Đường dẫn truy cập

Số người chết gia tăng trong bạo loạn hậu bầu cử ở Kenya


Cảnh sát chống bạo động nỗ lực giải tán người biểu tình ủng hộ nah2 lãnh đạo đối lập Raila Odinga, ở khu Mathare, thủ đô Nairobi, Kenya, ngày 12 tháng 8, 2017.
Cảnh sát chống bạo động nỗ lực giải tán người biểu tình ủng hộ nah2 lãnh đạo đối lập Raila Odinga, ở khu Mathare, thủ đô Nairobi, Kenya, ngày 12 tháng 8, 2017.

Tình trạng bạo lực hậu bầu cử ở Kenya trầm trọng hơn vào ngày thứ Bảy khi cảnh sát xịt hơi cay vào một đoàn những quan chức của phe đối lập ở thủ đô và một quan chức nhà xác cho biết chín thi thể bị trúng đạn được đưa vào nhà xác ở Nairobi từ một khu ổ chuột vốn là cứ địa của phe đối lập.

Ít nhất 24 người thiệt mạng vì bị cảnh sát bắn kể từ cuộc bầu cử hôm thứ Ba, theo Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Kenya, một cơ quan theo dõi các cơ quan của chính phủ. Ủy ban kêu gọi các quan chức cao cấp hối thúc cảnh sát ngừng sử dụng đạn thật nhắm vào thường dân.

Trong khi bạo loạn tiếp diễn một ngày sau khi Tổng thống Uhuru Kenyatta đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử mà phe đối lập nói đã bị gian lận, một người cha đau khổ nói rằng đứa con gái 9 tuổi của ông bị chết vì đạn lạc trong khi đang chơi với bạn.

“Tôi đang xem nó chơi với bạn thì bất thình lình nó ngã xuống,” người cha Wycliff Mokaya nói với hãng tin AP. “Nó là hy vọng duy nhất của tôi.”

Trong những khu ổ chuột ở Nairobi trung thành với nhà lãnh đạo đối lập Raila Odinga, cảnh sát nổ súng để giải tán những người biểu tình chặn đường và đốt lửa làm rào chắn, AP cho biết. Hãng tin này nói thêm các nhiếp ảnh gia của họ nhìn thấy cảnh sát xông vào người biểu tình và bắn hàng loạt đạn thật và hơi cay trong khu Mathare.

Ông Kenyatta chiến thắng với 54 phần trăm phiếu bầu so với 45 phần trăm phiếu bầu dành cho ông Odinga, nhưng tranh cãi gay gắt về sự toàn vẹn của tiến trình bầu cử đã làm lu mờ điều mà nhiều người Kenya đã hy vọng sẽ là một sự tôn vinh nền dân chủ ở một cường quốc khu vực được biết đến tới nhờ sự hứa hẹn về kinh tế và sự ổn định lâu dài.

Tình trạng bất ổn cũng phơi bày sự chia rẽ trong một xã hội nơi đói nghèo và tham nhũng ở các cấp chính phủ cao nhất đã làm nhiều người Kenya giận dữ, kể cả những người biểu tình phản đối trong những khu ổ chuột và xem ông Odinga là tiếng nói cho những oán thán của họ.

Thêm vào sự chia rẽ này là sự trung thành sắc tộc. Ông Kenyatta được nhiều người coi là đại diện của người Kikuyu, nhóm sắc tộc lớn nhất ở Kenya, trong khi ông Odinga thuộc sắc tộc Luo, vốn chưa bao giờ có người nắm giữ vị trí nguyên thủ quốc gia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG