Đường dẫn truy cập

Tết, buồn


Tết, buồn
Tết, buồn

Hình như đã khá lâu rồi, năm nào cũng thế, bao giờ tôi cũng đón tin Tết đến với một tâm trạng có chút gì như thảng thốt. Ngỡ như nó chưa đến. Vậy mà nó lại đến. Thật bất ngờ. Ít nhiều giống Nguyễn Khuyến ngày xưa: “Vọng xuân bất tri xuân dĩ quy” (Mong xuân mà chẳng biết xuân đã về rồi.)

Lý do đầu tiên có lẽ tại thời tiết. Tháng 12, trong khi ở khắp nơi trên thế giới đang là mùa đông, hoặc lạnh buốt hoặc, nói như Hồ Dzếnh, trong một câu thơ thật đẹp, “chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhau”, thì ở Úc lại là mùa hè, ngày nào cũng nắng chói chang, nhiệt độ có lúc lên đến gần 40 độ C (riêng ngày mồng một Tết, ở Melbourne, nơi tôi đang sống, là 34 độ C), ngồi ở nhà hay ở văn phòng, dù có máy lạnh, vẫn thấy bứt rứt khó chịu. Thời tiết như thế, thật khó nghĩ đến Tết, vốn trong ký ức và tưởng tượng của tôi, bao giờ cũng có cái gì như se se, gây gây, lành lạnh.

Một lý do khác nữa là nghề nghiệp. Tôi dạy học. Ở Úc, mỗi năm đại học có hai học kỳ: học kỳ 1 bắt đầu từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 5; học kỳ 2 từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 10. Từ cuối tháng 11, mọi việc chấm thi coi như xong. Tất cả các giáo sư hoặc nghỉ hè hoặc lao đầu vào các dự án nghiên cứu. Trường thường vắng ngắt. Các dãy lành lang trước cửa văn phòng tôi, bình thường, lúc nào cũng ồn ào, mùa này, ngược lại, cả ngày không hề nghe một tiếng động. Trong cảnh vắng vẻ, tịch liêu và cái không khí nghỉ hè như thế, tôi không bao giờ có thể liên tưởng đến Tết hay mùa xuân hay bất cứ thứ gì tương tự.

Mùa hè, tôi lại thường bận hơn bình thường. Phần lớn các dự án nghiên cứu hay viết lách của tôi đều dồn vào những ngày tháng không phải lên lớp, gặp sinh viên và chấm bài như thế này. Năm nay, tôi lại có hứng viết một cuồn sách về phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai. Tôi viết như điên như dại. Ngày nào cũng viết từ sáng đến khuya lơ khuya lắc. Cả ngày Thứ bảy và Chủ nhật cũng vào văn phòng, đóng cửa lại, ngồi viết. Trong gần ba tháng, tôi viết xong cuốn sách đúng 500 trang. Viết xong, lại đọc lại, thêm chỗ này bớt chỗ khác. Lại miệt mài cả ngày lẫn đêm. Hậu quả là quên luôn cả Tết.

Gia đình của tôi cũng không nhắc tôi về Tết. Sinh trưởng trong một gia đình Công giáo thuần thành, từ nhỏ đến lớn, tôi không hề biết đến bàn thờ với những bánh trái, nhang đèn và cúng kiếng. Sau này, không đi nhà thờ và cũng không còn nghĩ mình là người Công giáo nữa, tôi vẫn không tập được một thói quen mới mà mình vẫn trộm thèm thuồng là dựng một bàn thờ nho nhỏ trong nhà và lâu lâu lại thắp một nén nhang để có chút không khí truyền thống.

Nhiều năm về trước, lúc con cái tôi còn nhỏ, chính chúng là những người nhắc nhở tôi về Tết. Cũng chẳng phải do chúng hiểu gì về ý nghĩa ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Chúng nôn nao chờ Tết chỉ vì tiền lì xì. Thường, đêm Giáng Sinh chúng nhận được quà. Chỉ có Tết Việt Nam mới có tiền. Mà không phải chỉ có bố mẹ mới lì xì. Cả bà con và một số bạn bè của bố mẹ cũng cho tiền lì xì. Thế là cứ đến ngày mồng một Tết, chúng lại thấy mình “giàu có” hẳn lên. Chính vì thế, năm nào, trước Tết cả một hai tuần, chúng cũng đều bàn tính với nhau về số tiền lì xì mà chúng hy vọng sẽ nhận được. Càng bàn tính, cảm giác nôn nào đón chờ ngày Tết lại càng lớn. Sau này, cả hai đứa đều đi làm; chúng không còn cần mớ tiền lì xì ít ỏi từ bố mẹ hay bà con chú bác nữa. Nên đâm ra hờ hững hẳn.

Không ai và không có gì nhắc nhở, hàng ngày tôi vẫn vào trường ngồi miệt mài viết. Hoàn toàn không nhớ đến Tết. Sáng ngày 28 tháng 12 âm lịch, tôi nhận được email chúc Tết của mấy người bạn từ Việt Nam. Lạ, tất cả các lời chúc Tết ấy lại được viết bằng tiếng Anh. Đọc, tôi cứ ngỡ là bạn bè gửi muộn, gần ba tuần sau tết Tây. Lát sau, tôi nhận được một email chúc Tết khác; lần này, từ một đồng nghiệp người Úc, giáo sư ngành Truyền thông. Lời chúc lại được viết bằng tiếng Việt: “Chúc mừng năm mới” đàng hoàng. Đến lúc ấy, nhìn dòng chữ tiếng Việt kia, tôi mới sực nhớ là Tết đến thật rồi.

Nhớ đến Tết, tự dưng đâm ra bần thần. Tôi ngưng viết, về sớm, ghé quán cà phê quen thuộc, gọi một chai bia. Uống một mình.

Vị bia đắng ngắt.

Tối, thẫn thờ đứng trước mấy kệ sách trong nhà. Cuối cùng, với tay lấy tập Thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Lâu lắm rồi chưa đọc lại Nguyễn Du. Nhưng cầm tập thơ trong tay khá lâu mà vẫn không đọc được chữ nào cả. Trong đầu cứ vang vang lên một câu thơ lãng nhách. Của một nhà thơ lãng nhách: Tố Hữu. Câu thơ làm lúc Tố Hữu đã mất hết quyền bính. Buồn tênh:

“Đêm cuối năm riêng một ngọn đèn.”

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG