Đường dẫn truy cập

Thủ tướng đề nghị giới khoa học nghiên cứu, tư vấn thiết thực


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 27/12 đã “đặt hàng” với giới khoa học về “các giải pháp sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý” và “nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành, lĩnh vực then chốt của quốc gia”.

Báo chí Việt Nam cho biết những đề nghị của thủ tướng Phúc được đưa ra khi ông dự một hội nghị của Viện Hàn lâm khoa học xã hội (VASS) và Viện Hàn lâm khoa học công nghệ (VAST).

Nạn khai thác khoáng sản tràn lan, mất kiểm soát ở nhiều nơi trên khắp cả nước đã được báo chí trong nước đưa tin nhiều trong những năm gần đây. Thủ tướng Phúc muốn hai viện hàn lâm đề xuất các giải pháp sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, nhằm nâng cao giá trị và giảm lãng phí đất đai và tài nguyên.

Về việc “nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành, lĩnh vực then chốt của quốc gia”, ông Phúc nhấn mạnh đến “nông nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, sản xuất các dược liệu thế hệ mới, và công nghệ nano”.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phúc nhấn mạnh “sứ mệnh của các nhà khoa học trước hết là làm sao không để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam thua kém trên sân nhà”. Theo ông, hiện doanh nghiệp Việt Nam đang phải chi trả những khoản lớn cho các đơn vị sản xuất, tư vấn của nước ngoài, vì có những vấn đề trong nước không giải quyết được.

Theo VNExpress, “vấn đề nằm ở chỗ nhiều nhà khoa học mải nghiên cứu cao siêu mà không để ý các nhu cầu ứng dụng thực tế, nên chưa thể thành địa chỉ tư vấn tin cậy cho doanh nghiệp”.

Tiến sĩ Vương Quân Hoàng, một giảng viên tại Viện Quản trị Kinh doanh, Đại học FPT, nói với VOA rằng nghiên cứu khoa học chưa có sự kết nối tốt với đời sống ở Việt Nam vì các yếu tố: thiếu tin tưởng giữa các doanh nghiệp và giới nghiên cứu, không có thị trường đủ mạnh cho các sản phẩm khoa học-công nghệ, và sự sính ngoại. Ông cho rằng sẽ cần đến nhiều năm để Việt Nam thay đổi điều này:

“Nó cần một khoảng thời gian phát triển, sống thật trong kinh tế thị trường để sao cho những con người trong đấy họ tối ưu hóa hành vi của họ, họ hiểu rất rõ những nguyên lý của kinh tế thị trường không phải bằng lời. Cái đấy tôi không nghĩ 10, 15 năm mà hình thành được. Ở trong khoa học-công nghệ, tôi nghĩ là cũng phải có những quy luật của thị trường từ từ nó tác động để điều chỉnh hành vi”.

Thủ tướng Phúc cho biết hôm 27/12 rằng dự toán ngân sách 2017 dành cho VAST là 1.661 tỷ đồng, còn dành cho VASS là 615 tỷ đồng để thực hiện nghiên cứu và các hoạt động khác. Các con số này tương đương gần 99 triệu đôla Mỹ.

Tiến sĩ Hoàng nói con số này vẫn còn nhỏ so với mức cần thiết cho các nghiên cứu:

“Báo có nói con số 1700 tỷ đồng đầu tư cho khoa học. Số lượng đầu tư cho khoa học rất là khiêm tốn. Không bằng một phần rất nhỏ ngân sách hoạt động của trường đại học Harvard một năm. Đừng quá nghĩ rằng đó là cái gì ghê gớm, trong khi phải thấy một sự thật là mình tiêu tốn cũng kinh khủng, những con đường, những con đê, những công trình, những cầu cống. Nói chung rất nhiều thứ mình tiêu cũng rất kinh khủng”.

Ông Hoàng cũng cho rằng cần phải có cơ chế để loại bỏ việc có những người xưng danh làm khoa học để tiêu tiền ngân sách song không đi đến kết quả có ích nào.

VOA Express

XS
SM
MD
LG