Đường dẫn truy cập

Thiền sư và chánh niệm


"Trong những lúc thực tập chánh nhiệm, tôi thấy được sự nhiệm màu của nó, nên mang ơn tất cả những ai đã có công mang lại sự tỉnh thức cho nhân loại, trong đó có thiền sư Thích Nhất Hạnh."
"Trong những lúc thực tập chánh nhiệm, tôi thấy được sự nhiệm màu của nó, nên mang ơn tất cả những ai đã có công mang lại sự tỉnh thức cho nhân loại, trong đó có thiền sư Thích Nhất Hạnh."

Chánh niệm, hay tỉnh thức (mindfulness), bây giờ hiện diện ở khắp nơi, trong mọi hoạt động của con người. Công lao này là do nhiều người, nhất là những ai tin tưởng vào phép mầu nhiệm của chánh niệm. Nhưng lớn nhất vẫn là thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã viết bao nhiêu cuốn sách về chủ đề này, hay viết về bao đề tài khác nhưng luôn đề cập đến yếu tố chánh niệm như là phương thuốc chữa trị “bá bệnh”.

Tôi còn nhớ cách đây chừng năm sáu năm, chỗ làm tôi tổ chức khóa đào tạo lãnh đạo. Khóa học này kéo dài một tuần, nhấn mạnh nhiều yếu tố và nhiều vấn đề. Có những bài tập trước, trong và sau khóa học. Có thể nói bàng bạc trong tất cả các đề tài được thảo luận, chánh niệm vẫn là yếu tố mang tính cơ bản và nền tảng.

Theo nhiều học giả về lãnh đạo học và tâm lý học thì chánh niệm là một trạng thái ý thức bao gồm nhận thức và sự chú ý.

Khóa học cũng đào sâu vào chủ đề trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence/EI), trong đó bốn khía cạnh chính là nhận thức bản thân (self-awareness), biết tự quản lý (self-management), nhận thức xã hội (social awareness), và biết quản lý quan hệ (relationship management).

Nói cách khác, muốn trở thành một lãnh đạo giỏi, bất kể đó là lãnh đạo một quốc gia, một công ty, một cộng đồng, một tổ chức thiện nguyện, hay đơn giản, một thầy hay cô trong lớp học, hay một lớp trưởng một đội trưởng, người đó phải có khả năng về trí tuệ cảm xúc. Người có trí tuệ cảm xúc là người biết mình, biết tự chủ, hiểu xã hội và giỏi quan hệ.

Những khái niệm và quan niệm trên được các nhà nghiên cứu về quản trị và lãnh đạo tìm hiểu từ bao tài năng lãnh đạo thành công, lẫn thất bại, tại Mỹ và trên thế giới trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người trong nhiều thập kỷ. Đặc biệt là từ các đại học, học viện nghiên cứu về thương mại, như Harvard Business School, chẳng hạn.

Một trong những người đưa các khái niệm này trở thành trụ cột của kỹ năng lãnh đạo là Daniel Goleman. Tác phẩm kinh điển về Emotional Intelligence do Daniel Goleman viết, xuất bản vào năm 1995, là cuốn sách được bán chạy nhất trên The New York Times trong một năm rưỡi, được dịch ra 40 ngôn ngữ khác nhau và trở thành sách ăn khách nhất trên nhiều quốc gia. Goleman cho rằng nhận thức bản thân, tức nhận biết một cảm giác khi nó xảy ra, là nền tảng của trí tuệ cảm xúc. Hơn nữa, xử lý cảm xúc sao cho phù hợp là một khả năng được xây dựng dựa trên nhận thức bản thân. Ngoài ra, sự đồng cảm (empathy), một khả năng khác được xây dựng dựa nhận thức bản thân về mặt cảm xúc, là kỹ năng cơ bản về con người (people’s skill). Sau cùng, nghệ thuật của các mối quan hệ, phần lớn, là kỹ năng quản lý cảm xúc ở người khác. Nghĩa là biết cảm xúc của mình, của người khác, để quản lý tốt đẹp, thì sẽ thành công trong mọi quan hệ.

