Trần Thị Thúy đi tị nạn ngay trong chuyến công du Mỹ của phái đoàn ông Chính cho thấy sự “mặc cả ngầm” luôn tiếp diễn giữa hai quốc gia cựu thù, và rằng phía Mỹ dường như chưa hài lòng với con số tù nhân được phóng thích quá ít từ phía Việt Nam.

Ông Đài nói:

“Trong hai năm qua, Hoa Kỳ liên tục vận động để các tù nhân lương tâm được trả tự do trong nước hoặc được đi tị nạn chính trị ở nước ngoài, nhưng phía Việt Nam hoàn toàn từ chối.

“Cho đến khi ông Phạm Minh Chính có chuyến đi sang Hoa Kỳ thì phía Việt Nam mới trả tự do cho tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa và cho cựu tù nhân Trần Thị Thúy đi tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ.

“Đây là một động thái sau nhiều nỗ lực từ phía Mỹ mà theo tôi là chưa đáp ứng được mong muốn từ phía Hoa Kỳ”.

“Đây là một sự mặc cả đi lại giữa hai bên. Vấn đề này còn tùy thuộc vào sự cứng rắn của phía Hoa Kỳ.”

Luật sư Đài kỳ vọng rằng phía Hoa Kỳ nên dứt khoát trong vấn đề “mặc cả” này và đặt gắn điều kiện nhân quyền, trả tự do cho tù nhân lương tâm với các vấn đề khác như viện trợ phát triển, hỗ trợ kinh tế, viện trợ nhân đạo, thương mại song phương...

Trong khi phái đoàn của Thủ tướng Chính gặp gỡ chính giới và tham gia các hoạt động khác nhau trong suốt chuyến công du kéo dài 7 ngày tại Hoa Kỳ, cộng đồng người gốc Việt tại khu vực thủ đô Washington DC và San Francisco ở bang California dự kiến tổ chức các buổi tình kêu gọi Hà Nội tôn trọng nhân quyền, phóng thích tù nhân lương tâm.

Hàng năm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam, theo đó cho rằng chính quyền Việt Nam bắt bớ tùy tiện những người lên tiếng ôn hòa bảo vệ nhân quyền, vi phạm quyền tự do phát biểu, tự do báo chí.

Bộ ngoại giao Việt Nam thường lên tiếng phản bác các báo cáo này, cho rằng nhận định của phía Mỹ là “không khách quan”, “không phản ánh tình hình thực tế tại Việt Nam”.

Phía Việt Nam nói việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, nói thêm rằng “Việt Nam không chỉ coi bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin là những nghĩa vụ theo các Điều ước quốc tế về quyền con người mà thực chất xuất phát từ chính lợi ích mang lại cho phát triển đất nước”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG