Đường dẫn truy cập

Sri Lanka: 'Cuộc điều tra về tội ác chiến tranh có động cơ chính trị'


Một nhóm người Hồi giáo Sri Lanka phản đối nghị quyết của Liên hiệp quốc về tội ác chiến tranh của Sri Lanka, 26/3/14
Một nhóm người Hồi giáo Sri Lanka phản đối nghị quyết của Liên hiệp quốc về tội ác chiến tranh của Sri Lanka, 26/3/14
Sri Lanka chỉ trích việc Liên hiệp quốc đồng ý tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về những hành vi tàn ác đã xảy ra trong giai đoạn cuối của nội chiến Sri Lanka. Chính phủ ở Colombo nói rằng việc này có động cơ chính trị. Theo tường thuật do thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA ở New Dehli, Liên hiệp quốc cho rằng cuộc điều tra do Sri Lanka thực hiện không đáng tin cậy.

Phát ngôn viên Tổng thống Sri Lanka, ông Mohan Samaranayake, nói rằng những nước bảo trợ cho nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc chấp thuận hôm thứ 5 đã không xem xét tới sự kiện là nước ông đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố trong cuộc nội chiến kết thúc cách nay 5 năm.

Ông nói với đài VOA rằng nghị quyết này không liên quan tới vấn đề nhân quyền.

Toàn bộ những việc này có động cơ chính trị, có thiên kiến, không chính đáng và có tính chất một chiều. Chúng tôi tin rằng việc này không thật sự là về nhân quyền. Nếu là về nhân quyền thì những nước bảo trợ và những nước ủng hộ nghị quyết này phải ca ngợi chính phủ Sri Lanka, bởi vì chính phủ Sri Lanka đã bảo vệ cho quyền tối thượng của con người, đó là quyền được sống.

Nghị quyết này là nghị quyết cứng rắn nhất trong 3 nghị quyết chống lại Sri Lanka tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc trong những năm gần đây. Trọng tâm của vấn đề là những tội ác chiến tranh mà binh sĩ chính phủ và phiến quân đã phạm trong những tháng cuối của chiến dịch quân sự vào năm 2009 đã dẹp tan cuộc nổi dậy kéo dài 30 năm của phiến quân Hổ Tamil.

Với sự hậu thuẫn của 23 nước trong 47 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, nghị quyết mới nhất này cho rằng Sri Lanka đã không làm gì nhiều để tiến hành một cuộc điều tra đáng tin cậy hoặc để bảo đảm là những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm; và vì thế, cần phải có một cuộc điều tra của quốc tế.

Một ủy ban do Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon thành lập cho biết có tới 40.000 thường dân đã bị giết hại trong giai đoạn cuối của cuộc xung đột. Có những báo cáo cho rằng các bệnh viện đã bị dội bom và những người ủng hộ phe Hổ Tamil bị tra tấn.

Cộng đồng quốc tế có phản ứng lẫn lộn đối với nghị quyết của Liên hiệp quốc. Các nước phương Tây như Hoa Kỳ đã hoan nghênh việc này và cho rằng nghị quyết đánh đi một thông điệp là Sri Lanka phải theo đuổi một nền hòa bình lâu dài.

Nhưng Ấn Độ, là nước từng ủng hộ cho những yêu cầu trước đây đòi có một cuộc điều tra vô tư, lần này đã bỏ phiếu trắng vì e rằng một cuộc điều tra quốc tế có thể xâm phạm chủ quyền của một nước.

Người phát ngôn của Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa không cho biết nước ông có định hợp tác với các nhà điều tra quốc tế hay không. Ông nói rằng chính phủ sẽ xem xét toàn bộ tiến trình và sẽ quyết định về những bước kế tiếp.

Mặc dù vậy, ông Samaranayake nói rằng một cuộc điều tra như vậy sẽ phản tác dụng:

"Những việc loại này sẽ gây thêm tai họa. Nó làm cho tình hình xấu thêm và gây phương hại cho tiến trình hòa giải mong manh đang diễn ra ở quốc gia này. Hòa giải không phải là một hành động duy nhất."

Chính phủ Sri Lanka cho biết họ đã và đang thúc đẩy cho đầu tư, tăng trưởng kinh tế và tái định cư khối người Tamil thiểu số ở miền bắc và miền đông, là nơi phe Hổ Tamil từng dùng làm cứ địa.

Trong những năm gần đây, chính phủ Sri Lanka bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích là mỗi ngày một độc tài hơn và tiếp tục đe dọa những người hoạt động nhân quyền và các nhà báo.

Phát ngôn viên Samaranayanke nói rằng nước ông bị trừng phạt vì đã ngăn chận các hoạt động khủng bố. Ông nói thêm rằng Sri Lanka sẽ dựa vào sự hậu thuẫn của dân chúng để vượt qua thách thức mới nhất này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG