Đường dẫn truy cập

Thủ đô Hà Nội lại ngập rác vì lúng túng trong công tác xử lý


Người dân địa phương chặn xe rác đi vào bãi rác Nam Sơn ở Sóc Sơn, Hà Nội, 26/10/2020
Người dân địa phương chặn xe rác đi vào bãi rác Nam Sơn ở Sóc Sơn, Hà Nội, 26/10/2020

Đường phố nội thành ở thủ đô của Việt Nam ngập trong khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt, sau 3 ngày người dân ở huyện ngoại thành Sóc Sơn ngăn chặn xe rác đi vào bãi rác Nam Sơn, nhiều báo bao gồm cả Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động và VNExpress đưa tin hôm 26/10.

Đây là lần thứ hai trong năm 2020 và là lần thứ 15 trong gần 20 năm bãi rác Nam Sơn hoạt động, người dân địa phương chặn xe chở rác, các báo cho hay.

Theo tường thuật của báo chí trong nước, người dân trong bán kính vài trăm mét gần bãi rác - đã và đang chịu ảnh hưởng tồi tệ trong nhiều năm - lẽ ra phải được chính quyền hỗ trợ, bồi thường để di dời, nhưng cho dù trước đây họ nêu kiến nghị về những nội dung này không ít lần, chính quyền vẫn giải quyết rất chậm chạp.

Một trong những người dân chặn xe chở rác, ông Nguyễn Văn Tuấn, 63 tuổi, được Thanh Niên trích lời nói rằng đến nay người dân quanh bãi rác “chỉ mong được giải thoát mà các cấp chính quyền mãi chưa giải quyết cho đi”.

“Ở góc độ nào đó, chúng tôi cảm thấy có sự tàn nhẫn của cơ quan chức năng với người dân ở gần bãi rác Nam Sơn”, ông Tuấn thuộc thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn nói với Thanh Niên.

Vào chiều tối 25/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ họp với các sở, ngành liên quan về vụ việc, báo chí trong nước cho biết.

Bí thư Vương Đình Huệ được Tuổi Trẻ dẫn lời nói rằng cấp chính quyền thành phố và các sở, ngành liên quan chưa làm tròn trách nhiệm với người dân Nam Sơn khi chưa giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị họ.

Nếu chúng ta cứ chôn rác và người dân quanh bãi chôn rác cứ tiếp tục phản đối, thì chúng ta sẽ không bao giờ có lời giải cả.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID


Về vấn đề giải phóng mặt bằng và tiền đền bù, theo tường thuật của các báo, cuộc họp của ông Vương Đình Huệ chưa đi đến giải pháp cụ thể, song bí thư thành ủy của Hà Nội đề nghị cấp dưới “rà soát kỹ để trả lời cho người dân trên tinh thần giải quyết hết mức vì lợi ích của người dân trong khuôn khổ pháp luật và quy định của thành phố, vận dụng được cái gì có lợi nhất cho dân thì vận dụng”.

Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm Sáng tạo Phát triển xanh (GreenID), nói với VOA rằng tình trạng thỉnh thoảng Hà Nội lại ngập trong rác có nguyên nhân sâu xa là nhu cầu dân sinh gia tăng trong khi cách thức quản lý lại không phù hợp.

Theo tìm hiểu của VOA, hiện nay, mỗi ngày Hà Nội tạo ra khoảng 6.500 tấn rác thải sinh hoạt. Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn giải quyết được khoảng 5.000 - 5.300 tấn/ngày đêm, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn ở thị xã Sơn Tây giải quyết được khoảng 1.200 - 1.300 tấn/ngày đêm.

Hà Nội nhiều lần chịu cảnh ngập rác vì Bãi rác Nam Sơn bị người dân chặn đường
Hà Nội nhiều lần chịu cảnh ngập rác vì Bãi rác Nam Sơn bị người dân chặn đường

Chuyên gia Ngụy Thị Khanh cho rằng việc chỉ có hai khu xử lý là một phần của vấn đề. Bên cạnh đó, theo bà Khanh, cần chú ý đến việc phải phân loại để giảm lượng rác đem chôn lấp ở các khu xử lý, cũng như cần tăng ý thức của người dân và cải thiện chính sách của chính quyền.

Thứ nhất, quản lý rác tại nguồn chưa làm được tốt. Thứ hai là ý thức của người dân. Thứ ba là quy hoạch, lựa chọn phương thức quản lý. Bây giờ vẫn là hình thức chôn lấp.
Bà Ngụy Thị Khanh


“Có một số vấn đề nan giải. Đã có những dự án thí điểm về phân loại rác, nhưng xong rồi đâu lại vào đấy. Thứ nhất, quản lý rác tại nguồn chưa làm được tốt. Thứ hai là ý thức của người dân. Thứ ba là quy hoạch, lựa chọn phương thức quản lý. Bây giờ vẫn là hình thức chôn lấp. Có những doanh nghiệp làm về xử lý rác, chẳng hạn như muốn làm điện rác, lại không có rác để xử lý”, nữ giám đốc của GreenID nói với VOA.

Một phóng sự của báo Nhân Dân hồi tháng 8/2020 chỉ ra rằng công nghệ xử lý rác bằng chôn lấp dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân chung quanh các khu xử lý, cộng thêm việc phụ thuộc vào chỉ có hai khu xử lý mà nay đã quá tải, khiến số phận rác thải sinh hoạt nội đô của Hà Nội luôn trong tình trạng bấp bênh.

“Chỉ một đường vào khu xử lý rác thải bị chặn, nội đô Hà Nội sẽ lại xuất hiện những bãi rác tự phát chất đống, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng triệu người dân cũng như mỹ quan đô thị”, tờ Nhân Dân đưa ra cảnh báo khi đó.

Nhưng tờ báo cũng cho biết trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ thoát khỏi cảnh chỉ xử lý rác bằng chôn lấp, vì một nhà máy điện rác đang được xây dựng huyện Sóc Sơn.

Báo Nhân Dân tiên liệu rằng từ năm 2021, nếu dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn đúng tiến độ, trong số khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt của Hà Nội, tối đa 4.000 tấn rác sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện.

Lượng rác thải còn lại, khoảng 3.000 tấn, sẽ tiếp tục được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh ở hai khu Nam Sơn và Xuân Sơn, cho đến khi có các dự án xử lý rác thải sử dụng công nghệ mới thay thế, Nhân Dân cho biết.

Song song với các biện pháp xử lý, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, nhấn mạnh với VOA rằng vai trò của người dân cũng rất quan trọng.

“Đối với người dân, chúng ta phải hạn chế phát sinh rác thải. Có rất nhiều cách: phân loại tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, không đốt trong khu vực dân cư. Nếu chúng ta cứ chôn rác và người dân quanh bãi chôn rác cứ tiếp tục phản đối, thì chúng ta sẽ không bao giờ có lời giải cả”, bà Khanh đưa ra ý kiến.

VOA Express

XS
SM
MD
LG