Đường dẫn truy cập

Thiết lập nền tảng cho mối quan hệ Việt-Mỹ


Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ðệ nhất phu nhân Michelle Obama chào đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang của Việt Nam (trái) và phu nhân tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Honolulu, Hawaii, ngày 12 Tháng 11 năm 2011.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ðệ nhất phu nhân Michelle Obama chào đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang của Việt Nam (trái) và phu nhân tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Honolulu, Hawaii, ngày 12 Tháng 11 năm 2011.
Luật sư Vũ Đức Khanh và Bác sỹ Võ Tấn Huân viết riêng cho VOA Tiếng Việt.

Tin tức về chuyến thăm của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang tới Thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 25 tháng 7 tới đây đã được một số cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin trong vài ngày vừa qua. Đây là lần thứ hai Chủ tịch nước Việt Nam chính thức thăm Hoa Kỳ sau lần thăm đầu tiên dưới thời Chủ tịch Nguyễn Minh Triết hồi năm 2007.

Các chủ đề sẽ mang ra thảo luận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ bao gồm vấn đề nhân quyền, an ninh khu vực, thương mại và biến đổi khí hậu. Những vấn đề lớn của khu vực như thương mại và biến đổi khí hậu có thể sẽ không gây nhiều trở ngại trong các cuộc đàm phám giữa hai nước. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất trong mối quan hệ Việt–Mỹ là tình trạng nhân quyền chưa một lần được cải thiện từ rất nhiều năm qua tại Việt Nam.

Hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam đã dẫn đến việc trì trệ trong các cuộc đàm phán cũng như tiến đến mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.

Mối quan hệ không cân xứng

Đối với Việt Nam, Đảng Cộng sản đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội để nâng cao mối quan hệ với Hoa Kỳ lên thành đối tác chiến lược. Trong khi đó, Hoa Kỳ muốn thấy Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền, hệ thống pháp quyền và mở ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp tư nhân.

Tuy quan hệ giữa hai nước đạt được nhiều tiến bộ trong thời gian qua nhưng trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, thì việc xây dựng mối quan hệ lòng tin chiến lược Việt–Mỹ vẫn còn khá nhiều khó khăn và chông gai đang chờ phiá trước.

Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam là một đối tác tiềm năng trong chính sách châu Á–Thái Bình Dương. Vị trí địa-chính trị cũng như vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN đã giúp nâng cao tầm quan trọng của nước này, do đó thông qua ‘trục châu Á’ Hoa Kỳ muốn tìm cơ hội hợp tác với Việt Nam để gia tăng sự hiện diện của họ trong khu vực.

Tuy nhiên, Việt Nam chỉ đơn thuần là một nước có tiềm năng chứ chưa hẳn là một giải pháp tối ưu của Hoa Kỳ.

Với sự khác biệt này, Tổng thống Obama có rất ít lý do để mời Việt Nam ngồi vào bàn thảo luận sâu hơn, trừ khi Chủ tịch Sang chuẩn bị các chính sách và hành động cụ thể để cải thiện tình trạng nhân quyền thay vì những lời hứa suông như trong nhiều năm qua.

Tổng thống Obama và Chủ tịch Sang có thể sẽ trao đổi và tìm giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề phức tạp này mà không phải áp đặt bất kỳ nước nào vào thế tiến thoái lưỡng nan. Do đó, nếu hai nước tiến tới thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược thì việc ký kết có nhiều khả năng sẽ diễn ra ở Hà Nội thay vì Washington.

Mặc dù vậy, việc chấp nhận lời mời của Tổng thống Obama ít ra cũng cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng ngồi vào bàn thảo luận, không chỉ riêng về những vấn đề an ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại mà còn bao gồm cả chủ đề nhân quyền – mối quan tâm cốt lõi của Hoa Kỳ. Tuy đây là một bước tiến nhỏ và cũng là bước đầu tiên, nhưng là bước quan trọng để giúp hai nước vượt qua những nghi ngại và đặt ra các mục tiêu chung.

Hợp tác cùng có lợi

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã thăm Bắc Kinh tháng trước để giải quyết tranh chấp biển đảo.
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã thăm Bắc Kinh tháng trước để giải quyết tranh chấp biển đảo.
Trong khi Hoa Kỳ có thể không đặt nặng tầm quan trọng của Việt Nam trong các chính sách đối ngoại của Washington, thì ngược lại Hoa Kỳ có khả năng đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Về mặt ngoại giao, dù các lãnh đạo cộng sản Hà Nội có ý định tôn trọng mối quan ngại về tình hình nhân quyền Việt Nam của Hoa Kỳ hay không thì họ cũng không có nhiều lựa chọn. Nếu các lãnh đạo Việt Nam hy vọng sẽ có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía Hoa Kỳ thì ít nhiều họ phải đáp ứng một số yêu cầu của Washington, đặc biệt là vấn đề nhân quyền và tù nhân chính trị.

Dù các lãnh đạo Việt Nam nghĩ thế nào về Hoa Kỳ đi chăng nữa thì Washington cũng không phải là mối đe dọa tiềm tàng đối với Việt Nam. Thay vào đó, mối nguy trước mặt cũng như trong tương lai của Việt Nam là nước láng giềng phương Bắc.

Trung Quốc đang gây nhiều sức ép cũng như ảnh hưởng lên nền chính trị của Việt Nam. Hai nước có mấy nghìn năm lịch sử chiến tranh và hiện nay vẫn tiếp tục tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khi Hoa Kỳ chỉ đứng hạng thứ hai.

Về mặt kinh tế, Việt Nam có lợi hơn khi hợp tác thương mại với Hoa Kỳ. Trong năm 2012, Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại 15,6 tỷ USD với Hoa Kỳ, trong khi đó trong cùng một năm, Việt Nam lại bị thâm hụt thương mại 16,4 tỷ USD với Trung Quốc. Nếu không có lý do khác, Hoa Kỳ vẫn là lựa chọn hàng đầu để Việt Nam đối trọng lại đà gia tăng của Trung Quốc trong các chính sách ngoại giao, quốc phòng cũng như cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam.

Việt Nam và Trung Quốc tuy đã ký kết quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện nhưng hiện vẫn còn nhiều điều bất cập. Về thể chế chính trị, ý thức hệ cộng sản đã góp phần lợi thế cho Trung Quốc để khuynh loát nền chính trị lẫn kinh tế ở Việt Nam.
Trong bối cảnh này, hợp tác và tiến đến quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ ít nhiều vẫn làm giới lãnh đạo Việt Nam yên tâm hơn. Tuy nhiên, tính hữu ích của sự hợp tác như vậy phần lớn phụ thuộc vào các chi tiết hành động của Việt Nam cũng như sự nhượng bộ của cả hai nước.

Lợi ích của Việt Nam trong mối quan hệ Việt–Mỹ hiện nay đã vượt qua vấn đề kinh tế, vì đây không chỉ mang lại lợi ích cho các lãnh đạo chóp bu mà còn mang lại nhiều lợi chung cho cả nhân dân Việt Nam.

Nút thắt nhân quyền

Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, và Đinh Nguyên Kha, 25 tuổi đứng trước tòa án tỉnh Long An, ngày 16/5/2013.
Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, và Đinh Nguyên Kha, 25 tuổi đứng trước tòa án tỉnh Long An, ngày 16/5/2013.
Nhưng để tiến tới những thỏa thuận kinh tế cũng như các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên-Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership hay TPP), ‘kinh tế quốc doanh là chủ đạo’ vẫn còn là rào cản khá lớn không những gây trở ngại trong mối quan hệ Việt–Mỹ mà còn gây bất bình đẳng trong nền kinh tế nội địa dẫn đến những thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đất nước.

Để xây dựng và chia sẻ những giá trị chung, Việt Nam nên tôn trọng quyền chính trị của nhân dân Việt Nam bằng cách xây dựng cơ chế nhà nước minh bạch với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội.

Các cuộc thảo luận gần đây về cải cách hiến pháp ở Việt Nam cũng đã cho thấy vấn đề mà nhiều người dân quan tâm chính là dân chủ.

Đảng Cộng sản Việt Nam hiện vẫn nhất quyết duy trì quyền lực tuyệt đối. Họ vẫn né tránh không thông qua bất kỳ sự trao quyền chính thức nào từ nhân dân qua việc tổ chức các cuộc bầu cử công bằng, tự do.

Hệ thống chính trị không chính danh của Việt Nam đã dẫn đến tình trạng không một lãnh đạo nào đứng ra chịu trách nhiệm về những chính sách sai lầm. Nhiều vấn nạn vẫn làm xã hội nhức nhối, bao gồm việc chính phủ quản lý nền kinh tế kém hiệu quả, tham nhũng tràn lan và đàn áp, như bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Bản án 7 năm tù của đảng viên Đảng Dân chủ Việt Nam Nguyễn Tiến Trung, bản án 16 năm tù của doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, hay gần đây nhất là bản án 14 năm tù cho hai bạn sinh viên yêu nước Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên là những trường hợp cụ thể.

Xây dựng các giá trị phổ quát về quyền con người hay tinh thần thượng tôn pháp luật rất khó thực hiện nếu Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp những tiếng nói đối lập ôn hòa.Việt Nam cần cải thiện tình trạng này và sớm trả tự do cho những nhà báo tự do, những thanh niên công giáo yêu nước, và những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, dân chủ, chính trị đối kháng.

Thiết lập nền tảng

Hiện nay các lãnh đạo cộng sảnViệt Nam đang phải đối mặt với nhiều sự bất mãn trong xã hội, từ kinh tế đến giáo dục cũng như chính trị. Trong nỗ lực để vượt qua cơn bão, có thể trong chuyến công du này Chủ tịch Sang sẽ đưa ra một vài nhượng bộ về vấn đề nhân quyền bằng cách trả hoặc hứa hẹn trả tự do cho một số tù nhân chính trị. Hoặc có thể Chủ tịch Sang hy vọng sẽ sử dụng chuyến thăm này nhằm xoa dịu sự bất mãn đối với dư luận trong nước cũng như quốc tế.

Tuy nhiên, nếu thông qua cuộc gặp này chỉ để Việt Nam trả tự do cho một vài nhân vật bất đồng chính kiến thì vẫn chưa đủ. Vì suy cho cùng, một tù nhân chính trị cũng đã quá nhiều trong một xã hội luôn đề cao xã hội công bằng và tự do.

Vấn đề dân chủ luôn là nỗi ám ảnh đối với các lãnh đạo Việt Nam vì họ luôn lo sợ rằng việc này sẽ gieo mầm và mở ra một thế chế đa đảng tại Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam có ý định muốn đảm bảo mối quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, hoặc có ý định chống lại sự ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh từ Trung Quốc, thì họ buộc phải cải tiến bằng những hành động cụ thể. Trì trệ việc cải cách chỉ làm Việt Nam mất thêm những cơ hội hợp tác cũng như sự ủng hộ của nhân dân.

Xây dựng thế chế dân chủ đích thực khởi đầu bằng nền tảng hiến pháp toàn dân và tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân là cần thiết, và như vậy Việt Nam mới có thể phát triển toàn diện và bền vững.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Vũ Đức Khanh

    Vũ Đức Khanh là luật sư và giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế.
  • 16x9 Image

    Võ Tấn Huân

    Bác sỹ Dược khoa tại Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

XS
SM
MD
LG