Đường dẫn truy cập

LHQ tìm cách tiếp cận TQ để điều tra về nhân quyền Bắc Triều Tiên


Thẩm phán hồi hưu Úc Michael Kirby nói ông hy vọng Ủy ban Ðiều tra do Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm sẽ có thể đi thăm Trung Quốc trong vòng 2 tháng tới
Thẩm phán hồi hưu Úc Michael Kirby nói ông hy vọng Ủy ban Ðiều tra do Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm sẽ có thể đi thăm Trung Quốc trong vòng 2 tháng tới
Một thanh tra của Liên Hiệp Quốc cho hay ông đã yêu cầu Trung Quốc cho toán công tác của ông được tiếp cận trong lúc tiến hành một cuộc điều tra về những vụ tình nghi là vi phạm nhân quyền ở nước láng giềng Bắc Triều Tiên.
Phóng viên VOA đã tiếp xúc với thẩm phán Michael Kirby của Australia và ghi nhận chi tiết.

Trong cuộc phỏng vấn với đài VOA ở Washington hôm thứ năm, thẩm phán hồi hưu Úc Michael Kirby nói ông hy vọng Ủy ban Ðiều tra do Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm sẽ có thể đi thăm Trung Quốc trong vòng 2 tháng tới.

Toán công tác này phải hoàn tất bản báo cáo về thành tích nhân quyền của Bắc Triều Tiên trước đầu tháng 2 năm tới để bản phúc trình có thể được hiệu đính và phiên dịch trước khi đưa ra trình bầy tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có trụ sở ở Geneva vào tháng 3.

Chủ tịch Ủy ban Kirby nói nếu Trung Quốc để cho ủy ban được tiếp cận, thì có nhiều phần chắc là các bằng chứng sẽ không được cung cấp cho các điều tra viên một cách công khai. Ông phát biểu tại trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao Johns Hopkins, bên lề một cuộc điều trần công khai về những vụ vi phạm nhân quyền mà Bắc Triều Tiên bị cáo buộc.

Cuộc điều trần trong 2 ngày kết thúc hôm qua, với lời khai của các chuyên gia Mỹ đã tố cáo giới lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên là cố ý cản trở các nỗ lực của các tổ chức ngoại viện bàn giao thực phẩm cho những người dân Bắc Triều Tiên bị đói khát và suy dinh dưỡng.

Ông Kirby đã hỏi các phân tích rằng theo họ thì ai là người phải chịu trách nhiệm ở Bắc Triều Tiên về tình trạng đói khát trong thập niên 1990, là lúc hàng trăm ngàn người thiệt mạng.

Các phân tích gia nói hệ thống chính phủ của Bắc Triều Tiên rất trung ương tập quyền, với lãnh tụ tối cao lúc đó là ông Kim Jong Il đưa ra các quyết định ngăn trở ngoại viện và gây thiệt hại cho công việc sản xuất thực phẩm trong nước.

Bắc Triều Tiên đã phủ nhận mọi vụ vi phạm nhân quyền và từ chối không chịu hợp tác với cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc, và gọi đó là một hành vi chính trị thù nghịch.

Ông Kirby đã nghe lời điều trần của những người Bắc Triều Tiên đào tỵ đang sinh sống ở Hoa Kỳ vào ngày thứ tư. Ông mô tả phản ứng của ông trước lời khai đầy nước mắt của ông Jin Hye Jo, 26 tuổi, đã đến Hoa Kỳ vào năm 2008. Ông Kirby nói:

“Chúng tôi đã nghe câu chuyện đau buồn và thật là thê thảm về sự đau khổ của một phụ nữ trẻ tuổi - thực ra chỉ là một cố bé vào lúc đó - về những đau khổ mà cô ấy đã phải chịu đựng khi lần lượt mất người anh, bà nội, cha và một người anh em khác, và nhìn thấy quanh mình những người chết đói và chết vì các lý do khác. Ðây thực không phải là một cuộc điều tra dành cho những người dễ mủi lòng.”

Các thanh tra Liên Hiệp Quốc vốn đã phỏng vấn hơn 200 nạn nhân, nhân chứng và phân tích gia trong một loạt các cuộc điều trần ở Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Thái Lan và Anh quốc trong năm nay.

Ông Kirby nói lời điều trần nhiều khi gây bối rối đã tác động sâu xa đến ông:

“Tôi đã là một thẩm phán ở nước Australia của tôi suốt 34 năm, và tôi đã chứng kiến nhiều lời khai gây xúc động. Nhưng ngay đối với tôi, tôi thấy có lúc cũng gần rơi lệ. Và đó là điều bất thường, bởi vì lòng ta trở thành phần nào chai đá sau nhiều năm làm công tác quan toà. Ở đây, tôi không phải là quan tòa và cũng không phải là công tố viên, nhưng tôi đang tiến hành một cuộc điều tra về những tình huống thực sự bi thảm về sự đau khổ to lớn và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, và điều này đôi khi có thể làm mình rất xúc động.”

Ông Kirby nói có nhiều cách để xác định liệu những người ra khai chứng có thành thực hay không:

“Lời khai của họ nhất quán với nhau. Họ không biết nhau, và lời khai cũng có sẵn để đo lường với tài liệu khách quan mà Ủy ban Ðiều tra có được. Và điều quan trọng là mọi người có thể phán xét từ bề ngoài của các nhân chứng xem liệu họ có nói lên sự thực hay không. Và lời khai của họ nay đã được đưa lên mạng. Và tôi nghĩ nói chung nó mang tính cực kỳ thuyết phục.”

Ông Kirby cho hay ủy ban đã cố gắng công bằng đối với Bắc Triều Tiên bằng cách yêu cầu những người ra điều trần đáp ứng với các phát biểu của Bắc Triều Tiên đưa ra cho Liên Hiệp Quốc về nhân quyền.

Ông cũng dự liệu Bắc Triều Tiên sẽ không tránh được sự xem xét lâu nữa và nói rằng chung cuộc, “các câu giải đáp sẽ được yêu cầu” bởi cộng đồng quốc tế trên cơ sở báo cáo và các đề nghị của toán công tác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG