Đường dẫn truy cập

Thủ Tướng Úc đến Lào dự Hội Nghị Á-Âu


Thủ tướng Úc Julia Gillard tham có mặt tại hội nghị ASEM ngày thứ hai tại Vientiane, Lào, 6/11/2012.
Thủ tướng Úc Julia Gillard tham có mặt tại hội nghị ASEM ngày thứ hai tại Vientiane, Lào, 6/11/2012.
Thủ Tướng Australia, Bà Julia Gillard đã đến thành phố Vientiane chiều hôm Chủ Nhật để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Á-Âu gọi tắt là ASEM [Asia-Europe Meeting] và công du nước Lào từ thứ Hai đến Thứ Tư tuần này. Sau đó, bà Gillard sẽ ghé lại Bali trên đường trở về Australia, để cùng chủ tọa với Tổng Thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cuộc hội thảo về tiến trình dân chủ hóa tại vùng Đông Nam Á. Australia được mời tham dự Hội Nghị Asem từ năm 2010.

Đây là cơ hội đầu tiên mà Thủ tướng Julia Gillard có dịp gặp gỡ các lãnh tụ tại Châu Á – đặc biệt là tại Đông Nam Á bao gồm các quốc gia trong tổ chức ASEAN, sau khi Bà Gillard công bố Bạch Thư về “Nước Úc trong Thế Kỷ Châu Á” (Australia in The Asian Century”) tại Sydney ngày 28 tháng 10 vừa qua.

Ngoài cuộc hội kiến với Thủ tướng Lào trong vai chủ nhà, bà Gillard còn dự trù thảo luận tay đôi với tân Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng Thống Miến Điện Thein Sein. Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc và Tổng Thống Philippines Benigno Aquino cũng sẽ có mặt tham dự. Và Tổng Thống Philippines vừa công du Australia tuần trước, có lẽ sẽ nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông tại Hội Nghị Asem này. Đây cũng là một thử thách cho bà Julia Gillard.

Thủ tướng Gillard (bên phải)
Thủ tướng Gillard (bên phải)
Quyển Sách Trắng “Nước Úc Trong Thế Kỷ Châu Á” bao gồm 25 kỳ vọng, hoài bão mà Australia muốn theo đuổi trong 13 năm sắp tới, để tận dụng sự trỗi dậy về phương diện kinh tế của Vùng Châu Á trong Thế kỷ thứ 21. Tuy nhiên, tài liệu dài 312 trang nầy – do một Ban Chuyên Viên Kinh Tế và An Ninh soạn thảo, nhưng được Thủ tướng Julia Gillard chấp nhận và phổ biến như là chính sách của Chính phủ Lao Động Australia, chưa tạo được phản ứng gì thuận lợi tại Úc cũng như bên ngoài Úc Châu.

Cũng như trước đây vào năm 2009, khi Thủ tướng Kevin Rudd lúc bấy giờ phổ biến đề nghị của Australia về một tổ chức Cộng Đồng Châu Á Thái Bình Dương (Asian-Pacific Community – APC) – mô phỏng theo Cộng Đồng Liên Âu – ít ai trên diễn đàn quốc tế lên tiếng ủng hộ. Trái lại, bên trong hậu trường, nhiều chính trị gia trong khu vực đã chỉ trích nước Úc vì Ông Kevin Rudd đã không tham khảo ý kiến trước khi phổ biến đề nghị.

Tuy rằng Bạch Thư ‘Nước Úc Trong Thế Kỷ Châu Á’ chỉ thảo luận về sự phát triển nhanh chóng của Châu Á về phương diện kinh tế kéo theo sự trỗi dậy về mặt quân sự – đặc biệt là của Trung Quốc và Ấn Độ – Bạch Thư lại thiếu vắng một nghiên cứu nghiêm túc về vai trò của Hoa Kỳ và tương quan giữa Washington và Bắc Kinh, mà giới quan sát coi là tất yếu cho tương lai Châu Á.

Cho đến nay, dường như chỉ có Indonesia là có phản ứng tích cực và công khai về Bạch Thư này. Tại Jakarta, Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Ngoại Giao Quốc Hội, ông T.B. Hasanuddin nói rằng mặc dù nước Úc khác biệt về mặt văn hóa, nhưng nước Úc là một láng giềng về mặt địa-chính-trị, nên nước Úc không thể tách rời khỏi Châu Á, Asean hoặc Indonesia.

Nước Úc không thể tách rời khỏi Khối ASEAN về phương diện địa-chính-trị, nhưng Bạch Thư này lại không nói gì đến Asean mà chỉ chú tâm đến 5 quốc gia. Đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc. Và 4 ngôn ngữ Châu Á: đó là tiếng Quan Thoại của Trung Quốc, Tiếng Hindi của Ấn Độ, tiếng Nhật và tiếng Bahasha Indonesia.

Chúng ta phải mở rộng bề mặt và bề sâu, đa-dạng-hóa quan hệ giữa nước Úc và tất cả các quốc gia trong tổ chức ASEAN
Nữ Dân Biểu Julie Bishop, phát ngôn viên về ngoại giao của Liên Đảng Đối Lập tại Úc, nhận xét:

"Chính phủ Lao Động chỉ chú tâm đến 5 nước Châu Á trong Bạch Thư. Chúng tôi tin rằng Nước Úc là một nền kinh tế mở (open economy) nên nước Úc phải tìm cách giao thương với toàn thể Châu Á. Chúng ta phải mở rộng bề mặt và bề sâu, đa-dạng-hóa quan hệ giữa nước Úc và tất cả các quốc gia trong tổ chức ASEAN và Châu Á hiện là thân hữu và đối tác của Úc. Vì vậy, chúng ta không nên chỉ quan tâm đến 5 nước thôi mà phải phát triển bang giao song phương với tất cả các nước, kể cả các nước Asean. Singapore chẳng hạn, không được coi là một quốc gia ưu tiên trong Bạch Thư và tôi nghĩ điều đó mang tính xúc phạm một cách không cần thiết.”

Việt Nam cũng không được nhắc đến, ngoài một vài đoạn miêu tả cải thiện y tế và nông thôn về mặt nước sạch (clean water) – mặc dù chính phủ Lao Động Gillard đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm bang giao với Hà Nội vào đầu năm 2013 với chuyến công du Australia của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang.

Có lẽ nhìn thấy sự thiếu sót nầy nên Ngoại trưởng Bob Carr nhấn mạnh đến các cuộc thảo luận với lãnh đạo các nước Asean gần đây. Ông nói:

"Nếu chúng ta nhìn bang giao Úc-Hàn, Úc-Nhật, thì hầu như là điều tự nhiên là chúng ta tham khảo ý kiến với nhau và đồng nhịp với nhau cùng một nghị trình và đồng ý với nhau về phương hướng sinh hoạt. Ngoại trưởng Miến Điện đã nói với tôi một cách thản nhiên là Miến Điện coi Úc là người Châu Á. Tôi thường xuyên tham khảo với Jakarta - nơi chúng ta có đại sứ quán đông nhất - và gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore đã đến và chúng tôi đã có phương cách chung đối với các vấn đề như cuộc tranh chấp Biển Đông và nền ngoại giao chúng ta được điều chỉnh một cách thoải mái.”

Chúng tôi không bao giờ nói đây là một ngân sách mà chỉ nói đây là một lộ trình, một kế hoạch
.
Một trong những khuyết điểm của Bạch Thư là chính phủ Gillard đã không ghi rõ ngân sách cần thiết để theo đuổi các hoài bão. Ngoại trưởng Bob Carr bào chữa:

"Đây không phải là một văn bản ngân sách. Ngân sách phải có ngân khoản dự chi. Chúng tôi không bao giờ nói đây là một ngân sách mà chỉ nói đây là một lộ trình, một kế hoạch. Theo tôi, công chúng Úc muốn biết chính phủ có một kế hoạch để đối phó với sự thay đổi nhanh chóng – và đây là kế hoạch mà chính phủ muốn theo đuổi."

Về phần Liên Đảng Đối Lập, bà Julie Bishop tin rằng Úc và công chúng Úc hiểu rõ tầm quan trọng của Châu Á và sự chuyển dịch trọng tâm kinh tế từ Châu Âu sang vùng Châu Á Thái Bình Dương:

"Tôi tin sự quan trọng của Châu Á được hiểu rõ tại Úc. Tôi cũng tin rằng công chúng Úc hiểu rõ sự thay đổi sức mạnh kinh tế từ Châu Âu sang Châu Á. Người Úc thường xuyên thăm viếng Châu Á và nước Úc tiếp nhận rất nhiều du khách từ Châu Á, tất nhiên, giới thương gia Úc vẫn thường xuyên giao thương với Châu Á từ nhiều thập niên qua.”

Theo bà Julie Bishop, nếu thắng cử và nắm chính quyền trong năm 2013, chính phủ Liên Đảng sẽ áp dụng sáng kiến mới mà Bà Bishop gọi là “Chương trình Colombo hai chiều”. Chính phủ Liên Đảng đã có sáng kiến thiết lập Chương trình Học Bổng Colombo hồi đầu thập niên 1950 và 40 ngàn sinh viên ưu tú từ các quốc gia Đông Nam Á – kể cả hàng ngàn sinh viên ưu tú từ Việt Nam Cộng Hòa – đã được huấn luyện tại các viện đại học Úc Châu.

Ngày nay, không những Úc sẽ tiếp nhận sinh viên ưu tú từ Đông Nam Á, mà sẽ khuyến khích sinh viên Úc theo học tại các viện đại học ở Đông Nam Á và Châu Á để mở rộng kiến thức về Châu Á – một yếu tố cần thiết cho sự hội nhập của nước Úc vào Thế kỷ Châu Á.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG