Đường dẫn truy cập

Tập đoàn quân sự Myanmar ra quy định bầu cử có lợi cho họ


Lãnh đạo tập đoàn quân sự Myanmar, tướng Min Aung Hlaing
Lãnh đạo tập đoàn quân sự Myanmar, tướng Min Aung Hlaing

Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Myanmar hôm 27/1 công bố các yêu cầu khó khăn mà các chính đảng phải đáp ứng để chạy đua trong cuộc bầu cử trong năm nay, bao gồm phải có số lượng đảng viên cao hơn nhiều so với trước đây. Động thái này có thể gạt các đối thủ của quân đội ra bên lề và củng cố sự kiểm soát của quân đội đối với đất nước.

Các tướng lĩnh hàng đầu của Myanmar đã lãnh đạo cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021 sau 5 năm chia sẻ quyền lực căng thẳng trong hệ thống chính trị gần như là dân sự do quân đội dựng nên, dẫn đến một thập kỷ cải cách chưa từng có.

Đất nước này đã rơi vào hỗn loạn kể từ vụ đảo chính, với phong trào kháng chiến chống lại quân đội trên nhiều mặt trận sau một cuộc đàn áp đẫm máu các đối thủ khiến phương Tây áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt.

Quân đội đã cam kết tổ chức bầu cử vào tháng 8 năm nay. Một thông báo trên truyền thông nhà nước hôm 27/1 cho biết các đảng phái có ý định ra tranh cử trên phạm vi toàn quốc phải có ít nhất 100.000 đảng viên, tăng từ mức 1.000 trước đó và phải cam kết tranh cử trong 60 ngày tới nếu không sẽ bị hủy tư cách đảng phái.

Các quy định này tạo thuận lợi cho Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển, một đảng phái đại diện cho phe quân sự với thành phần là nhiều cựu tướng lĩnh, vốn đã bị Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi làm cho thua tơi tả trong cuộc các bầu cử năm 2015 và 2020.

NLD đã sụt giảm số lượng thành viên sau cuộc đảo chính, với hàng nghìn đảng viên bị bắt hoặc bỏ tù, bao gồm cả bà Suu Kyi, và nhiều người khác đang lẩn trốn.

Richard Horsey, cố vấn cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, đã làm việc tại Myanmar trong 15 năm, cho biết các quy định này nhằm khôi phục hệ thống chính trị mà quân đội có thể kiểm soát.

“Các đảng phái hoặc là sẽ quá sợ hãi, bị xúc phạm trước sự giả hiệu của cuộc bầu cử, hoặc là chiến dịch tranh cử trên toàn quốc trong hoàn cảnh đó sẽ quá tốn kém. Ai sẽ tài trợ cho một đảng chính trị vào lúc này?”, ông nói.

“Toàn bộ màn trình diễn này là để duy trì sự cai trị của quân đội. Đó là gánh hát. Quy định chẳng cần phải hợp lý, bởi vì họ đã quyết định kết quả bầu cử”.

Tập đoàn quân sự cầm quyền nói họ cam kết thực thi dân chủ và họ phải giành lấy quyền lực vì có những vi phạm không được giải quyết trong cuộc bầu cử năm 2020 mà khi đó đảng NLD cầm quyền đã giành chiến thắng áp đảo.

Đảng NLD hồi tháng 11 đã mô tả cuộc bầu cử là ‘giả hiệu’ và nói họ sẽ không thừa nhận nó. Cuộc bầu cử này cũng đã bị các chính phủ phương Tây bác bỏ và xem là ‘giả hiệu’.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG