Đường dẫn truy cập

Thẩm phán cho xúc tiến vụ kiện phản đối khám xét điện thoại ở biên giới


Một nhân viên của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ chuẩn bị khám xét một chiếc xe tại cửa khẩu biên giới Mexico-Mỹ ở Hidalgo, bang Texas, ngày 13 tháng 4, 2018.
Một nhân viên của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ chuẩn bị khám xét một chiếc xe tại cửa khẩu biên giới Mexico-Mỹ ở Hidalgo, bang Texas, ngày 13 tháng 4, 2018.

Một thẩm phán liên bang hôm thứ Năm khước từ nỗ lực của chính quyền Trump muốn xóa sổ vụ kiện chính phủ liên bang về việc tăng cường khám xét điện thoại và máy tính xách tay của người Mỹ bị chặn lại ở biên giới mà không có lệnh của tòa án.

Thẩm phán Khu vực tư pháp liên bang Denise Casper ở thành phố Boston phán quyết rằng vụ kiện của 11 hành khách đã đưa ra một tuyên bố hợp lý rằng những vụ khám xét như vậy tại biên giới vi phạm những sự bảo vệ trong Tu chính án thứ Tư của Hiến pháp Hoa Kỳ, qui định người dân có quyền không bị khám xét hoặc bị thu giữ đồ đạc một cách phi lý.

Dù bà Casper mô tả luật này là không rõ ràng, song bà nói vấn đề này không khác gì một vụ kiện lớn về quyền riêng tư mà Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết vào năm 2014, trong đó cảnh sát buộc phải xin trát của tòa án để khám xét điện thoại di động của một nghi phạm bị bắt giữ.

Thẩm phán nói rằng phán quyết của Tòa án Tối cao "cho thấy các thiết bị điện tử có dính dáng đến quyền riêng tư theo một cách khác biệt căn bản so với những vụ khám xét những phương tiện chứa đựng tài liệu thông thường hoặc thậm chí là khám xét người."

"Tóm lại, Tòa án không cảm thấy thuyết phục với lập luận rằng Nguyên đơn đã không trình bày một tuyên bố hợp lý liên quan tới Tu chính án thứ Tư ở đây," bà Casper viết.

Bà cũng bác bỏ lập luận của chính phủ nói rằng các nguyên đơn, gồm 10 công dân Mỹ và một thường trú nhân, không đủ tư cách để theo đuổi vụ kiện.

Theo dữ liệu năm tài chính từ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ, những vụ khám xét thiết bị điện tử đã tăng từ khoảng 8.500 vụ vào năm 2015 lên khoảng 19.000 vào năm 2016 và 32.000 vào 2017.

Vụ kiện được đệ trình vào tháng 9 năm ngoái bởi những hành khách bao gồm một cựu chiến binh, một kỹ sư của Cục Hàng Không và Không gian Quốc gia, hai nhà báo và một lập trình viên máy tính. Một số nguyên đơn là người Hồi giáo hoặc thuộc sắc dân thiểu số.

Nhìn chung tại Mỹ, cơ quan chấp pháp bắt buộc phải xin trát của tòa án trước khi có thể khám xét các thiết bị điện tử của người Mỹ.

Nhưng cái gọi là biệt lệ khám xét tại biên giới cho phép nhà chức trách liên bang tiến hành khám xét trong phạm vi 100 dặm (160 km) tính từ biên giới của Mỹ mà không cần trát.

VOA Express

XS
SM
MD
LG