Đường dẫn truy cập

Suyễn dạng ho (cough equivalent/variant asthma)


(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Thính giả tên Nguyễn Kin hỏi:

Kinh thưa Bác Sĩ

Tôi có một thắc mắc kính mong Bác sĩ góp ý để cải thiện.

Tôi năm nay được 60 tuổi. Đã từ lâu lắm rồi, từ lúc tôi ở tuổi 30-40 hể mỗi khi qua một cơn cảm sốt thì luôn luôn kèm theo sau đó là một đợt ho dữ dội, kéo dài nhiều tuần lễ. Những cơn ho kinh khủng đến nỗi ai nghe cũng ái ngại, tiếng ho nghe như muôn xé lồng ngực vậy đó. Tất nhiên là rất khổ sở và khó chịu. Nhiều khi nó gây ra những đêm mất ngủ. Hể chợp mắt một tí là liền bị cơn ho kéo đến phá giấc ngủ.

Bác sĩ gia đình cũng chỉ biết cho từ loại thuốc này qua loại thuốc khác.

Tôi cũng đã đi chụp phổi, không tìm thấy gì lạ.

Theo ý Bác sĩ, trường hợp như vậy thì tôi nên đi xét nghiệm cơ phận nào để có thể tìm ra nguyên nhân?

Cám ơn Bác sĩ nhiều, kính chúc Bác sĩ luôn an mạnh”

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Suyễn dạng ho (cough equivalent/variant asthma)
please wait

No media source currently available

0:00 0:17:02 0:00
Tải xuống

Thường thường, người bịnh suyễn có những triệu chứng chính tiêu biểu như

1) khò khè (wheezing) do các phế quản co thắt làm khí trong phế nang đi ra ngoài khó khăn

2) hụt hơi, khó thở (shortness of breath,dyspnea).

Một số bịnh nhân không có những triệu chứng này, nhưng bịnh suyễn của họ biểu hiện bằng một triệu chưng khác là họ ho dữ dội, kéo dài từ 4-6 tuần,ngày cũng như đêm, làm cho khó ngủ ban đêm, ho nhiều hơn lúc vận động, thể thao, các cơn ho có thể khởi mào (trigger) do tiếp xúc với một loại dầu thơm, bụi, chất hoá học, hay không khí lạnh (ví dụ mùa đông , nhất là không mang khăn quàn cổ, không khí lạnh vào xuống tận phổi).Những người này mắc bịnh suyễn nhưng dạng suyễn biểu hiện bằng một triệu chứng không điển hình là ho.

Nếu hỏi kỹ về bịnh sử, có thể hồi còn nhỏ, bịnh nhân đã đựoc bác sĩ định bịnh suyễn điển hình (như khò khè, khó thở, bác sĩ từng dùng chất giãn nở phế quản như albuterol uống hoặc xông hơi (nebulization, hay MDI [metered dose inhaler]) cùng với corticoid uống hay xông. Sau đó thì bịnh nhân có vẻ như khỏi bịnh suyễn, nhưng lại xuất hiện chứng hay ho dữ dội và kéo dài sau khi bị cảm, hay phơi nhiễm (exposed) với một số chất nào đó, khí lạnh hoặc lúc làm việc hay thể thao mệt nhọc (exercise induced asthma).

Những bịnh nhân này lúc khám bác sĩ có vẻ như mọi chuyện bình thường, nghe phổi thông và trong, quang tuyến bình thường và đo cơ năng phổi spirometry (đo "phế dung", lượng không khí hít vào, thở ra, dung tích phổi chứa được bao nhiêu không khí,vv)cũng có thể vẫn bình thường.

Methacholine challenge test: Bác sĩ chuyên về bịnh phổi (ở Mỹ gọi là pulmonologist) có thể cho người bịnh hít một liều lượng nhỏ chất methacholine. Methacholine là một chất có khả năng là các phế quản co thắt lại, dù là có bịnh hay không. Người ta đo phế dung người bịnh trước, sau đó dùng một liều rất nhỏ methacholine để cho họ hít vào, đo lại, ở người bị bịnh suyễn cơ năng phổi sẽ bị giảm đi từ 20% hoặc nhiều hơn. Sau đó, người ta cho bịnh nhân hít chất giãn phế quản (bronchodilator), các thông số phế dung trở lại bình thường. Như vậy bs đã chứng minh phế quản của bịnh nhân đã rất nhạy cảm một cách không bình thường với chất co phế quản, và định bịnh "cough equivalent asthma" ở người bịnh. Thuốc dùng để chữa gồm những thuốc giãn phế quản, thuốc giảm viêm loại corticoid dạng hơi để hít vào, hoặ nếu bịnh nặng, ho không thuyên giảm, các chất corticoid uống.

Nói tóm lại, bịnh nhân bị những cơn ho kéo dài, dữ dội mà bác sĩ chưa giải thích được nên nghĩ đến dạng "ho tương đương của bịnh suyễn" có thể được điều trị và ngăn ngừa như bịnh suyễn thông thường. Một số thuốc ho có chất ma tuý như codein, hydrocodone (vd. trong Tussionex) có thể làm bịnh nặng hơn vì làm phể quản co thắt thêm. Các chất kháng histamin như chlorpheniramine có thể làm nhớt trong phổi đặc lại, kẹo hơn và tác dụng thông đờm (expectorant) có thể giảm đi. Nên tham vấn với một bác sĩ chuyên về bịnh hô hấp (pulmologist) hay chuyên về các bịnh dị ứng (allergist) để được điều tra tường tận hơn.

Một điểm khác nên nhớ, qua một gia đoạn đời người nhiều năm, bịnh ho mấy chục năm trước lúc còn trẻ chưa chắc đã có nguyên nhân giống như bịnh ho một người lớn tuổi. Ví dụ nếu mấy chục năm qua hút thuốc lá, cơ nguy ung thư phổi rất cao. Viêm xoang chung quanh mũi làm mủ chảy về phía sau họng cũng là một nguyên nhân thường gặp của bịnh ho dai dẳng sau khi bị cảm. Thuốc mình đang uống cũng có thể ảnh hưởng làm cho ho, ví dụ thuốc giúp hạ áp huyết loại ACE inhibitors như lisinopril có thể gây hoa dai dẳng; thuốc hạ áp huyết loại propranolol có thể làm cuống phổi/phế quản co thắt nhiều hơn, dễ lên cơn suyễn hơn. Một số hoá chất dùng trong nhà được điều hoà không khí (AC), không khí được tái sử dụng ở Mỹ, nhà bị nấm mốc có thể là nguyên nhân làm người ở trong nhà dễ bị ho. Cho nên cần bác sĩ hướng dẫn kỹ lưỡng.

Cũng nên nhắc ở đây, ở người lớn ở Mỹ, nguyên nhân quan trọng làm cho họ ho dữ dội và kéo dài mà không nóng sốt, không có triệu chứng quan tuyến là bịnh ho gà , mặc dù họ từng chích ngừa bịnh ho gà trước khi vào tiểu học. Hiện nay người ta khuyên chủng ngừa bịnh ho gà (pertussis, whooping cough) cùng với bịnh yết hầu, uốn ván (tetanus) trong một mũi vác xin kết hợp 3 thứ ("Tdap) tên thương mại là Boostrix (GSK) hay Adacel (Sanofi Pasteur). Trước đây thuốc chủng ho gà không dùng cho người trên 7 tuổi; gần đây thì kháng nguyên dùng chích ngừa bịnh ho gà được sản xuất theo kỹ thuật tinh chế hơn, không có tế bào nguyên của vi khuẩn , gọi là "acellular" (không có tế bào), nên cơ thể người lớn (19-64 tuổi) có thể chịu được dễ dàng hơn, và viết tắt là ap [acellular pertussis vaccine low dose). (Cũng như vậy trong Tdap, d= vaccine cho diphteria ở liều thấp, so với vaccine DTaP dùng cho trẻ dưới 7 tuổi.)

Theo CDC Mỹ:

"Vắc-xin Tdap có thể bảo vệ thanh thiếu niên và người lớn khỏi bị uốn ván, bạch hầu và ho gà. Một liều Tdap được tiêm định kỳ vào lúc 11 hoặc 12 tuổi. Những người đã không tiêm Tdap ở độ tuổi đó thì nên tiêm càng sớm càng tốt. Tdap đặc biệt quan trọng đối với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và bất cứ ai có tiếp xúc gần gũi với trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Phụ nữ có thai nên tiêm một liều Tdap trong mỗi thai kỳ, để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị bệnh ho gà. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị các biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nhất từ bệnh ho gà." [Tdap VIS – Vietnamese (2/24/2015)]

Xin nhắc lại các tin tức nêu lên đều thuần tuý với mục đích thông tin. Người bịnh cần được bác sĩ của mình thăm bịnh, khám bịnh và hướng dẫn.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 20 tháng 4 năm 2018.

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG