Đường dẫn truy cập

Thái Lan định nối lại hòa đàm với phiến quân Hồi giáo


Nhân viên kiểm lâm Thái đứng cạnh đống đổ nát của một chiếc xe tải bị trúng bom vệ đường của quân nổi dậy Hồi giáo trong huyện Saiburi của tỉnh Pattani, miền nam Thái Lan, tháng 5, 2013.
Các nhà phân tích của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết trong 6 tháng đầu năm nay trung bình mỗi tháng có 24 vụ tấn công bằng bom mìn.
Nhân viên kiểm lâm Thái đứng cạnh đống đổ nát của một chiếc xe tải bị trúng bom vệ đường của quân nổi dậy Hồi giáo trong huyện Saiburi của tỉnh Pattani, miền nam Thái Lan, tháng 5, 2013. Các nhà phân tích của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết trong 6 tháng đầu năm nay trung bình mỗi tháng có 24 vụ tấn công bằng bom mìn.
Giới hữu trách Thái Lan tuyên bố họ chuẩn bị mở lại cuộc đàm phán với các nhóm nổi dậy của người Hồi giáo ở miền nam. Các nhà phân tích cho rằng vòng đàm phán mới, dự trù diễn ra ở Malaysia vào tháng tới, đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc nổi dậy ở 3 tỉnh miền nam. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben gởi về bài tường thuật sau đây.

Hồi đầu tuần này Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan quyết định tổ chức một vòng đàm phán mới tiếp theo sau những cuộc thương thuyết được khởi sự hồi tháng hai để đặt nền tảng cho cuộc đối thoại.

Cuộc đàm phán này có mục đích chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài gần một thập niên ở các tỉnh miền nam Thái Lan có đa số dân là người theo đạo Hồi và giáp ranh với Malaysia. Vụ xung đột này đã gây tử vong cho hơn 5.500 người.

Ông Sunai Pasuk, một nhà phân tích của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cho biết bạo động vẫn tiếp diễn bất chấp các cuộc hòa đàm.

"Tình hình đang quay lại tới chỗ bạo động xảy ra hàng ngày. Những vụ tấn công hàng ngày vẫn tiếp diễn và sau những vụ tấn công của phe nổi dậy chính phủ sẽ thực hiện những vụ đột kích nhắm vào một cứ địa của phe nổi dậy và sau đó phe nổi dậy lại thực hiện những vụ tấn công để trả đũa. Vì vậy nó đã trở thành một trò chơi bạo động bóng bàn, một trò chơi hết sức nguy hiểm."

Ý tưởng về hòa đàm đã nẩy sinh từ những cuộc tiếp xúc giữa cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và nhà lãnh đạo Najib Razak của Malaysia hồi năm ngoái. Ông Thaksin là anh của đương kim Thủ tướng Yingluck Shinawatra và là người tiếp tục có ảnh hưởng trong chính phủ hiện nay tuy ông đang sống lưu vong để tránh án tù về tội tham nhũng.

Nhà phân tích Matthew Wheeler của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết mặc dù một số các nhà quan sát tỏ ý nghi ngờ đối với tiến trình đối thoại, cuộc hòa đàm này đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc xung đột mà ông gọi là “cuộc nổi dậy hữu hiệu nhất trong lịch sử Thái Lan.”

"Sự việc rõ ràng là đã thay đổi và yếu tố hiển nhiên là cuộc đàm phán. Có nhiều mối hoài nghi về cuộc đàm phán và một số hoài nghi có tính chất chính đáng. Nhưng có một số hoài nghi không hợp lý. Một số những sự chỉ trích có tính chất chính trị, dựa trên sự kiện là ông Thaksin nắm giữ vai trò then chốt trong việc tranh thủ sự hợp tác của Thủ tướng Najib để tiến trình đàm phán có thể bắt đầu. Các giới chức chính phủ Thái Lan có quyết tâm làm cho tiến trình này không bị chết yểu."

Những vụ tấn công gây chết người xảy ra hầu như mỗi ngày ở miền nam Thái Lan hiếm khi thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế. Hôm qua, 3 thành viên cấp cao của một toán bom mìn của cảnh sát Thái Lan đã thiệt mạng trong lúc kiểm tra một quả bom khi một quả bom khác phát nổ.

Các nhà phân tích của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết trong 6 tháng đầu năm nay trung bình mỗi tháng có 24 vụ tấn công bằng bom mìn. Ông Wheeler nói rằng phe nổi dậy đã thay đổi chiến thuật từ khi chính phủ tiến hành cuộc đối thoại hồi đầu năm nay.

"Họ đã quay sang tấn công các mục tiêu quân sự và đặc biệt là thực hiện những vụ phục kích nhắm vào các toán tuần tiễu, trong đó họ dùng bom nìn tự chế để tấn công các chiếc xe rồi dùng súng máy để tấn công. Đây có thể là một cố gắng về phần họ để tăng cường tính chất chính đáng trong lúc họ ngồi vào bàn thương thuyết và có sự chú tâm nhiều hơn của quốc tế."

Tổ chức BRN, đại diện cho các nhóm nổi dậy, đòi hỏi chính phủ triệt thoái binh lính và thả các chiến binh của phe nổi dậy ra khỏi tù, và yêu cầu có sự tham gia vào tiến trình hòa bình của các tổ chức bên ngoài, kể cả Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). OIC đã chỉ trích giới hữu trách Thái Lan không có tiến bộ nhanh chóng trong việc giải quyết vụ xung đột.

Ông Panitan Wattanayagorn, giáo sư chính trị học của Đại học Chulalongkorn, nói rằng cuộc đàm phán chỉ có tính chất “câu giờ” thay vì đưa ra những đề nghị cụ thể như dành quyền tự trị nhiều hơn cho các tỉnh miền nam.

"Đây là lúc để nói về những đề nghị thật sự về sự cai trị mới ở miền nam. Hiện đã có một số đề nghị về cách thức phi tập trung hóa quyền lực từ chính phủ trung ương. Và không có một chiến lược thật sự nào để quân đội giành được phần thắng. Quân đội cần phải thật sự xem xét lại một cách kỹ lưỡng chiến lược của họ và đưa ra một chiến lược tốt hơn rất nhiều mới được."

Các nhà phân tích cho rằng việc thiết lập một khu vực hành chánh đặc biệt có thể là cơ hội tốt nhất để mang lại một giải pháp cho cuộc xung đột. Nhưng quân đội Thái Lan vẫn tiếp tục lo ngại về vấn đề mất chủ quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG