Đường dẫn truy cập

Tập Cận Bình dọa Đài Loan được không?


Trong bức ảnh do Tân Hoa Xã công bố, các máy bay chiến đấu của Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành một cuộc diễn tập chiến đấu chung quanh Đảo Đài Loan hôm 7 tháng 8 năm 2022. (Gong Yulong / Tân Hoa Xã qua AP)
Trong bức ảnh do Tân Hoa Xã công bố, các máy bay chiến đấu của Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành một cuộc diễn tập chiến đấu chung quanh Đảo Đài Loan hôm 7 tháng 8 năm 2022. (Gong Yulong / Tân Hoa Xã qua AP)

Tập Cận Bình biết Đài Loan là miếng “gân gà” khó gặm. Ông phải tỏ ra hung hãn đưa không quân và hải quân bủa vây hòn đảo, chỉ cốt cho dân trong lục địa quên cảnh ngăn sông cấm chợ, kinh tế trì trệ vì Covid.

Trung Cộng cho 68 phi cơ chiến đấu diễu quanh với 13 chiến hạm bao vây 13 khu vực ngoài khơi và, lần đầu tiên, phóng hỏa tiễn liên lục địa qua đảo Đài Loan.

Đây là cuộc biểu diễn quân lực lớn nhất kể từ cuộc chiến tranh sau cùng với Việt Nam, kéo dài ba tháng năm 1979 trong đó không quân ít xuất hiện và hải quân vắng mặt. Lần này, Trung Cộng muốn thí nghiệm phương pháp phối hợp giữa không quân và hải quân. Hạm đội thứ 7 của Mỹ cũng điều động các máy bay thám thính (RC-135s, P-8s và E-3s), với máy bay KC-135 chở xăng tiếp tế trên không để có thể bay liên tục. Đài Loan có cơ hội theo dõi coi cách làm ăn của đối phương ra sao để hoàn chỉnh kế hoạch phòng vệ.

Quân khu miền Đông của Trung Cộng điều khiển cuộc thao diễn này có thể coi là để “tập trận” cho một chiến dịch phong tỏa hòn đảo. Nhưng họ chỉ dùng các diệt lôi hạm, không đủ sức cấm cửa các hải cảng; cũng không ngăn cản thương thuyền các nước nhập bến Đài Loan, mặc dù lúc đầu mọi người đã lo ngại. Họ cũng không dùng tới những tàu đổ bộ, cho nên không thể coi đây là một cuộc tập trận để chuẩn bị đánh Đài Loan.

Quân đội Đài Loan theo chiến lược phòng ngự “Con Nhím,” dùng mọi cách gây tổn thương khiến cho đạo quân xâm lược phải nản lòng trước khi nghĩ đến chuyện tấn công.

Eo biển Đài Loan ngăn cách lục địa gần 200 cây số. Rút kinh nghiệm cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh vào bờ biển Normandie năm 1945, quân Đức có 50,000 lính phòng thủ, Anh, Mỹ phải điều động con số gấp ba, 146,000. Đài Loan hiện có gần 300,000 quân và có thể tổng động viên gọi thêm 4 triệu quân trừ bị. Trung Cộng sẽ phải huy động mấy chục ngàn thương thuyền chuyên chở một triệu bộ binh qua biển.

Đưa một triệu quân vượt biển không phải chuyện dễ dàng. Đài Loan đã chuẩn bị không quân và hệ thống hỏa tiễn để đánh chìm các con tàu chở lính. Ngân sách quốc phòng Đài Loan thấp hơn nhiều so với Trung Cộng nhưng đạo quân phòng thủ bao giờ cũng sẵn chiếm lợi thế. Sản xuất một chiến hạm tốn kém rất nhiều so với chế tạo mấy hỏa tiễn để đánh chìm chiến hạm.

Dù có lợi thế đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã thấy chỉ đủ sức ngăn chặn quân Trung Cộng trong hai tuần lễ, đến khi các đường dây tiếp liệu cạn dần. Trung Cộng cũng tính rằng nếu không đổ được quân lên hòn đảo trong hai tuần lễ thì cả chiến dịch sẽ thất bại. Cuộc tấn công Đài Loan có thể diễn ra vào tháng Tư hoặc tháng Mười khi trời yên biển lặng, trong thời gian kéo dài từ 2 đến 4 tuần lễ.

Nhưng Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, có thể biết Trung Cộng sắp đánh hai tháng trước, khi Bắc Kinh bắt đầu đưa quân và vũ khí tới ven biển. Họ có thể biết chắc chắn 30 ngày, trước khi những hỏa tiễn đầu tiên của Trung Cộng phóng qua. Thời gian đó đủ cho Đài Loan tuyên bố tổng động viên, phát súng và tổ chức hàng ngũ hai triệu quân trừ bị. Đồng thời, cảnh sát và mật vụ sẽ tìm bắt những đặc công nằm vùng mà họ vẫn theo dõi, không để chúng phá hoại và ám sát. Guồng máy chính phủ và bộ tham mưu quân đội sẽ di chuyển vào các căn cứ bí mật trong miền núi, sẵn sàng với hệ thống thông tin và những đường hầm liên lạc. Trước khi không lực Trung Cộng bắt đầu các cuộc oanh tạc phá hủy, các máy bay chiến đấu của Đài Loan đã được tập luyện sử dụng xa lộ để cất cánh, sẽ được di tản, chiến thuyền được đưa tới những bến ẩn náu.

Khi tiến vào hòn đảo. quân xâm lăng sẽ phải đối phó với những mũi gai khác của “Con Nhím.” Hai phần ba đất đai trên hòn đảo là núi. Chỉ có 13 bãi biển ở bờ phía Tây hòn đảo có thể đổ bộ; đã được bố trí sẵn sàng chờ quân địch; với các công sự phòng thủ, kho vũ khí, nối với nhau qua các đường hầm. Bàn chông sắt nhọn được gài đặt trên mặt đất nơi quân địch có thể dùng. Các làng và thị xã chung quanh các bãi biển đó có những nhà máy chế chất hóa học có thể dùng làm vũ khí.

Quân Trung Cộng đã tự cảnh cáo trước khi tiến vào các thành phố việc sử dụng trực thăng sẽ bị trở ngại vì sẽ có những dây thép nối giữa các tòa cao ốc sẽ mọc ra để ngăn chặn. Cuộc chiến giữa các con phố, các tòa nhà sẽ khốc liệt, với mìn bẫy khắp nơi; nguy hiểm gấp trăm lần khi “Hồng quân” tiến vào các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng năm 1979.

Dù một cuộc tấn công giúp Tập Cận Bình chiếm được Đài Loan, thì lúc đó những khó khăn mới bắt đầu. Kinh tế Trung Cộng và kinh tế cả thế giới sẽ ngưng trệ. Hiện nay Công ty TSMC ở Đài Loan là nguồn cung cấp lớn nhất thế giới, bán 92% các thứ “chip” nhỏ hơn 10 na nô mét (nanometer, một phần tỷ của một mét). Chiến tranh xẩy ra, các công ty Apple, Qualcomm, Nvidia, Samsung không thể hoạt động vì thiếu chíp. Năm ngoái công ty này bán $155 tỷ mỹ kim chất bán dẫn cho Trung Cộng, chỉ mua $21 tỷ các loại chip thô sơ. TSMC và Samsung là hai công ty duy nhất trên thế giới chế các loại chip nhỏ 5 na nô mét, theo nhật báo SCMP ở Hong Kong. Trước khi Trung Cộng đánh, chỉ cần vài chiếc máy bay Boeing là có thể chở hết các kỹ sư và giới quản đốc công ty TSMC đi, và chắc chắn các nước tiên tiến đều muốn đón họ. Trước khi quân Trung Cộng tiến vào Đài Bắc, các máy móc sẽ bị phá hủy.

Tập Cận Bình biết Đài Loan là miếng “gân gà” khó gặm. Ông phải tỏ ra hung hãn đưa không quân và hải quân bủa vây hòn đảo, chỉ cốt cho dân trong lục địa quên cảnh ngăn sông cấm chợ, kinh tế trì trệ vì Covid.

Nhưng dân chúng Đài Loan tỏ ra rất bình tĩnh. Họ đã quen với những đe dọa từ thời Mao Trạch Đông, giờ đang áp dụng chủ trương “Kiến Quái Bất Quái” (见怪不怪), Thấy Quỷ Không Hoảng.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG