Đường dẫn truy cập

Ký thư kêu gọi TT Trump lưu ý 'mối đe dọa Trung Quốc'


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu ở Singapore vào ngày 12/6/2018.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu ở Singapore vào ngày 12/6/2018.

Người Việt ở trong nước và ở hải ngoại đang tham gia ký tên vào bức thư do Quỹ Nghiên cứu Biển Đông và Nhóm Biển Đông tại Pháp soạn thảo để gửi cho Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhân dịp thượng đỉnh Trump-Kim sắp tới ở Hà Nội.

Lá thư kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ chú ý đến “mối đe dọa Trung Quốc” mà người Việt, Philippines và các nước trong khu vực đang đối mặt trên Biển Đông, đồng thời đề nghị ông Trump yêu cầu Trung Quốc “tôn trọng quyền tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế” bằng cách chấp nhận đệ trình vụ tranh chấp quyền kiểm soát đảo Hoàng Sa ra phân xử bởi một bên thứ ba độc lập là Tòa Trọng tài Quốc tế.

Tổng thống Donald Trump sẽ họp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại hội nghị thượng đỉnh Trum-Kim lần thứ 2 diễn ra ở Hà Nội từ ngày 27-28/2. Hai bên dự kiến sẽ tiếp tục bàn thảo về mục tiêu và lộ trình dẫn đến giải trừ hoàn toàn hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, sau khi cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore vào năm ngoái bị đánh giá là không mang lại hiệu quả như mong muốn của các bên.

Theo nhận định của các nhà phân tích, việc Việt Nam được chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh cũng mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, từ việc “nâng cao” hình ảnh quốc gia cho đến các lợi thế về mặt đối ngoại và quan hệ quốc tế.

Chính vì vậy, TS. Lê Trung Tĩnh, thành viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông và Nhóm Biển Đông, nói với VOA rằng đây là một cơ hội rất tốt để người dân Việt Nam nói lên tiếng nói của mình, trong bối cảnh cả thế giới đang dồn mắt về Việt Nam để theo dõi sự kiện quan trọng này.

“Tổng thống Trump là tổng thống của một siêu cường trên thế giới, là nước gần như là duy nhất hiện giờ có đủ tiềm lực và ý chí để ngăn chặn sự bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như trong khu vực. Dịp ông ấy đến Việt Nam là một dịp rất tốt để người dân Việt Nam, trong một chừng mực nào đó, nói lên tiếng nói của mình. Tiếng nói đó càng hợp lý, ôn hòa, duy lý và càng nhiều người nói, thì khả năng ông ấy lắng nghe càng cao để có những phản ứng, hành động có lợi cho Việt Nam, cho khu vực và thế giới”, TS. Lê Trung Tĩnh cho biết thêm về lý do ra đời của lá thư.

Trong thư cũng kể lại những lần Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam như ở Hoàng Sa năm 1974, cuộc chiến biên giới 1979, ở Trường Sa năm 1988 và các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông “với hy vọng chúng sẽ là bối cảnh cho thấy sự cần thiết phải chuẩn bị đối phó các mối đe dọa hòa bình”, và đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải và luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

“Việc làm của ngài sẽ giúp cải thiện hòa bình trong khu vực và thế giới. Chúng tôi cảm ơn ngài và Hoa Kỳ về những hoạt động cho quyền tự do hàng hải trong những năm gần đây. Chúng tôi hoan nghênh sự hiện diện hùng mạnh hơn của Hoa Kỳ và các đồng minh ở Biển Đông, và hy vọng rằng các hoạt động này sẽ diễn ra với sự phối hợp nhiều hơn với Việt Nam và các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi các yêu sách hàng hải quá mức của Trung Quốc”, lá thư viết.

Tính đến tối 15/2, một ngày sau khi lá thư được công bố, đã có hơn 600 người Việt Nam trên khắp thế giới ký tên vào lá thư.

VOA Express

XS
SM
MD
LG