Đường dẫn truy cập

Thỏa thuận an ninh mạng Mỹ-Trung có hiệu quả hay không?


Tổng thống Obama trong một cuộc họp báo chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc ngày 25 tháng 9, 2015.
Tổng thống Obama trong một cuộc họp báo chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc ngày 25 tháng 9, 2015.

Một số các nhà quan sát cho rằng hiệp định mới về an ninh mạng mà Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết tuần trước đánh dấu một bước đầu quan trọng để hai chính phủ chung sức trấn áp những hoạt động gián điệp thương mại trong không gian ảo. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Joyce Huang của đài VOA, nhiều nhà phân tích không tin là những hành động cụ thể sẽ được thực hiện.

Tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ 6, Tổng thống Obama nói rằng cả hai nước đã “khẳng định nguyên tắc là chính phủ không tiến hành hoạt động gián điệp mạng để có được những lợi ích thương mại chống lại các công ty”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng sự hợp tác như vậy sẽ có lợi cho cả hai nước.

Theo một văn kiện của Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng ý với nhau là mỗi nước sẽ điều tra những hoạt động mạng bên trong lãnh thổ của mình có ác ý đối với nước kia, “với một cách thức phù hợp với luật pháp quốc nội và những nghĩa vụ quốc tế.” Nước điều tra sẽ cập nhật thông tin cho nước nạn nhân trong tiến trình điều tra, nhưng nước nạn nhân sẽ không dính líu tới cuộc điều tra.

Giám sát những cam kết về điều tra là các giới chức cấp cao của hai nước, và những người sẽ họp với nhau lần đầu vào cuối năm nay, rồi sau đó, cứ hai năm sẽ họp một lần.

Ông Alexander Neill, một nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh Á châu Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng thoả thuận này là một thắng lợi của chính phủ Obama vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận rằng tội phạm mạng do cá nhân hoặc công ty Trung Quốc thực hiện là một việc có xảy ra và cần phải có hành động để chống lại. Trước đây Trung Quốc nhiều lần nói rằng họ cũng là nạn nhân của những vụ tấn công mạng, nhưng hiếm khi đề cập tới những vụ tin tặc cụ thể.

Ông Neill cho rằng điều quan trọng là thoả thuận có mang lại kết quả hay không.

"Bằng chứng của sự thành công của thoả thuận là Trung Quốc công khai những công ty hoặc những cá nhân ở Trung Quốc chủ mưu những vụ tấn công mạng và truy tố họ. Một khi chúng ta nhìn thấy điều đó, chúng ta sẽ biết được Trung Quốc thật sự làm những gì mà họ nói."

Giáo sư Nicholas Thomas của Đại học Thành thị Hồng Kông cho rằng dường dây nóng mới được thành lập cho cuộc đối thoại mạng Mỹ-Trung không thể bảo đảm là giới hữu trách Trung Quốc sẽ thật sự điều tra những vụ đánh cắp bí mật thương mại hoặc tài sản trí thức. Ông lập luận rằng Trung Quốc kém xa Hoa Kỳ về mặt bảo vệ quyền tài sản trí thức và việc truy tung những vụ tấn công mạng có thể làm lộ những phương pháp và khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ trong không gian ảo.

"Bây giờ họ đã có đường dây nóng mà họ lập ra để ghi nhận những vụ khiếu nại. Nhưng chúng ta phải có bằng chứng để hậu thuẫn cho khiếu nại của mình, và điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ phải tiết lộ khả năng năng của mình trong việc truy tung những vụ xâm nhập trên mạng."

Giáo sư Thomas tin rằng việc Bộ Tư pháp Mỹ hồi năm ngoái khởi tố 5 viên sĩ quan của quân đội Trung Quốc về tội xâm nhập các hệ thống máy vi tính của các công ty Mỹ, và việc Tòa Bạch Ốc mới đây đã áp dụng các biện pháp chế tài thương mại đối với Trung Quốc, đã gây sức ép đòi ông Tập Cận Bình tăng cường các nỗ lực để giải quyết những mối quan tâm của chính phủ Mỹ về vấn đề tin tặc.

Ông Thomas cũng cho rằng ông Tập Cận Bình không hề nhượng bộ trước những sự chỉ trích đối với các vấn đề như nhân quyền và những hành động quân sự ở Biển Đông, nhưng việc Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt vì vấn đề tin tặc có thể đã làm cho nhà lãnh đạo Trung Quốc lưu tâm vì nền kinh tế nước ông đang bị trì trệ.

"Nếu ông Tập Cận Bình cảm thấy tự tin về tính chất bền bỉ của quyền lãnh đạo của ông, thì ông có lẽ đã không nhượng bộ như vậy. Do đó, thoả thuận về an ninh mạng có thể là một chỉ dấu cho thấy một mức độ dễ bị tổn thương trong hệ thống của Trung Quốc vào thời điểm này."

Mặc dù Trung Quốc nói rằng họ cũng là nạn nhân của những vụ đánh cắp trên mạng, nhưng cho tới nay chưa có thông tin công khai nào cho thấy tài sản trí thức của công ty Trung Quốc bị những tay tin tặc ở Mỹ đánh cắp.

Nhiều người tin rằng trong trường hợp thoả thuận an ninh mạng Mỹ-Trung được chấp hành một cách nghiêm chỉnh, các công ty Mỹ sẽ có lợi nhiều hơn các công ty Trung Quốc rất nhiều.

Theo ước tính năm 2013 của Uỷ ban về việc Tài sản Trí thức Hoa Kỳ bị đánh cắp, tệ nạn này gây thiệt hại cho các công ty Mỹ 300 tỉ đô la mỗi năm, trong đó có hơn phân nửa là do tin tặc Trung Quốc gây ra.

VOA Express

XS
SM
MD
LG