Phép màu của chánh niệm (The miracle of mindfulness), được thiền sư Thích Nhất Hạnh viết vào năm 1974, sau này được Mobi Ho dịch sang tiếng Anh, đầu tiên vào năm 1975. Tác phẩm này vẫn được xem là cuốn kinh điển về chánh niệm cho đến nay. Thích Nhất Hạnh được xem là người Thầy của chánh niệm, nhưng không phải ai biết về chánh niệm cũng biết về Thích Nhất Hạnh.

Ngày nay dường như làm việc gì cũng được lồng chánh niệm vào trong đó. Có người còn bảo rằng trước đây khi rửa chén tôi không hề nghĩ đó là chánh niệm, cho đến khi biết về các bài giảng của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Trên tạp chí phổ biến hàng đầu về tâm lý, Psychology Today, dường như lúc nào cũng có một hay nhiều bài trên trang này nói về chánh niệm. Có thể nói ngày nay các phương thức điều trị tâm lý đều dùng đến chánh niệm như là sự khởi đầu, và cũng là điểm đến. Rất nhiều học giả và tác giả của nhiều bài viết hay sách chuyên về tâm lý cũng đề cao vai trò của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Như bài Mind Over Matter, phần đầu trích dẫn Thích Nhất Hạnh: “Chánh niệm không phải là việc chỉ được thực hiện trong thiền đường, nó còn được thực hiện trong bếp, ngoài vườn, khi chúng ta nghe điện thoại, khi lái xe, khi rửa chén”.

Như ông Ngô Nhân Dụng viết trong “Sống tỉnh thức với Thiền sư Thích Nhất Hạnh”, chánh niệm đã đi vào giòng chính và ảnh hưởng lên mọi mặt đời sống của người Mỹ và khắp nơi.

Tôi còn nhớ cũng trong khóa đào tạo lãnh đạo nói trên, những người hướng dẫn khóa học, và những học viên, đều có vẻ thích thú về chánh niệm hay nhận thức bản thân. Nhưng khi tôi hỏi họ có biết về Thích Nhất Hạnh, hay cuốn “Phép màu của chánh niệm” không, thì đại đa số không biết. Nhưng đây cũng là điều thật dễ hiểu. Một, chánh niệm thuộc về Phật giáo, không phải của riêng ai. Hai, giữa Thích Nhất Hạnh và người đọc là bao nhiêu học giả và tác giả trung gian về chủ đề này. Ba, thời nay người ta đi tìm hiểu khái niệm và ý nghĩa để làm vốn liếng kiến thức nhiều hơn tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của chánh niệm hay bắt cứ một chủ đề hay lĩnh vực nào.

Tôi còn nhớ cách đây ba năm, cũng tại chỗ làm, các bài giảng từ các tâm lý gia về chánh niệm đã được thực hiện để cho mọi nhân viên tìm hiểu và thực tập. Các bài viết đã được phổ biến trên trang mạng Intranet, và các bài giảng bằng giọng đọc thật hay đã được nhân viên tải về để nghe bất cứ lúc nào. Dường như mọi công sở đều thấy giá trị của chánh niệm. Có khi trong các buổi họp hoặc hội thảo kéo dài trên hai tiếng, bài giảng 10 đến 15 phút về chánh niệm đã được phát thanh vào giữa buổi để mọi người thật sự lắng đọng, thư giản và bình yên. Trong các khóa Yoga tôi tham dự cũng có nội dung và hình thức tương tự. Tôi thật sự không biết những những người thực hiện các chương trình này lấy từ đâu. Nhưng đọc các tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh tôi biết rõ Thầy có ghi rõ các bài tập và cách hướng dẫn thực hiện từng bước trong đó.

Trong những lúc thực tập chánh nhiệm, tôi thấy được sự nhiệm màu của nó, nên mang ơn tất cả những ai đã có công mang lại sự tỉnh thức cho nhân loại, trong đó có thiền sư Thích Nhất Hạnh.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG