Đường dẫn truy cập

Thế nào là yêu nước (8)


Thế nào là yêu nước (8)
Thế nào là yêu nước (8)

Qua loạt bài “Thế nào là yêu nước” đã kéo dài 7 kỳ này, điều tôi muốn chứng minh là: yêu nước là một tình cảm dựa trên một ký ức chung và một sự tưởng tượng chung.

Nói như vậy, không phải tôi muốn phủ nhận giá trị hay công dụng của lòng yêu nước. Không phải. Như nhiều lý thuyết gia trên thế giới đã từng chứng minh, ký ức và tưởng tượng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hình bản sắc cá nhân cũng như tập thể. Chính ký ức và tưởng tượng tạo nên ý nghĩa không phải chỉ cho những gì chúng ta làm mà còn cho chính sự hiện hữu của chúng ta nữa. Ký ức và tưởng tượng ràng buộc chúng ta với những người khác và những cái khác, tạo nên cảm giác thuộc về, qua đó, nối kết nội giới và ngoại giới, cá nhân và xã hội, quá khứ, hiện tại và tương lai. Có thể nói: Chúng ta là những gì chúng ta nhớ và chúng ta tưởng tượng.

Nếu ký ức và tưởng tượng tập thể là những điều cần thiết, lòng yêu nước cũng cần thiết không kém. Chính lòng yêu nước làm cho chúng ta bị ràng buộc vào một cái gì khác, lớn hơn, nhờ đó, chúng ta có trách nhiệm hơn và trở thành giàu có hơn. Giữa các cá nhân có sự liên thông; chính sự liên thông ấy lại củng cố bản sắc của từng người. Mỗi người vừa là mình lại vừa là cả cái khối tập thể chung quanh mình. Có thể nói: chúng ta không thể sống một cách phong phú và đẹp đẽ nếu không có lòng yêu nước.

Không phủ nhận lòng yêu nước; tất cả những gì tôi muốn làm qua loạt bài này là cố gắng giải hoặc lòng yêu nước. Nhằm phá tan những huyền thoại, đồng thời cũng là những ngộ nhận chung quanh nó. Nhằm vạch trần những lợi dụng và lạm dụng đằng sau những chiêu bài yêu nước của các thế lực chính trị khác nhau. Nhằm xác định lại những ranh giới và những điều kiện của một thứ yêu nước trong sáng. Như những điều chúng ta vẫn thường làm đối với mọi thứ tình cảm khác, kể cả tình cảm nam nữ.

Tất cả những điều tôi muốn chứng minh trong nỗ lực giải hoặc ấy là:

Thứ nhất, yêu nước là tình cảm cần thiết, nhưng nó lại không phải tự nhiên. Và nhất là, không phải cái gì nhất thành bất biến. Lòng yêu nước được hình thành, phát triển và biến dạng qua lịch sử. Yếu tố chính góp phần làm thay đổi nội hàm khái niệm yêu nước là nhu cầu chính trị. Mỗi thời đại có một cách diễn dịch khác nhau về ý niệm nước và yêu nước để tập hợp mọi người lại với nhau nhằm phục vụ cho một nhu cầu chính trị riêng của một nhóm hoặc một thời đại.

Thứ hai, mang tính chính trị, lòng yêu nước luôn luôn bị xuyên tạc và lợi dụng. Sự lợi dụng bao giờ cũng thể hiện ở nỗ lực định nghĩa lại nội dung của cái gọi là nước và lòng yêu nước. Xưa, chế độ phong kiến thu hẹp nước vào một người: vua; qua đó, đồng nhất lòng yêu nước với sự trung quân. Những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, trong nỗ lực vận động giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, các nhà nho cách mạng chuyển nội dung của đất nước từ vua sang dân; chuyển tư tưởng thiên mệnh vào ký ức tập thể qua cái gọi là “hồn nước”: Với họ, yêu nước thành ra là yêu chủng tộc và yêu truyền thống. Từ năm 1945, đặc biệt từ năm 1954, ở miền Bắc và từ năm 1975, trong cả nước, đảng Cộng sản tái định nghĩa yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội. Ở vị trí trung tâm của khái niệm đất nước, trước là vua, sau là dân, bây giờ là đảng.

Thứ ba, biểu hiện rõ rệt nhất của sự lợi dụng lòng yêu nước là mập mờ đồng nhất nước và các thiết chế chính trị. Đã đành trong khái niệm nước bao giờ cũng bao gồm thiết chế chính trị, vốn, một phần thuộc về lịch sử, và nhất là, văn hóa. Nhưng nước không phải là thiết chế. Thiết chế chỉ là một bộ phận nhỏ của nước. Có lúc không những nhỏ, nó còn có ý nghĩa phản động, làm lệch lạc hẳn ý niệm đất nước. Tuy vậy, bộ máy tuyên truyền ở nhiều nước vẫn muốn người dân biến tình cảm yêu nước thành yêu chế độ và yêu chính phủ. Hậu quả là, thay vì trung thành với đất nước, người ta lại trung thành với giới lãnh đạo. Nhưng nếu những điều trình bày chỉ là một huyền thoại thì, trên thực tế, ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia phát triển và dân chủ, rất nhiều người vẫn được xem là các nhà yêu nước lớn nhưng lại thường xuyên chỉ trích chính quyền của họ, hơn nữa, còn yêu sách thay đổi từ cả chính phủ lẫn thể chế.

Thứ tư, sự lợi dụng lòng yêu nước trở thành triệt để khi người ta xem yêu nước như một phạm trù siêu đạo đức. Nó đứng ngoài mọi nguyên tắc đạo đức. Hơn nữa, nó cũng đứng trên luật pháp. Nó không chịu sự chi phối của luật pháp cũng như các nguyên tắc đạo đức thông thường. Đạo đức và luật pháp quy định: Không được chiếm đoạt tài sản của người khác. Có một ngoại lệ: Nhân danh lòng yêu nước, người ta có thể lấn chiếm đất đai và toàn bộ tài sản trên đất đai của người khác. Đạo đức và luật pháp quy định: Không được giết người. Lại cũng có một ngoại lệ: Nhân danh lòng yêu nước, người ta có thể xả súng vào người khác mà không hề bị buộc tội, hơn nữa, còn được tôn vinh là anh hùng. Trong lịch sử, nhân loại phạm nhiều tội ác. Nhưng có lẽ không có tội ác tập thể nào gây tác hại nhiều và ở phạm vi rộng lớn cho bằng những tội ác xuất phát từ cái gọi là lòng yêu nước và từ những cái gọi là lý tưởng cao cả nào đó. Nhân danh lý tưởng tôn giáo, người ta đã từng cầm quân đi chinh phạt vô số quốc gia và giết chết vô số những kẻ gọi là ngoại đạo. Nhân danh ý thức hệ, người ta cũng giết chết cả hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu người, chỉ riêng trong thế kỷ 20 vừa qua. Và nhân danh lòng yêu nước, nước này lấn chiếm nước khác, người này giết hại người khác. Con số các nạn nhân từ xưa đến nay không thể nào đếm nổi.

Ngẫm lại, tội ác của những người tự gọi hoặc được gọi là yêu nước không chừng còn nhiều hơn cả tội ác của những người bị xem là phản quốc.

Nghe thì có vẻ nghịch lý hay như ngụy biện, nhưng bạn cứ nghĩ lại mà xem.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG